Dòng sự kiện:
Cụ ông 80 tuổi ròng rã 10 năm 'cõng' đơn đi đòi công lý
24/04/2018 02:30:03
Hơn 10 năm qua, ông Viên ròng rã làm đơn gửi tới các cơ quan có thẩm quyền để đòi lại công lý cho mảnh đất có diện tích 240m2 của gia đình đã buộc phải bỏ hoang vì tranh chấp.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Viên (79 tuổi), trú phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội, vợ chồng ông có một mảnh đất diện tích 240m2 ở trước cửa nhà thuộc thửa đất số 16, tờ bản đồ số 11 tại thôn Sài Đồng, xã Gia Thụy, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội (nay là tổ 12, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, HN).

Năm 1993, qua mô giới là ông Hoàng Nhật Thăng, ông Viên đã thỏa thuận bán cho bà Nguyễn Thị Hồ và ông Hoàng Văn Việt mảnh đất trên với giá 48 triệu đồng. Vì pháp luật thời kỳ này cấm mua bán quyền sử dụng đất nên ông Việt và bà Hồ đã lập một văn bản mang tên “Giấy mua bán nhà ở” mặc dù trên mảnh đất 240m2 không có một ngôi nhà nào và bảo ông Viên ký vào để thực hiện giao dịch bán  đất.

Do đây là giao dịch giả tạo, lại không có đủ chủ thể tham gia (vợ ông Viên là bà Nguyễn Thị Mướp không biết đến việc mua bán này) nên Giấy mua bán nhà ở này không được UBND xã chứng thực. Mặt khác, ông Việt và bà Hồ mới chỉ thanh toán cho ông Viên 30 triệu đồng, còn thiếu 18 triệu đồng nên ông Viên vẫn chưa bàn giao đất, từ năm 1993 đến năm 2006, diện tích 240m2 đất này vẫn do ông Viên đóng thuế sử dụng.

Do không thỏa thuận được việc mua bán, năm 2006, vợ chồng ông Viên bị ông Hoàng Văn Việt và bà Nguyễn Thị Hồ khởi kiện ra TAND quận Long Biên yêu cầu tòa án công nhận hợp đồng mua bán nhà ở và quyền sử dụng đất giữa bà Hồ, ông Việt và ông Viên lập ngày 11/5/1993, buộc vợ chồng ông Viên phải bàn giao 240m2 đất cho ông Việt, bà Hồ.

Vụ kiện do TAND quận Long Biên xét xử sơ thẩm, tuyên bản án số 4/2007/DSST ngày 23/2/2007. Tại buổi xét xử này, mặc dù vắng mặt vợ chồng ông Viên nhưng TAND quận Long Biên vẫn xét xử, tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Việt, bà Hồ.

Bản án sơ thẩm bị VKSND quận Long Biên kháng nghị nhưng TAND TP Hà Nội vẫn xét xử phúc thẩm tại bản án số 122/2007/DSPT ngày 5/6/2007, tiếp tục chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Đã gần 80 tuổi nhưng ông Viên vẫn phải đi đòi quyền lợi của mình

Ông Viên cho biết, ông đã cung cấp những chứng cứ chứng minh hợp đồng/giao dịch xác lập ngày 11/5/1993 giữa ông Viên và Ông Việt, bà Hồ là vô hiệu vì không đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên không được TAND TP Hà Nội xem xét.

Theo những chứng cứ mà ông Viên cung cấp, "Giấy mua bán nhà ở" được lập ngày 11/5/1993 vẫn chỉ ở dưới dạng văn bản không có sự chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không làm thủ tục đăng ký sang tên trước bạ tại cơ quan có thẩm quyền, do đó chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hình thức của hợp đồng theo quy định tại điều 13, Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 và điều 33, Pháp lệnh nhà ở năm 1991.

Chưa hết, tài sản -  đối tượng của hợp đồng là tài sản chung của vợ chồng ông Viên, tuy nhiên chỉ có ông Viên tham gia vào giao dịch mua bán còn bà Mướp (vợ ông Viên) không biết đến việc này. Do đó, chủ thể tham gia, ký kết hợp đồng này chưa đúng theo quy định tại điều 34, Pháp lệnh nhà ở 1991.

Ông Viên khẳng định, để thuận lợi cho việc chuyển quyền sử dụng đất và do thiếu hiểu biết pháp luật nên chữ ký “Hoa” ở phần vợ ông Viên là do ông Viên tự viết vào, còn bà Mướp (Hoa) đang đi Hưng Yên. Ông Viên cũng đã yêu cầu tòa án giám định chữ kí này. Tuy nhiên, thay vào đó, tòa án phúc thẩm lại sử dụng chứng cứ giả của nguyên đơn để giải quyết.

Bản án số 122/2007/DSPT nêu: "Cũng trong ngày 11/5/1993, ông Viên, bà Hồ, ông Việt đã tiến hành xác định bàn giao mốc giới phần đất, nhà là đối tượng của Hợp đồng mua bán có sự chứng kiến của các hộ liền kề là ông Nguyễn Hữu Cảo, anh Lê Văn Bắc và người làm chứng là ông Hoàng Nhật Thăng. Cấp sơ thẩm đã tiến hành lấy lời khai của ông Thăng, ông Cảo thì học đều xác nhận có việc mua bán và bàn giao nhà đất giữa các bên gồm ông Việt, bà Hồ với ông Viên, bà Mướp".

Tuy nhiên, chính các nhân chứng mà bản án sơ thẩm và phúc thẩm viện dẫn để kết luận có sự mua bán chuyển nhượng là ông Nguyễn Hữu Cảo đã có đơn xác nhận chữ ký, khẳng định không biết, không làm chứng việc mua bán, bàn giao mốc giới như trên. Giấy làm chứng của ông Hoàng Nhật Thăng cũng khẳng định, lúc xác lập hợp đồng, vợ ông Viên về quê không có mặt. Ông Thăng cũng không chứng kiến việc đo đạc, bàn giao mốc giới thửa đất.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Viên cũng đưa ra các chứng cứ bao gồm xác nhận của các nhân chứng và UBND xã chứng minh thời điểm 2 bên giao dịch, đối tượng giao dịch là ngôi nhà ở 12m2 không tồn tại, mà thực chất "Giấy bán nhà ở" được ông Việt, bà Hồ viết sẵn để ông Viên ký vào nhằm che đậy bản chất giao dịch thực sự là bán quyền sử dụng 240m2.

Cũng theo ông Viên, thời điểm này, Luật đất đai năm 1993 chưa có hiệu lực, pháp luật nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng đất đai dưới mọi hình thức. Việc TAND quận Long Biên và TAND TP Hà Nội chấp nhận yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán nhà và quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Hồ, ông Hoàng Văn Việt đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Viên, buộc gia đình ông Viên phải bàn giao 240m2 đất cho ông Việt, bà Hồ là có thiếu cơ sở pháp lý, thiếu minh bạch, khách quan.

Theo ghi nhận của PV, mảnh đất của ông Viên đã bị bỏ hoang nhiều năm nay và không được sử dụng. Mọi cánh cửa đi vào khuôn viên mảnh đất đều cửa chốt then cài. Nếu muốn vào trong, ông Viên chỉ còn cách leo qua tường cao gần 2m. Trong khi đó, 2 vợ chồng ông đang phải sinh sống trong căn nhà cấp 4 cũ kĩ và lụp xụp.

Ông Viên phải leo qua tường bằng chiếc thang để vào mảnh đất

Mảnh đất 240m2 mà suốt 10 năm qua ông Viên đi đấu tranh

Hơn 10 năm ròng rã đấu tranh đòi công lý

Từ năm 2007 đến nay, hàng trăm lá đơn kèm theo tài liệu chứng cứ được gửi đi, hàng trăm lần trực tiếp tìm đến trụ sở Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để đề nghị giải quyết, đến nay dù  đã tuổi cao sức yếu, ông Nguyễn Văn Viên vẫn đang tiếp tục đấu tranh và  mòn mỏi chờ câu trả lời chính đáng của các cơ quan chức năng.

TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã có nhiều văn bản trả lời đơn khiếu nại, đơn đề nghị giải quyết… của ông Viên, tuy nhiên, theo cụ ông 79 tuổi, các cơ quan này vẫn chỉ dựa vào những chứng cứ và kết luận của bản án phúc thấm số 122/2007/DSPT mà không quan tâm đến những tài liệu, chứng cứ mà ông cung cấp. 

Nơi ở hiện tại của vợ chồng ông Viên

“Văn bản trả lời số 2502/DS ngày 11/10/2007 của Tòa Dân sự, TAND Tối cao đã không xem xét đủ hồ sơ, chứng cứ mà chỉ căn cứ vào nội dung các bản án nên cho rằng không đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu của tôi trong đơn khiếu nại. Như vậy là không khách quan, không đảm bảo quyền lợi cho tôi. Tiếp đó, công văn số 445/TANDTC-DS ngày 30/6/2010 của TAND Tối cao, thông báo số 1402/TB của Phó chánh án TAND Tối cao ngày 26/9/2014 tiếp tục không xem xét kỹ các tài liệu, chứng cứ mà tôi cung cấp dẫn đến tôi đề nghị xử giám đốc thẩm bản án 122 của tôi vẫn chưa được giải quyết. Không bằng lòng với các thông báo trên, tôi liên tục làm đơn khiếu nại, tha thiết đề nghị các nhà chức trách, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho tôi một cách thích đáng, theo đúng bản chất của vụ việc.

Tuy nhiên, thông báo trả lời số 173/TB-VKSNDTC ngày 19/6/2017 của VKSND tối cao lại tiếp tục khiến tôi rất bất bình bởi một lần nữa những nội dung đề nghị cũng như những chứng cứ là tình tiết mới của vụ án được gửi kèm theo đơn khiếu nại vì lý do gì đã bị bỏ đi hoặc không được xem xét", ông Viên bức xúc kể

Tuổi đã cao, sức khỏe yếu dần nhưng để đòi lại quyền lợi chính đáng cho gia đình mình, ông Viên vẫn tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền với mong muốn được xét xử giám đốc thẩm vụ án theo đúng quy định của pháp luật.  

Còn nữa...

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến