Dòng sự kiện:
Công ty Mua bán điện của EVN nợ đọng PV Power gần 15.000 tỷ đồng
28/07/2023 12:16:12
Số tiền PV Power phải thu của Công ty Mua bán điện (EVN) là 14.929 tỷ đồng - con số này gần bằng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của PV Power.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - HoSE: POW) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 8.431 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn gần 22% lên 7.961 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm gần một nửa còn 469 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 130 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ nhờ khoản lãi tiền gửi tăng. Chi phí tài chính giảm 36,5% còn 144 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ so với năm trước lên 207 tỷ đồng. Ngoài ra, PV Power còn ghi nhận khoản lỗ khác hơn 22 tỷ đồng.

Kết quả, PV Power ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2023 đạt 181,6 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 126,3 tỷ đồng, giảm gần 70%. EPS giảm từ 180 đồng về còn 54 đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, PV Power ghi nhận 15.855 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 831,6 tỷ đồng, giảm 42%. Với kết quả đạt được sau 6 tháng, PV Power đã hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu và 74% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của PV Power đạt 61.818 tỷ đồng, tăng gần 9% so với số đầu năm. Chiếm tỉ trọng lớn nhất là tài sản cố định với 45%, tương đương 27.787 tỷ đồng. Khoản mục này bao gồm các nhà máy và trang thiết bị của công ty.

Đặc biệt, khoản phải thu ngắn hạn của công ty ở mức 17.835 tỷ đồng, tăng hơn 5.300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu Công ty Mua bán điện (EVN) là 14.929 tỷ đồng. Con số này gần bằng doanh thu 6 tháng của PV Power. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ở mức 9.320 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 7/2023, tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), lãnh đạo PV Power cho biết, 6 tháng đầu năm, một số nhà máy không đạt sản lượng điện hợp đồng (Qc) được giao do nhiều nguyên nhân khách quan. Các nhà máy thủy điện trong tình trạng thiếu nước. Nguồn khí cũng bị thiếu hụt. Tổ máy số 1 tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố.

Các vướng mắc liên quan trong thu xếp vốn, đấu nối, đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), đàm phán hợp đồng mua bán khí (GSA) tại dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, việc huy động chạy dầu DO trong đợt cao điểm huy động điện phát sinh nhiều vấn đề như chi phí tăng, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, máy móc..

Đặc biệt, tình hình thu hồi công nợ của PV Power từ EVN rất khó khăn. Tính đến thời điểm báo cáo, tổng số tiền nợ đọng đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng.

PV Power có hơn 154 tỷ đồng nợ xấu, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 46,8 tỷ đồng, chủ yếu từ Công ty Mua bán điện với hơn 117 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án ĐLDK Vũng Áng – Quảng Trạch hơn 20,2 tỷ đồng; Công ty Xây lắp dầu khí nợ hơn 7 tỷ đồng…

Tính đến hết quý II/2023, PV Power có gần 28.000 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (21.956 tỷ đồng). Nợ vay tài chính ở mức 8.062 tỷ đồng trong đó khoảng 60% là nợ ngắn hạn.

Vốn chủ sở hữu của PV Power đạt 33.831 tỷ đồng, bao gồm hơn 3.543 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và hơn 4.039 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển tại thời điểm cuối tháng 6/2023.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến