Dòng sự kiện:
Cú nhào lộn ngoạn mục của Bitcoin
25/05/2021 09:14:37
Sau khi lập đỉnh với mức giá gần 65.000USD ngày 14-4, Bitcoin đã rơi vào vòng xoáy giảm giá kéo dài.

Đáng chú ý, tuần qua thị trường đã chứng kiến màn nhào lộn ngoạn mục của đồng tiền điện tử này, đã tạo tâm lý hoảng loạn và bán tháo trên toàn cầu.

Bitcoin và hiệu ứng Elon Musk

Cuối tháng 4-2021, ghi nhận trên Coindesk, Bitcoin đã rơi về mức 53.509USD. Sang tháng 5, đồng tiền điện tử này bất ngờ hồi phục. Cụ thể ngày 12-5, giá đã tăng mạnh lên mức trên 57.000USD, kéo theo nhiều đồng tiền điện tử khác trên thị trường tăng giá. Song sự hồi phục này đã nhanh chóng “gãy” bởi “sự trở mặt” của tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla, với đồng tiền này qua những dòng tweet trên Twitter, khiến nhiều người hâm mộ tiền mã hóa bàng hoàng

Theo Bloomberg, cuối tháng 3 tỷ phú Elon Musk thông báo khách hàng tại Mỹ có thể mua xe điện của hãng này bằng tiền ảo Bitcoin. Hãng xe điện Tesla cũng tuyên bố bỏ ra 1,5 tỷ USD để mua Bitcoin khiến đồng tiền điện tử này trở nên đắt giá.

Nhưng ngày 12-5, Tesla thông báo tạm dừng việc mua xe bằng Bitcoin. Trên Twitter, Elon Musk viết: “Chúng tôi lo ngại sự gia tăng nhanh chóng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khai thác và giao dịch tiền số này”. Ngay lập tức, Bitcoin rơi thẳng đứng xuống mức 50.000USD, giảm 11,4%, kéo theo sự sụt giảm của nhiều đồng tiền khác.

Bitcoin tiếp tục đánh mất mốc 50.000USD vào ngày 14-5, đứng ở mức 49.488USD, sau đó hồi phục nhẹ nhưng không duy trì được lâu. Vào ngày 16-5, Elon Musk tiếp tục có bình luận đồng tình trong bài viết cho rằng Tesla nên bán số Bitcoin hãng xe này đã bỏ ra 1,5 tỷ USD để đầu tư, đẩy Bitcoin rớt xuống ngưỡng 45.000USD.

2 ngày tiếp theo, thị trường phủ sắc xanh trở lại và xuất hiện kỳ vọng giá Bitcoin trở lại mốc 60.000USD. Song bất ngờ, ngày 19-5 Bitcoin lại lao dốc không phanh xuống 40.496USD, giảm 9,93% và tiếp tục rơi xuống 38.181USD, thậm chí chạm mốc thấp kỷ lục của 3 tháng 30.000USD vào ngày 20-5.

Tính chung tuần qua, Bitcoin đã mất khoảng 28%. So với mức cao nhất của mọi thời đại gần 65.000USD hồi giữa tháng 4, Bitcoin hiện thấp đến gần 50%. Tâm lý ảm đạm bao phủ thị trường sau những pha nhào lộn của đồng tiền điện tử này. Các sàn giao dịch đã chứng kiến dòng tiền chảy mạnh ra khỏi Bitcoin, với tâm lý thanh lý tài sản ngay lập tức của các nhà đầu tư.

Theo JPMorgan, nhiều nhà đầu tư tổ chức đã rời bỏ thị trường Bitcoin, chuyển sang thị trường vàng, đã tạo ra diễn biến trái ngược về giá của 2 loại tài sản này trong tuần qua. Sự sụp đổ giá Bitcoin cũng dẫn đến các trang web liên quan tiền điện tử như Coinbase, CoinGecko, CoinMarketCap liên tục gặp sự cố trong tuần qua, khi phải đối mặt với lượng truy cập cực kỳ lớn.

Rủi ro chưa chấm dứt?

Với sự nhào lộn giá cả trong tuần qua, tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường cộng với xu hướng đổ xô bán tháo, cho thấy rủi ro đầu tư vào Bitcoin rất khó lường.
 
Vậy tương lai của đồng Bitcoin như thế nào? Theo quỹ đầu cơ tiền ảo ARK36, thị trường tiền ảo đang hứng chịu quá nhiều tin xấu. Quan sát vào diễn biến của Bitcoin trong 1 năm qua, có thể nói nguyên nhân cốt lõi khiến đồng tiền này tăng giá vẫn do lạm phát cao.

Đơn cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường tiền ảo đã trở nên sôi nổi khi nhà đầu tư tìm đến Bitcoin như tài sản an toàn trước sự sụt giá của đồng nội tệ Lira và lạm phát lên tới 16% vào tháng 3.

Lạm phát cao trên toàn cầu cũng được xem là động lực khiến các công ty lớn như Mode Global Holdings, Square, MicroStrategy mạnh tay bổ sung Bitcoin vào danh mục đầu tư trên bảng cân đối kế toán, nhằm xây thêm bức tường chống lại lạm phát. Cùng với sự phát triển đó, các định chế tài chính lớn JPMorgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley chạy đua tạo điều kiện cho khách hàng giàu có của mình đầu tư vào Bitcoin.

Cụ thể, Morgan Stanley đáp ứng nhu cầu đầu tư cho khách hàng có ít nhất 2 triệu USD tài sản do họ nắm giữ. Trong khi PayPal triển khai tính năng thanh toán bằng Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác…

Tuy nhiên, sự sôi động này bắt đầu bị kiềm hãm. Ngoài những dòng tweet “lật kèo” - được xem là tác nhân chính - của tỷ phú Elon Musk, là động thái của Chính phủ các nước nhằm hạn chế sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác.

Tại Mỹ, Bộ Tài chính và Thuế vụ (IRS) cam kết sẽ có biện pháp đối với việc dùng tiền ảo cho những hành động phi pháp, trong đó có trốn thuế. Bộ Tài chính Mỹ nói sẽ yêu cầu báo cáo về các giao dịch tiền ảo có trị giá trên 10.000USD, tương tự quy định đối với tiền mặt.

Trong khi đó, Thống đốc Andrew Bailey của NHTW Anh nói tiền điện tử không có giá trị nội tại. Còn Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB), Christine Lagarde cảnh báo tiền điện tử dễ bị sử dụng trong hoạt động rửa tiền.

Mạnh tay hơn, một số quốc gia đã tỏ thái độ rõ ràng với Bitcoin. NHTW Trung Quốc (PBoC) mới đây đã nhắc lại tiền ảo không được phép dùng làm phương tiện thanh toán ở nước này. PBoC sẽ mạnh tay cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử như đăng ký, giao dịch, thanh toán bù trừ và thanh toán…

Theo bản công bố của Hiệp hội Tài chính Internet quốc gia, Hiệp hội NH và Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ Trung Quốc, giá tiền điện tử đã tăng vọt và giảm mạnh, giao dịch đầu cơ tiền điện tử đã phục hồi trở lại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn tài sản người dân và phá vỡ trật tự kinh tế và tài chính bình thường.

NHTW Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cấm sử dụng tiền ảo trong mọi giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp hay gián tiếp kể từ ngày 30-4-2021. Cơ quan Thuế Thu nhập trung ương (AFIP) của Argentina, yêu cầu sàn giao dịch tiền kỹ thuật số và công ty thanh toán nội địa cung cấp báo cáo hàng tháng tất cả hoạt động của người dùng.

Theo thống kê của Công ty Kiểm toán PwC, hiện có hơn 60 NHTW trên toàn cầu đang cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số nhằm hiện đại hóa hệ thống tiền tệ quốc tế, đồng thời định hình lại cấu trúc thanh toán và tài chính toàn cầu.

Các chuyên gia tài chính nhận định, dù các sàn giao dịch cho rằng mức giảm 30-40% là bình thường sau khi thị trường tăng nóng, nhưng thực chất khi tiền kỹ thuật số pháp định được chú trọng, Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác sẽ đối mặt với sức ép mất vị thế đang có, thậm chí có thể bị đè bẹp do các quốc gia sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động đầu tư vào tiền điện tử. Với thực tế này, nhiều thị trường tiền điện tử sắp bước vào mùa đông ảm đạm.

Tác giả: Thiên Minh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến