Công ty Thép Gia Sàng: Tôi thấy … hoang tàn trên cỏ xanh
09/10/2015 14:10:56
ANTT.VN - Biểu tượng của ngành công nghiệp nặng Việt Nam- Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (GSS) – giờ đây đang sống tháng ngày ngắc ngoải trong nỗi đau khốn cùng của rất nhiều người lao động…

Tin liên quan

Nơi từng có hàng trăm công nhân làm việc nay vắng hoe hoắt

Khí thế của những ngày sản xuất đỉnh cao, giờ chỉ còn nằm lại ở vài biểu tượng, những câu khẩu hiểu được ghi trước cổng vào các phân xưởng sản xuất. Hàng trăm lao động của GSS, giờ, đang bôn ba khắp xứ để mưu sinh. Với GSS, họ chưa có chốn quay về.

Nơi họ từng có công việc, từng có thu nhập, từng có mối gắn kết bỗng xuống dốc không phanh sau những tháng ngày doanh nghiệp trên đà tụt dốc.

Bãi đất rộng gần 20ha, nơi mọc lên những phân xưởng đúc, phân xưởng cán, phân xưởng luyện thép giờ cũng không vẹn toàn trước những cơn gió nhẹ. Trên bãi đất mênh mông ấy, những công nhân ngày xưa tự nguyện ở lại bảo vệ cũng không ngăn nổi đám cỏ dại mọc lên hoang tàn.

Lò luyện thép nằm ngay cổng vào khu sảm xuất. Đập vào mắt khách lạ là cả một công trình quy mô. Sau nhiều năm nằm im, từ chân đế, đến mái xưởng, máy móc thiệt bị xuống cấp trầm trọng. Bước chân vào lò luyện này, cảm giác như đứng trong ngôi nhà của “chị Dậu” với tứ bề rách nát. Sống với nhà máy hàng chục năm nay, khi đưa phóng viên vào nhà máy, một nhân viên bảo vệ trung tuổi đưa ánh mắt trầm tư quan sát khắp lượt những thứ còn lại. Với công suất lên đến 70.000 tấn, công nghệ nhập từ Đức, nhưng từ 2012 đến nay, mọi thứ đều dừng lại biến những thứ tân tiến và phải trả bằng ngoại tệ thành đống sắt vụn. Thứ công nghệ tân tiến nhất thế giới như động cơ, cần nâng hạ ở Gia Sàng … cũng không “đủ sức” để làm mới mình vì không có hơi người suốt thời gian qua.

Không chỉ lò luyện thép, mà ở phân xưởng cán thép, xưởng cơ khí cũng trong thảm cảnh tương tự. Các loại máy móc hiện đại nhập khẩu từ nước ngoài giờ cũng trở thành đống sắt vụn, hoen gỉ. Có nhiều cuộc họp, rất nhiều kiến nghị từ ban lãnh đạo, và cả tâm huyết của người lao động gửi lên cơ quan chức năng để cứu lấy thép Gia Sàng, nhưng mọi thứ vẫn không có tiến triển. Doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa hoạt động cầm chừng, lỗ nhiều hơn lãi. Phần vốn nhà nước đầu tư vào đó cũng như đá ném ao bèo, trôi sông trôi bể, còn người đại diện phần vốn Nhà nước thì không ai nhắc đến trách nhiệm gì.

Nguy cơ “khai tử” cánh chim đầu đàn của ngành thép không phải bây giờ mới hiện hữu. Mà năm 2013, tại cuộc họp ĐHCĐ GSS, cả hội trường đã chết lặng khi nghe những thông số từ báo cáo của  ông Lê Văn Lợi – khi đó đang là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc – người đại diện phần vốn Nhà nước. Báo cáo từ ông Lợi phần nào khái quát được “mầm bệnh” của doanh nghiệp, khi cho biết xưởng luyện thép ngừng sản xuất từ tháng 5/2012; xưởng cán thép sản xuất không liên tục, các tháng 2; 6; 7 và 9; tháng 10/2012 ngừng sản xuất (đây là hai xưởng chủ lực của công ty).

Nếu đầu năm 2012 có 535 lao động, thì đến cuối năm chỉ còn 374 người được phân bổ vào 3 xưởng và 6 phòng với thu nhập bình quân 1,729 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động xuống dốc không phanh, nhưng đề xuất của ông Lợi lúc đó chỉ là đưa ra kế hoạch của GSS trong các năm tiếp theo “là tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý người ra - vào công ty, đẩy mạnh hoạt động tuần tra, canh gác, kiểm tra, kiểm soát… trong khu vực công ty”.

Xưởng luyện thép bị phủ bụi

Nhưng ông Lợi không còn thời gian ở lại để chứng kiến “tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát …” như thế nào để biết được tài sản doanh nghiệp bị rút ruột - khi sau đó - ông bị bãi miễn chức danh Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GSS để để rút về Công ty gang thép Thái Nguyên.

Tháng 7/2014, Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng với ông Lê Xuân Hộ (49 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc GSS) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong vụ án này, thêm 4 người khác cũng bị tạm giữ. Theo cảnh sát, từ năm 2013 đến nay, nhiều máy móc, dây chuyền sản xuất giá trị hàng trăm tỷ đồng của phân xưởng luyện thép và cán thép đã bị tháo dỡ, tẩu tán.

Nói với phóng viên, một lãnh đạo GSS tâm tư, bây giờ tâm huyết là muốn vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến thời điểm này, tổng các khoản nợ của GSS là hơn 120 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán. Nợ lớn như vậy, nhưng từ đầu năm 2013, toàn bộ hoạt động của Cty đã ngừng hẳn khiến gần 500 CNLĐ bị mất việc hoàn toàn. “Kiếm được đồng nào từ cho cây xăng thuê địa điểm ở công công ty thì chỉ đủ lo tiền điện nước, thuê bảo vệ trông coi tài sản. Chúng tôi cũng kiến nghị tỉnh Thái Nguyên cho bán một số sắt phế liệu để trang trải nợ nần cho người lao động, nhưng giờ cũng chưa ai trả lời”, ông nói.

Phó tổng giám đốc bị khởi tố, đến nay vẫn chưa có bản án cuối cùng, kéo theo nhiều hệ lụy pháp lý ảnh hưởng đến người lao động. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư muốn móc hầu bao để vực dậy GSS cũng thấy được nhiều rủi ro pháp lý nên không dám góp vốn, khi một trong các cổ đông lớn của công ty là cựu Phó tổng giám đốc Lê Xuân Hộ đang là đối mặt với án tù!.

Ánh nắng đầu thu rọi những tia vàng vọt xuống phân xưởng cán thép, nơi trước đây hàng ngày có 100 lao động làm việc liên tục, nay chỉ còn lại người đàn ông nhỏ thó đang đi lại trông coi tài sản. Người bảo vệ có khuôn mặt đăm chiêu thốt lời: “người ta đang cố tình phá nhà máy để lấy đất, lỗ càng nhanh càng tốt”. Để cải thiện khó khăn, những người như nhân viên bảo vệ này tận dụng khuôn viên nhà máy nuôi vài con dê để cải thiện cuộc sống nhưng cũng không kịp "thu hoạch" khi dê bị đám rắn độc cắn chết.

Số phận của những con dê chưa biết sẽ bị định đoạt khi nào - cũng như thân phận của GSS - khi rắn độc chui từ đất ra thình lình cắn chết…Người bảo vệ nghĩ về số dê đã chết vì rắn cắn, rồi họ thở dài. Cỏ dại vẫn mọc lút đầu. Nguy cơ và có thể “cái chết” của một doanh nghiệp cũng bắt đầu từ những nhu cầu sinh tồn ở ngay trong đám cỏ dại đó...

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến