Dòng sự kiện:
CPI tăng 0,68% trong 7 tháng đầu năm, thấp nhất từ 2002
24/07/2015 15:49:33
ANTT.VN - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 đã tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, tính chung 7 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 0,68%, mức thấp nhất kể tăng năm 2002 trở lại đây.

Tin liên quan

Như vậy, sau khi chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu trong tháng trước qua đi, trong tháng này, CPI lại trở về nhịp tăng vốn có của nó như đã xác lập trong những tháng đầu năm.

Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, có 9 nhóm tăng giá trong tháng này, cao nhất là may mặc, mũ nón giày dép khi những tác động của thời tiết đã khiến các mặt hàng thuộc nhóm này tăng đáng kể 0,25% cao hơn mức tăng của tháng trước. Bên cạnh đó, do tháng 7 và tháng 8 hàng năm là thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới nên nhu cầu và sức mua các mặt hàng tăng; tác động đến giá của một số mặt hàng này tăng nhẹ: vải các loại tăng 0,38%, mũ nón tăng 0,26%, giầy dép tăng 0,18%.

Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,22%, chủ yếu là do nhu cầu xây dựng tăng và khai thác cát gặp khó khăn vào mùa khan hiếm nước; giá điện sinh hoạt tăng 1,32%; giá nước sinh hoạt tăng 1,3% do nhu cầu sử dụng tăng vào những ngày nắng nóng trong tháng.

Trong khi đó, nhóm giao thông đã trở lại diễn biến nhẹ nhàng khi chỉ tăng 0,16% chủ yếu do tác động từ nhóm hàng xăng dầu. Mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm vào ngày 4/7 và 20/7 vừa qua nhưng theo quy định của Tổng cục Thống kê, những đợt tăng giá trong tháng trước vẫn tác động khiến bình quân giá xăng dầu tháng 7 vẫn tăng cao so với bình quân tháng 6.

Sau khi chịu tác động từ việc tăng giá các dịch vụ y tế trong tháng trước, tháng này chỉ số giá nhóm hàng này cũng chỉ tăng nhẹ nhàng ở mức 0,15% so với tháng trước.

Ở các nhóm hàng khác, đáng chú ý là mức tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số cao nhất. Sau khi giảm liên tiếp trong 3 tháng trước, chỉ số giá của nhóm này đã tăng trở lại ở mức 0,1% trong đó lương thực tiếp tục giảm 0,28%, thực phẩm tăng 0,24% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,1% so với tháng trước.

Do nguồn cung dồi dào, giá các mặt hàng lương thực vẫn trong xu hướng giảm giá được xác lập từ 5 tháng trước. Trong khi đó, đối với các mặt hàng thực phẩm, theo quan sát 4 tháng gần đây, giá các mặt hàng thực phẩm đang trong xu hướng đi lên.

Không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI, chỉ số giá vàng tháng này giảm 1,24%, trong khi chỉ số giá đôla Mỹ tăng 0,09%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khá tương đồng với lạm phát chung do tỷ lệ đóng góp CPI chung của các nhóm hàng loại trừ khi tính lạm phát cơ bản với các mặt hàng còn lại là tương đương. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,22%, cao hơn mức của lạm phát chung do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo về CPI tháng 8, bà Đỗ Bích Ngọc cho biết, sẽ có mức tăng nhẹ do nhu cầu một số mặt hàng thực phẩm phục vụ cho Rằm tháng 7 và Rằm Trung thu tăng. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng nên lượng điện, nước sinh hoạt sẽ tiêu thụ nhiều hơn so với tháng 7/2015 cùng với một số trường học Đại học cao đẳng học sớm có thể điều chỉnh học phí năm 2015-2016. Ngoài ra một số mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu có thể tăng hơn so với tháng trước do đồng USD tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác, nên cũng góp phần làm tăng CPI tháng 8.

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến