Dòng sự kiện:
CPI bình lặng dịp Giáp Tết
24/01/2016 16:49:27
ANTT.VN - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 24/1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không đổi so với tháng trước đó, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%; đồ uống và thuốc lá (0,44%); may mặc, mũ nón, giầy dép (0,37%); nhà ở và vật liệu xây dựng (0,3%); thiết bị và đồ dùng gia đình (0,16%); thuốc và dịch vụ y tế (0,21%); giáo dục (0,89%); văn hóa, giải trí và du lịch (0,16%); hàng hóa và dịch vụ khác (0,29%).

Có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm gồm giao thông (giảm 2,82%) và bưu chính viễn thông (0,06%).

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân làm tăng CPI tháng đầu năm 2016 một phần do tác động tích cực từ việc Việt Nam đã giành được các hợp đồng xuất khẩu gạo cho Indonesia, các nước khác trong khu vực như Philippines và Thái Lan cũng có kế hoạch sớm mua gạo của Việt Nam trong năm 2016 để bảo đảm nguồn cung lương thực (tác động làm CPI lương thực tăng).

Nhu cầu thực phẩm dịp giáp Tết tăng cao

Chỉ số nhóm thực phẩm tăng do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chuẩn bị Tết tăng cao. Cũng do nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán sắp tới, giá quần áo, giầy dép tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng. Ngoài ra, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,89%.

Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 1/2016 gồm: giá xăng dầu và gas thế giới đang có xu hướng tiếp tục giảm tác động đến giá trong nước. Cụ thể, giá xăng giảm 760 đồng/lít, dầu diezen giảm 2.120 đồng/lít vào các ngày 18/12/2015 và ngày 4/1/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 6,44% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%.

Như vậy, CPI tháng 1 trong vài năm gần đây tương đối thấp thậm chí có năm giảm (năm 2014 tăng 0,69% còn năm 2015 giảm 0,2%).

Không tính vào chỉ số CPI, chỉ số giá vàng giảm 0,23%, do giá vàng thế giới đang chịu sức ép giảm giá trước ảnh hưởng của quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 12/2015. Ngược lại, việc Fed tăng lãi suất 0,25% góp phần làm chỉ số giá đồng USD tăng 0,18%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1/2016 tăng 0,27% so với tháng 12/2015, tăng 1,72% so với cùng kỳ.

Hiểu Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến