Dòng sự kiện:
Cử nhân Ngữ văn đi trực… Radar biển
10/03/2015 13:40:05
ANTT.VN - Nhiều nhân sự được bố trí làm việc tại dự án Radar biển gần trăm tỷ đồng của Trung tâm Hải văn (Bộ Tài nguyên & Môi trường) có trình độ không mấy liên quan đến vẫn đề kỹ thuật…

Tin liên quan

Tại buổi làm việc với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về kết quả dự án Radar biển vào ngày 19/11/2014, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đã yêu cầu Trung tâm Hải văn phải nhanh chóng hoàn thiện Đề án Khai thác và sử dụng hệ thống radar biển, lấy ý kiến các vụ chức năng, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm đưa hệ thống radar biển hiện đại này vào sử dụng.

Được biết, Dự án hệ thống radar biển tần số cao nhằm hướng tới việc dự báo sóng biển, hoàn lưu bề mặt biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, xác định dầu tràn, xác đàn cá nổi và cảnh báo sớm sóng thần, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh chủ quyền lãnh thổ vùng biển, hải đảo của Việt Nam.

Phát biểu trên báo giới, đại diện Trung tâm Hải Văn (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) - đơn vị được phân công thực hiện dự án cho biết đã hoàn thiện việc xây và lắp đặt thiết bị xong cho 3 trạm Rada biển theo đúng kế hoạch phê duyệt, gồm: Trạm Hòn Dấu (đảo Dấu tại thành phố Hải Phòng) trên diện tích 260m2, với thiết bị tổ hợp radar biển sử dụng năng lượng thấp, có tầm quan trắc 200km đối với dòng chảy bề mặt, 20km đối với sóng biển; Trạm radar biển số 2 nằm tại khu đất thuộc xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô diện tích sử dụng là 7.200m2 hệ thống radar biển có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt và 20km đối với sóng biển; Trạm radar biển số 3 tại khu đất thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trên diện tích sử dụng đất 20.000m2 có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt và 20km đối với sóng biển; và Trạm điều hành trung tâm tại số 8, Pháo Đài Láng, Hà Nội.

Hình ảnh 2 cột radar tại Trạm radar biển Hòn Dấu

Theo đó, dự án này có tổng dự toán là 16.480.309.000 đồng và 3.262.907 USD (mười sáu tỷ, bốn trăm tám mươi triệu, ba trăm linh chín nghìn đồng Việt Nam và ba triệu, hai trăm sáu mươi hai nghìn, chín trăm linh bảy đô la Mỹ); tương đương: 73.522.448.000 đồng (theo tỷ giá tại thời điểm lập dự toán) do Trung tâm Hải văn làm chủ đầu tư.

Trả lời phóng viên ANTT.VN, ông Trần Hồng Lam – Giám đốc Trung tâm Hải văn cho biết, dự án đã triển khai và lắp đặt xong toàn bộ và bắt đầu đang chuyển từ dự án đầu tư sang khai thác và sử dụng.

Theo ông Lam, mỗi một trạm đang được bố trí 4 nhân viên để thực hiện nhiệm vụ khai thác và vận hành tại trạm với nhân sự “trực 24/24”.

“Số liệu thông tin tại trạm Đồng Hới đã được ghi nhận từ khoảng tháng 6/2012; còn tại trạm Hòn Dấu và Nghi Xuân thì số liệu được ghi nhận từ tháng 11/2013”, ông Lam cho biết thêm.

“Vì thiết bị hoàn toàn mới cho nên hiện nay Trung tâm đang vừa sử dụng vừa huấn luyện, đào tạo những cán bộ có nghiệp vụ quan trắc về khí tượng và hải văn” Giám đốc Trung tâm Hải văn Trần Hồng Lam trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyên môn của các nhân sự tại các trạm Radar biển mà đơn vị này đang quản lý.

Trực 24/24: Không một bóng nhân viên

Cửa đóng then cài, không một bóng nhân viên tại Trạm radar biển Hòn Dấu chiều ngày 28/02/2015

Khác với lời khẳng định chắc nịch rằng luôn có nhân viên trực “24/24” tại các trạm radar biển của ông Lam, theo quan sát trực tiếp của phóng viên ANTT.VN tại Trạm Radar biển Hòn Dấu chiều ngày 28/02/2015 thì trong khuôn viên trạm hoàn toàn không xuất hiện bất kỳ một bóng nhân viên nào trong suốt khoảng thời gian từ lúc phóng viên đặt chân tới trạm (khoảng 14h) đến lúc rời đi (khoảng 17h) để kịp bắt chuyến tàu cuối cùng dời Hòn Dấu.

Anh Đinh Văn Minh và anh Phạm Thành Lợi đang tiếp chuyện phóng viên ANTT.VN

Hỏi chuyện anh Đinh Văn Minh và anh Phạm Thành Lợi - 2 công nhân đang công tác tại Trạm đèn biển Hòn Dấu, đơn vị nằm liền sát với “Trạm sóng thần” (Trạm Radar biển Hòn Dấu – theo cách gọi của các công nhân Trạm đèn biển) thì được biết: “Nhân viên nó về hết rồi!”.

Những người hàng xóm của các nhân viên tại Trạm radar biển Hòn Dấu cũng cho biết thông thường vẫn có hai người bên “Trạm sóng thần” tên là Yến và Hương thay nhau ở, nhưng “sáng đi vào Đồ Sơn, không biết đến bao giờ mới ra!”.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc: “Hàng tối, bên Trạm radar biển có nhân viên nào ngủ để trực ở đây không?”, anh Lợi cho biết: “Có lúc không, có lúc có”.

 “Vì công việc của nó hình như làm trên mạng, trên máy gì đấy nên nó cứ… lượn đi lượn lại” – người công nhân Hải đăng này lý giải thêm.

"Hệ thống chống sét đảm bảo tiêu chuẩn quy định" xuống cấp trầm trọng tại Trạm radar biển Hòn Dấu

Trong khi đó, tại trạm radar số 2 nằm trên khu đất thuộc xóm 11, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nhân sự làm việc tại đây cũng khá thưa thớt. Theo ông Trần Sỹ Quang, Phó Bí thứ Đảng uỷ xã Cổ Đạm, trạm được xây dựng trên diện tích hơn 7 nghìn m2 và hoạt động đã mấy năm nay. Họ có thuê một người địa phương làm bảo vệ trạm.

Tìm đến Trạm radar số 2, chúng tôi được một người phụ nữ bế con nhỏ mở cổng sắt mời vào trong. Người phụ nữ này là vợ của một cán bộ tên Bảo đang làm việc tai đây. Ông Bảo là người đại phương, đồng thời cũng làm nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cơ sở vật chất của trạm radar số 2. Ngoài việc bảo vệ công trình, ông Bảo cùng vợ và con sinh sống ngay trong khuôn viên trạm. Diện tích đất đai chưa sử dụng trong khuôn viên cũng được gia đình người bảo vệ này tận dụng để xây chuồng nuôi lơn, nuôi dê. Một phần đất đai khác cũng được trồng dưa hấu.

Mặc dù công trình đã đi vào hoạt động, nhưng tại thời điểm phóng viên có mặt chỉ có một người phụ nữ tên Cúc là người được phân công trực tại trạm. Bà Cúc cho biết, các cán bộ làm việc tại trạm thường phân công nhau trực 24/24 giờ trong vòng 2 tuần. “Vòng quay” trực luân phiên, hết ca trực thì thường nghỉ ngơi ở nhà.

Trao đổi qua điện thoại, ông Cao Đăng Tiến, người phụ trách trạm radar số cho biết, do trạm xây dựng chưa hoàn chỉnh nên sinh hoạt của các cán bộ làm việc tại đây vẫn có nhiều khó khăn.

“Điều kiện cũng chưa cho phép tất cả cán bộ cùng có mặt tại trạm cùng lúc để làm việc nên anh em thay nhau trực theo ca. Hiện có 4 cán bộ đang làm việc tại trạm”, ông Tiến nói.

Cử nhân Chính trị, Cử nhân Ngữ văn, Cao đẳng Quản trị kinh doanh đi làm… Radar biển

Tiếp tục tìm hiểu tài liệu về nhân sự tại các Trạm radar trên của Trung tâm Hải văn, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng khi không ít nhân sự tại các trạm trên có trình độ chuyên môn chẳng mấy liên quan đến công việc mà mình đang đảm nhiệm.

Cụ thể, theo Phương án khai thác dự án và sử dụng lao động, thì nguồn nhân lực tại 3 trạm Hòn Dấu, Hoành Sơn, Đồng Hới phải bố trí “mỗi trạm ít nhất là 3 người, trong đó 1 người đảm nhận về mặt kỹ thuật, vận hành và chỉ huy (tương đương kỹ sư bậc 2), từ 2 đến 3 người là kỹ thuật viên”.

Cử nhân Ngữ văn, Cao đẳng quản trị kinh doanh đi trực.. Radar biển

Tuy nhiên, theo Quyết định số 07/QĐ-HV ngày 14 tháng 01 năm 2015 về việc điều động viên chức của Giám đốc Trung tâm Hải Văn thì không ít các nhân sự đang công tác tại Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường biển của đơn vị này lại có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ khá “lạ” như Cử nhân Chính trị Nguyễn Thị Trang, Cử nhân Ngữ văn Ngô Thị Thanh, Cử nhân địa lý Nguyễn Thị Cúc hay Cao đẳng quản trị kinh doanh Trần Thị Hạnh.

Theo điều tra của ANTT.VN tất cả các nhân sự kể trên đều đang làm việc tại 3 trạm Radar biển: Hòn Dấu (Trần Thị Hạnh); Nghi Xuân (Nguyễn Thị Cúc); Đồng Hới (Nguyễn Thị Thanh, Ngô Thị Trang).

Riêng nhân sự tại Trạm radar biển Hòn Dấu là Châu Thị Hải Yến và Phùng Thị Thanh Hương đều có trình độ Trung cấp khí tượng.

Giám đốc Trung tâm Hải văn Trần Hồng Lam nói rằng, việc bố trí những cán bộ làm công tác của Trạm là một vấn đề đầy khó khăn. “Vì đồng lương thấp, cho nên khi đi trạm, tuyển dụng được những người làm công tác trưc tiếp về  khí tượng hải văn là cái tốt còn nếu không, trong trường hợp khác thì phải tuyển cả những người không làm việc ấy nữa!”, ông Lam nói.

Ninh Giang – Thủy Tiên – Cẩm Xuyên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến