Đầu tư 1 tỉ USD vào ‘Uber’ Trung Quốc, Apple muốn gì?
15/05/2016 08:32:31
ANTT.VN – “Câu hỏi đặt ra không phải là tại sao họ lại đầu tư 1 tỉ USD vào Trung Quốc, mà là tại sao trước nay họ không sử dụng khoản tiền nhàn rỗi khổng lồ vào những thương vụ đầy tiềm năng kiểu này”.

Tin liên quan

Đầu tư vào Didi được cho là một nước đi khôn ngoan của Apple.

Apple hôm thứ Sáu (13/05) tuyên bố hoàn tất thỏa thuận đầu tư trị giá 1 tỉ USD vào Didi, một công ty dịch vụ gọi xe tương tự Uber tại Trung Quốc. Didi hiện có khoảng 300 triệu khách hàng thường xuyên, với hơn 11 triệu chuyến xe mỗi ngày.

Didi được thành lập năm ngoái bởi hai công ty con tách ra từ Tencent và Alibaba. Công ty này hiện hoạt động ở 400 thành phố và có 14 triệu tài xế đăng ký trên khắp Trung Quốc, cung cấp các dịch vụ taxi, xe cá nhân,  xe đi chung và thử nghiệm xe. 

Khoản đầu tư trị giá 1 tỉ USD, chỉ bằng 0,5% số tiền dự trữ của Apple, vào dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc được kỳ vọng sẽ là ‘mũi tên trúng nhiều đích’ của công ty Mỹ.

Củng cố thị phần smartphone

Hợp tác bới Didi có thể giúp Apple đảm bảo thị phần ở ‘đấu trường’ smartphone lớn nhất thế giới, đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh bộ phận kinh doanh chủ lực của hãng công nghệ Mỹ có dấu hiệu thụt lùi trong một vài tháng qua. 

Giữ được thị phần ở Trung Quốc trước những đối thủ bản địa sừng sỏ như Xiaomi, Huawei… có thể đảm bảo cho tương lai của Apple, bởi đây luôn là thị trường phát triển nhanh nhất và là động lực tăng trưởng cho công ty Mỹ suốt nhiều năm qua. 

Tuy nhiên, doanh số của Apple trong quý đầu năm tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan lại giảm mạnh, xuống còn 12,5 tỉ USD, thấp hơn 26% cùng kì năm ngoái. Đây có thể là lý do khiến Apple hoàn tất thương vụ với Didi trong khoảng thời gian rất ngắn.

Hợp tác giữa Apple - Didi được manh nha hình thành vào ngày 22/4, khi chủ tịch Didi Jean Liu và CEO Apple Tim Cook gặp nhau tại trụ sở của Apple tại Cupertino, California. Nhận ra tiềm năng kết hợp, cả hai bên đã gấp rút thực hiện các điều khoản và đặt bút ký hoàn tất hợp đồng chỉ trong 22 ngày.

“Toàn bộ thỏa thuận được soạn thảo trong một thời gian cực ngắn. Chúng tôi rất ấn tượng với Tim Cook. Ông ấy là một biểu tượng, một nhà lãnh đạo tuyệt vời”, chủ tịch Didi Jean Liu nói.

Tham gia vào ngành công nghiệp xe hơi

Trong quá khứ, Apple không có thói quen thâu tóm hay đầu tư vào những công ty trái ngành. Thương vụ lớn nhất cho tới nay là động thái mua lại nhà sản xuất tai nghe và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Beats năm 2014.

Do vậy, người ta có lý do để tin rằng qua việc đầu tư vào Didi, Apple có thể đang tham vọng bước chân vào ngành công nghiệp xe hơi, như một số ‘đại gia’ công nghệ đã và đang làm những năm gần đây.

“Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Apple đang hứng thú với những thử thách mới, bao gồm tham gia vào ngành công nghiệp ô tô thế giới. Apple có khả năng để phát triển công nghệ của riêng họ, như cái cách Google hay Tesla đã làm, trong khi Didi có kinh nghiệm cùng dữ liệu của hàng trăm triệu khách hàng”, Brian Blau, chuyên gia tại hãng phân tích Gartner, San Francisco, nhận định.

Apple có thể đang không muốn bị bỏ quá xa trong cuộc đua xe tự lái với các đối thủ khác.

Trong lúc này, doanh số iPad, iPhone lao dốc cùng thất bại trong nỗ lực tạo ra một cú hích mới với Apple Watch đã đổ dồn mọi chỉ trích vào Tim Cook, đồng thời thổi bùng tranh cãi xoay quanh thế hệ sản phẩm nào sẽ là tương lai của công ty Mỹ trong thời gian tới.

Với khoản đầu tư vào Didi, Apple tiếp tục xu hướng kết hợp giữa các hãng công nghệ và xe hơi. Đầu tháng, Alphabet, công ty mẹ của Google đã ký thỏa thuận phát triển 100 mẫu xe tự lái với Fiat. Daimler AG, công ty mẹ của Mercedes-Benz đang thâu tóm ứng dụng taxi MyTaxi cũng như ứng dụng đi xe chung Car2GO. Trong khi đó, General Motors được cho là đang đàm phán với hãng công nghệ Lyft…

Tấm gương Google, Facebook

Một đích nhắm nữa mà CEO Tim Cook cùng các cộng sự có thể đang hướng tới là tranh thủ sự ủng hộ từ chính quyền Bắc Kinh. 

Tháng trước, giới chức Trung Quốc tuyên bố ‘cấm cửa’ đối với các dịch vụ iTunes và iBooks của Apple, như một thông điệp rõ ràng rằng Apple, mặc dù đã rất cố gắng trước đó để tránh đụng chạm, vẫn không thể thoát khỏi vòng ‘kiểm tỏa’ của Bắc Kinh. 

Do vậy, việc hợp tác với Didi, có thể giúp công ty Mỹ tránh khỏi kết cục bị cấm hoạt động như những ‘đồng hương’ Google, Facebook hay Twitter.

“Bắc Kinh đang dành sự quan tâm lớn tới Didi, và rõ ràng là họ mong muốn doanh nghiệp này thành công, như những gì Uber đã làm được trên thế giới. Việc có được một hãng công nghệ cao như Apple đầu tư và hỗ trợ quả thực rất hấp dẫn”, Brian White, chuyên gia phân tích cao cấp tại Drexel Hamilton, cho hay.

“Việc cấm cửa đối với một loạt hãng công nghệ phương Tây suốt nhiều năm qua là một phần trong nỗ lực xây dựng và hỗ trợ các công ty nội địa, như Huawei, Tencent hay Xiaomi”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh gần như sẽ ủng hộ thương vụ trên của Apple, với hi vọng tài chính và công nghệ từ công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới sẽ giúp Didi ngày càng lớn mạnh. Nếu thành công, đây có thể trở thành một quan hệ hợp tác ‘kiểu mẫu’, mở đường cho các công ty đa quốc gia muốn mở rộng thị phần không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở các nền kinh tế châu Á khác.

Bên cạnh việc đánh giá cao thương vụ trên của Apple, các chuyên gia cho rằng công ty Mỹ cần linh hoạt hơn nữa với khoản tiền dự trữ lên tới 200 tỷ USD của mình.

“Câu hỏi đặt ra không phải là tại sao họ lại đầu tư 1 tỉ USD vào Trung Quốc, mà là tại sao trước nay họ không sử dụng khoản tiền nhàn rỗi khổng lồ vào những thương vụ đầy tiềm năng kiểu này”, Colin Gillis, chuyên gia tại BGC Partners, nói.

Nghi Điền

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến