Dòng sự kiện:
Cử nhân chăn bò và “Ai bảo chăn trâu là khổ…”
06/02/2017 08:28:38
Chẳng có nghề nào cao sang và cũng chẳng có nghề nào thấp hèn mà chỉ có người nào đã làm ra cái gì cho xã hội. Chợt hiểu vì sao cậu hàng xóm thỉnh thoảng hứng chí lại hát lên “Ai bảo chăn trâu là khổ…”.

Tin liên quan

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong khi nhiều, thậm chí rất nhiều những sinh viên ra trường không xin được việc làm, vạ vật chốn đô thành sống nhờ lương “nhà báo… cô – báo cho nhà gửi lương lên” thì gần đây, đã xuất hiện một lớp thanh niên tìm đường trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Với những gì học được trong nhà trường cộng với vốn sống tích lũy được từ nơi đô thị, nhiều người trong số họ không chỉ thu hàng trăm triệu đồng/năm mà không ít còn thực sự là tỉ phú với mức thu nhập hàng tỉ đồng/năm.

Báo điện tử Vietnam Net vừa kể về một tỉ phú như thế. Đó là anh Phan Doãn Huấn ở tiểu khu 26/7 thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La). Trao đổi với phóng viên, anh Huấn cho biết từng tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông tại Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó đi làm cho một công ty với mức lương 7 triệu đồng/tháng.

“Sau 6 tháng làm đúng chuyên ngành được học, anh quyết định xin nghỉ việc, về quê kế nghiệp nuôi bò sữa của gia đình.

Hồi 2008, khi mới về quê, đàn bò nhà anh vỏn vẹn chỉ 35 con. Đến bây giờ, sau 8 năm, con số này là 120 con, gấp gần 4 lần. Trong đó, có 44 con đang cho sữa, với 1,2-1,3 tấn/ngày. Tính ra, mỗi tháng anh đút túi hơn 200 triệu đồng tiền lãi”. Bài báo viết.

200 triệu đồng/tháng tức là gần 7 triệu đồng/ngày và cũng tức là xấp xỉ mức lương 7 triệu đồng của một kỹ sư điện tử viễn thông Phan Doãn Huấn 10 năm trước.

Song, hiệu quả không chỉ có vậy mà anh còn giúp cho những người bà con có công ăn, việc làm, tạo thu nhập cho họ. Ngoài ra, anh còn có một niềm hạnh phúc không nhỏ, đó là tự mình làm cho mình, làm chủ mình mà không phải “vào thưa, ra gửi”.

Cạnh nhà mình có một cậu sinh viên đại học nông lâm, tốt nghiệp xong chờ mãi không xin được việc. Có người môi giới mấy trăm triệu đồng “chạy”. Cầm sổ đỏ ngân hàng để hôm sau trao tiền, cả đêm hai bố con khổng ngủ. Tiếc tiền, lại lo bị lừa, họ bàn nhau mua trâu về thả ở những khu đất dự án “treo”, nơi cỏ mọc ngút ngát.

Lúc đầu, hai bố con mua 9 con trâu cái và một chú trâu đực. Chỉ một thời gian sau, trâu mẹ đẻ nghé con, sau mấy năm, giờ thì đã có đàn trâu gần một trăm con.

Tính trung bình mỗi con trâu 20 – 30 triệu, cái đàn trâu 10 con ngày nào nay đã có giá hàng tỉ đồng. Đó là chưa kể bằng kiến thức đã học và tự học trên mạng, cu cậu còn tìm mua giống trâu quí, bán cho các lò chọi trâu đang săn tìm.

Suy cho cùng, học để làm gì? Tất nhiên học để mong muốn có những phát minh, sáng chế cống hiến cho nhân loại và có thể để được làm quan. Song, còn có một “sự học” khác giản dị hơn và thiết thực hơn, đó là học để làm ra của cải, vật chất cho bản thân cũng tức là cho xã hội bởi dân có giàu thì nước mới mạnh. Cho nên chẳng có nghề nào cao sang và cũng chẳng có nghề nào thấp hèn mà chỉ có người nào đã làm ra cái gì cho xã hội.

Chợt hiểu vì sao cậu hàng xóm thỉnh thoảng hứng chí lại hát lên “Ai bảo chăn trâu là khổ…”.

Theo Dân trí 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến