Dòng sự kiện:
Công ty “offshore”, anh là ai?
16/05/2016 08:09:55
Offshore company, mạn phép dịch nôm na là các “công ty ngoài khơi”, đơn giản là công ty đăng ký thành lập và được bảo hộ bởi một địa chỉ ngoài biên giới quốc gia mà nó đang hoạt động. Nhưng rộng hơn, cái tên này còn mang hàm ý khác.

Tin liên quan

Cặp bài trùng offshore company và tax haven

Giới tài chính còn gọi những “offshore company” là “doanh nghiệp chuyên dụng”, bởi vì nó được thành lập ra không phải để kinh doanh trực tiếp mà để thực hiện các mục đích như đầu tư vào một công ty ở nước nào đó, hay chỉ là một pháp nhân được bảo hộ bởi quốc gia nó đăng ký thành lập để cất giữ tài sản.

Theo cách hiểu truyền thống, nó không làm gì mà chỉ tồn tại với danh nghĩa “nắm giữ” công ty đang hoạt động ở Việt Nam (hay nước khác). Những công ty offshore đã phổ biến với giới kinh doanh quốc tế từ 40-50 năm nay.

Giới kinh doanh quốc tế cũng hiểu thuật ngữ này được dùng nhiều hơn trong việc mô tả các tổ chức liên quan đến tài chính, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, quỹ tín thác, các công ty trung gian hay đơn giản chỉ các khoản tiền (lớn) được giữ lại ở đâu đó bên ngoài lãnh thổ mà chủ nhân nó là công dân.

Ở tầng ý nghĩa thứ ba, khái niệm này trong đa số trường hợp để chỉ những công ty được thành lập ở những nơi ẩn thuế (tax havens) trên thế giới. Có hàng trăm vùng lãnh thổ, quốc gia đã từng và đang là nơi ẩn thuế, có thể kể những cái tên nổi bật như Thụy Sỹ, Bahamas, Bermuda, Cook, quần đảo Cayman, Netherlands Antilles và Panama, Jersey, Isle of Man, quần đảo Virgin, Delaware, Puerto Rico, Dominica, Belize, Seychelles, Antigua… Ở châu Á, Hongkong và Singapore với sự thông thoáng trong quy định thành lập doanh nghiệp và các sắc thuế cũng được coi là một nơi ẩn thuế. Ở Singapore, với 100 đô la Sing bạn cũng có thể mở một công ty.

Tức có thể nói các điểm ẩn thuế ở khắp toàn cầu.

Tại sao người ta mở công ty offshore?

Thứ nhất, thủ tục thành lập công ty cực kỳ nhanh gọn. Nhiều nơi ẩn thuế cho phép người nước ngoài mở công ty trong 24 giờ qua các đại lý đăng ký chỉ với vốn 1 đô la Mỹ, không phải thuê nhân viên, văn phòng hay trụ sở, không cần tiến hành các hoạt động kinh doanh ở nước đó.

Thứ hai, chi phí thành lập và duy trì công ty rất rẻ. Người, tổ chức muốn thành lập các công ty offshore này ở các nơi ẩn thuế chỉ phải mất phí trả cho các hãng luật đa quốc gia, mức phí tùy từng hãng luật (tùy vào từng thương vụ), thêm khoảng 2-3 ngàn đô la Mỹ trả cho đại lý thuế ở tại nơi ẩn thuế và hàng năm phải trả phí khoảng vài trăm đô la Mỹ cho nơi đăng ký kinh doanh cộng các thủ tục thuế (trong khi thuê một nhân viên kế toán làm việc một năm anh cũng phải trả ít nhất vài ngàn đô la Mỹ). Các luật sư, chuyên gia thuế và các đại lý trung gian sẽ lo “đến tận chân răng’ mọi thủ tục.

Thứ ba, nền tảng của những nơi trú ẩn ngoài khơi này chính là sự riêng tư và bảo mật. Đây là điểm “quyến rũ” nhất của nơi ẩn thuế khiến nó hấp dẫn giới nhà giàu, khiến họ chọn nó là nơi trú ẩn cho tài sản, đặc biệt là trong trường hợp chính phủ của quốc gia nơi họ đang sinh sống độc tài, kiểm soát gắt gao các tài sản và tài khoản cá nhân, khắt khe với quyền thừa kế hay sự dịch chuyển của tài sản.

Một trang web môi giới thành lập các công ty offshore.

Offshore trên thế giới cũng được mở để chủ nhân nó giấu các thu nhập từ thuê, mua, thừa kế, chuyển nhượng từ bất động sản. Thực tế nhiều người giàu mở công ty offshore còn vì muốn coi nó như nơi trú ẩn cho tài sản của mình, hay tự bảo vệ trước cái gọi là country risks (rủi ro quốc gia). Tức nếu quốc gia của họ có rủi ro (nội chiến, vỡ nợ) thì tài sản của họ đã nằm ngoài biên giới rồi. Hay khi họ chết, con cái có thể thừa hưởng quyền thừa kế các công ty này với sự bảo hộ của các nơi ẩn thuế mà không phải nộp thuế thừa kế ở nước sở tại.

Khi thiết lập các đặc quyền cho tập đoàn, cá nhân nước ngoài và mời gọi họ đến mở công ty, mục đích của các nơi ẩn thuế muốn họ có nguồn thu dồi dào từ phí thành lập và duy trì các doanh nghiệp offshore, đổi lại nhà đầu tư có công cụ kinh doanh (corporate vehicle) để thực hiện các giao dịch kinh doanh và nguồn thu đổ về đó không bị đánh thuế ở quốc gia đó. Trong kinh doanh quốc tế, anh hoạt động ở quốc gia nào thì phải tuân thủ toàn bộ các quy định của nơi đó, nên công ty offshore được bảo hộ bởi các quốc gia, vùng lãnh thổ nơi nó đăng ký thành lập là hợp pháp và sự né thuế ở đây cũng không vi phạm pháp luật.

Sự dễ dãi này trái ngược với hầu hết phần còn lại của thế giới. Đó là lý do nó còn được gọi là “thiên đường thuế”.

Vấn đề nằm ở đâu với Việt Nam?

Có hai loại thuế đáng lưu tâm với các công ty offshore nhìn từ các quốc gia như Việt Nam, là dòng thuế với doanh nghiệp và với cá nhân, thường là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Hai dòng thuế này đang bị áp mức thuế cao ở các nước không phải nơi ẩn thuế. Ví dụ Mỹ có thể thu 40-50% với thuế thu nhập doanh nghiệp nếu công ty ở Mỹ có đầu tư ở Việt Nam mà chuyển lợi nhuận từ Việt Nam về Mỹ, trong khi nếu cũng là công ty đó nhưng chuyển lợi nhuận về công ty của họ thành lập ở Caymen thì họ không mất 40-50% thuế kia, tức họ có thêm tiền lợi nhuận để chia cho cổ đông. Điều này được gọi là tối ưu hóa thuế, tức là né thuế nhưng không vi phạm pháp luật (tax efficient).

Offshore company cũng được coi là một trong những công cụ cấu trúc tài chính trong kinh doanh và cấu trúc công ty. Các công ty luật quốc tế có khách hàng chủ yếu các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam không lạ gì việc tư vấn và giúp công ty Mỹ thay vì đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ mở một công ty offshore (tạm gọi là công ty đầu tư mẹ). Công ty mẹ này đầu tư vào một công ty X ở Việt Nam. X hoạt động một thời gian và chủ nhân công ty mẹ muốn rút khỏi Việt Nam chỉ cần bán hết hay chuyển nhượng cổ phần ở công ty offshore mẹ thay vì phải làm rất nhiều thủ tục như đổi tên công ty đang hoạt động tại Việt Nam, nộp thuế chuyển nhượng, xin phép thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Có cả trăm công ty dạng thức này đã và đang làm ăn tại Việt Nam.

Với trường hợp cá nhân người Việt Nam mở công ty offshore để đầu tư ở nước khác hay không làm gì, hoặc công ty đó đầu tư lại về Việt Nam thì có thể họ muốn trú ẩn tài sản, hay được hưởng ưu đãi như nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam bằng công ty offshore của mình… hoặc các mục đích khác nữa mà chúng tôi chưa biết hết.

Không phải tất cả những người mở công ty offshore và các công ty đó đều làm ăn có vấn đề. Song phải thừa nhận vì hàng rào của các nơi ẩn thuế thấp nên kẻ trộm dễ tới hơn. Những nước này không tham gia cam kết các điều khoản về thương mại, về tư pháp và thuế quan; không hợp tác chia sẻ thông tin với chính phủ khác; có chế tài đặc quyền áp dụng với các tài sản cá nhân đăng ký ở đó; không đòi hỏi tính minh bạch với các công ty offshore.

“Trong ngành tài chính, cấu trúc càng phức tạp thì càng tạo ra đường đi của tiền phức tạp và khả năng rửa tiền và làm các việc khó kiểm soát càng cao. Vì thế nếu không được giám sát tốt, việc thành lập offshore là kẽ hở ngoại tệ rò rỉ ra nước ngoài, vô hiệu hóa vai trò của chính phủ. Một số người có thể sử dụng các công ty bình phong này cho các mục đích bất hợp pháp như rửa tiền và trốn thuế, buôn bán vũ khí, tài trợ khủng bố, hay tạo ra các shadow banking (ngân hàng mờ)”, một chuyên gia ngân hàng chia sẻ với phóng viên.

Cơ quan chức năng có thể làm gì?

Xin nhớ rằng Panama chỉ là một trong hàng trăm nơi ẩn thuế và hồ sơ bị rò rỉ từ hãng luật Mossack Fonseca chỉ là từ một trong nhiều các công ty luật, đại lý thuế - tổ chức trung gian có dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Panama. Số offshore company được mở ở Panama đang có hoạt động ở Việt Nam không nhiều so với các công ty offshore đến từ Caymen hay Virgin, Hongkong…

“Với các doanh nghiệp offshore đang có đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, nếu họ có lợi nhuận và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đầy đủ sau đó mới được mang tiền ra khỏi Việt Nam thì việc họ chuyển về Mỹ hay về một đảo nào là chuyện của họ. Cái mà cơ quan thuế cần làm là tìm lỗ hổng nào trong cấu trúc công ty mà ở đó hở ra khoản tiền chưa được đánh thuế. Tất nhiên việc này cũng không dễ dàng”, một chuyên gia khác chia sẻ với phóng viên.

Với các cá nhân, tổ chức chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài để thành lập các công ty offshore, cái mà cơ quan chức năng cần nắm được là tại sao họ phải làm việc đó, tiền chuyển ra có phải tiền sạch hay không tức có việc rửa tiền không, số lượng tiền chuyển ra trong mức cho phép và việc chuyển ra có hợp pháp hay không, có quan chức chính phủ dính dáng đến các hoạt động này không?

Khi cá nhân, tổ chức Việt Nam mở các công ty offshore hoạt động có lợi nhuận rồi thì có mang tiền về Việt Nam hay không. Tiền chuyển về Việt Nam có bị đánh thuế không, các thu nhập đó có hợp pháp không. Tất nhiên nếu họ không mang tiền về Việt Nam thì Việt Nam không thể đánh thuế. Nếu họ có chuyển tiền về Việt Nam thì có chăng chính phủ chỉ có thể đánh thuế thu nhập. Và lưu ý, một mình Việt Nam không thể có những quy định ngược lại với các nước bởi nếu anh một mình một kiểu thì sẽ không ai chơi với anh nữa.

Song công bằng mà nói, những công ty đăng ký thành lập ở những nơi ẩn thuế không nhận được sự coi trọng cao trong giới kinh doanh quốc tế, hoặc sẽ gặp những e ngại từ đối tác, trong một số trường hợp nếu bị phát hiện có tiền sử phạm pháp các công ty này sẽ bị tẩy chay.

Chiến tranh thuế chưa bao giờ kết thúc

Sự thật tấm bản đồ kinh tế thế giới chưa bao giờ phẳng và cuộc chiến tranh thuế giữa người nộp thuế và người thu thuế, cạnh tranh thuế giữa các nền kinh tế chưa bao giờ dừng lại nhiều năm qua, nếu không nói là từ khi con người biết thu thuế. Luật về thuế nói riêng và kinh doanh nói chung giữa các quốc gia không khi nào áp dụng một cách công khai và nhất quán. Các vùng trũng về thuế khiến cá nhân hoặc tổ chức di chuyển đến đây, tạo ra cạnh tranh về thuế giữa các vùng lãnh thổ, các chính phủ.

Tại các diễn đàn, mặc dù các nước lên tiếng phản đối các nơi ẩn thuế từ lâu vì nó che giấu cho các hoạt động phạm pháp, nhưng đại diện các nơi ẩn thuế cho rằng họ cải thiện dòng chảy của vốn và tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các giao dịch kinh doanh quốc tế.

Còn các nước khác cho rằng với các điểm trừ như: cho “thuê” pháp danh thành lập công ty để lấy phí, không có hoặc chỉ có thuế tượng trưng với các công ty offshore; không tích cực trao đổi hiệu quả về thông tin thuế với các cơ quan nước ngoài; thiếu minh bạch trong hoạt động của các quy định pháp lý, luật pháp, hành chính; “dung túng” cho người không cư trú để né thuế cao trong đất nước của họ cư trú; cố tình bảo vệ thông tin tài chính cá nhân và hậu thuẫn họ chống lại sự giám sát của cơ quan nước ngoài; thiếu minh bạch trong quản lý và các quy định pháp lý, hành chính, kiểm toán… các nơi ẩn thuế xứng đáng bị xóa sổ.

Thế thì tại sao những lãnh thổ, quốc gia đó lại rất phát triển trong nhiều năm qua? Vì ở đó còn lợi ích.

“Không có lợi ích gì chả ai làm việc đó. Còn cụ thể hơn với danh sách này, đầu tiên chỉ nên hiểu đó là thông tin rò rỉ từ một công ty và không phải thông tin chính thống, tức là nó chưa phải bằng cớ. Xử lý con người hay doanh nghiệp nhất thiết phải có bằng cớ. Chính vì thế cơ quan chức năng nên có câu trả lời để chứng tỏ chúng ta đều làm ăn đàng hoàng và minh bạch”, một doanh nhân nói.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến