Ngày 10-10, an ninh khu vực TAND TP HCM được thắt chặt khi bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận) cùng 8 đồng phạm được áp giải đến.
Chuyển nhượng đất dự án
Đây là các bị cáo trong vụ án "bán rẻ" dự án khu dân cư (KDC) Phước Kiển ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM và dự án KDC Ven Sông tại phường Tân Phong, quận 7, TP HCM gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 735 tỉ đồng. Trong đó, thất thoát tại dự án đầu hơn 202 tỉ đồng, dự án sau là trên 532 tỉ đồng.
Các bị cáo bị TAND TP HCM xét xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 điều 219 Bộ Luật Hình sự (khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù) mà VKSND cùng cấp đã truy tố.
Theo hồ sơ, Công ty Tân Thuận (thuộc sở hữu của Văn phòng Thành ủy TP HCM) được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KDC Phước Kiển. Sau đó, tháng 8-2016, Công ty Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỉ lệ 75:25, hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án... Cáo trạng của VKSND TP HCM nhận định bị cáo Trần Công Thiện có vai trò chính đối với sai phạm trong việc công ty này ký hợp đồng góp vốn với Công ty Quốc Cường Gia Lai, thực chất là chuyển nhượng đất dự án...
Với vai trò Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận, ông Thiện đã chỉ đạo Trưởng Phòng Kinh tế Tổng hợp Nguyễn Xuân Tùng thuê Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP HCM thẩm định diện tích 324.970 m2 đất tại KDC Phước Kiển với giá bình quân 1,05 triệu đồng/m2. Chứng thư thể hiện mục đích thẩm định để "Tư vấn giá trị đất để phục vụ đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty". Từ thẩm định này, bị cáo Thiện ký chuyển nhượng 324.970 m2 đất KDC Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai giá 419,2 tỉ đồng.
Các bị cáo tại tòa ngày 10-10Ảnh: Huế Xuân
Không đủ vốn nhưng... dự án nào cũng muốn
Trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Công Thiện cho biết dự án KDC Phước Kiển có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng, muốn triển khai dự án phải chứng minh vốn chủ sở hữu là 1.200 tỉ đồng. Vì vốn điều lệ của Công ty Tân Thuận thời điểm này là 162 tỉ đồng (không có tiền mặt) nên công ty này không thể chứng minh năng lực tài chính để triển khai dự án.
Bị cáo còn khai thời điểm này Công ty Tân Thuận đang "ôm" tới 15 dự án khác nhau (sau đó còn làm dự án KDC Ven Sông) dù trong tay không đủ vốn. "Vốn công ty rất nhỏ nhưng thấy nhiều dự án tiềm năng nên muốn làm dù không đủ năng lực. Do đó, bị cáo nghĩ có thể làm xen kẽ các dự án như vậy công ty có công việc để làm lâu dài" - bị cáo Trần Công Thiện trần tình.
Chủ tọa phiên tòa hỏi vì sao Công ty Quốc Cường Gia Lai biết chuyện Công ty Tân Thuận thiếu vốn triển khai dự án để đề nghị hợp tác, bị cáo Thiện khai không nhớ ai giới thiệu, chỉ nhớ Công ty Quốc Cường Gia Lai gửi văn bản đề xuất hợp tác với tỉ lệ 75:25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án KDC Phước Kiển.
Đối với dự án KDC Ven Sông, bị cáo khai khi hợp tác thì Công ty Tân Thuận có báo cho Văn phòng Thành ủy về việc Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị chuẩn bị nguồn vốn để triển khai dự án. Công ty Quốc Cường Gia Lai liên tục hối thúc hợp tác sau đó là đề xuất chuyển nhượng. Công ty Tân Thuận đã phân công các phòng, ban xem xét và chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp tại dự án KDC Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Bị cáo Thiện thừa nhận mình là người ký kết hợp đồng thuê các công ty thẩm định giá; tổ chức, chủ trì 4 cuộc họp để xây dựng giá chuyển nhượng, hoán đổi vốn góp với Công ty Quốc Cường Gia Lai, thống nhất giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp; hoán đổi 10% vốn góp và lập thủ tục chuyển nhượng khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông tại Khu IV - KDC Ven Sông; chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển. Bị cáo cho rằng bản chất các hành vi đã thực hiện là hợp tác đầu tư chuyển nhượng phần vốn góp, do đó Hội đồng xây dựng giá sử dụng kết quả các chứng thư thẩm định để xây dựng giá chuyển nhượng, hoán đổi là không sai với Luật Giá năm 2012. Từ những điều trên, bị cáo Thiện thừa nhận mình có sai phạm nhưng đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh.
Trong khi đó, chủ tọa cho rằng việc thẩm định giá với lý do hợp tác góp vốn với Công ty Quốc Cường Gia Lai nhưng bản chất là không hợp tác mà là chuyển nhượng để hưởng chênh lệch.
HĐXX hỏi tại sao ở dự án KDC Ven Sông, Công ty Tân Thuận không trình lên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP bấy giờ là Tất Thành Cang như ở dự án trước, bị cáo Trần Công Thiện cho biết mình không nắm được việc trình ký này vì đây là việc của Văn phòng Thành ủy. |
VKS nhận định vai trò bị cáo Tất Thành Cang Cáo trạng của VKS thể hiện với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM (phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy TP HCM - chủ sở hữu vốn Thành ủy tại Công ty Tân Thuận), bị cáo Tất Thành Cang đã không báo cáo để xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM. Thay vào đó, bị cáo đã tự "bút phê" đồng ý cho Công ty Tân Thuận bán phần đất đã đền bù tại dự án Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai trái pháp luật. |
Tác giả: Trần Thái
- Xét xử ông Tất Thành Cang: Vắng mặt nhiều cá nhân, đại diện tổ chức được triệu tập
- Truy tố ông Tất Thành Cang trong vụ bán rẻ đất cho Quốc Cường Gia Lai
- Triệu tập Công ty Quốc Cường Gia Lai tới phiên xử ông Tất Thành Cang
- Ông Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố liên quan đến dự án Phước Kiển, Ven Sông
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy