Dòng sự kiện:
Cử tri Bắc Giang sẵn sàng cho ngày hội lớn giữa đại dịch COVID-19
21/05/2021 12:56:26
Người dân khắp các huyện thị tỉnh Bắc Giang háo hức đón ngày bầu cử, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Tất cả đều đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của toàn dân.

Những ngày qua, các đoàn giám sát của tỉnh Bắc Giang, thành phố, các huyện thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, giám sát công tác bầu cử (CTBC) đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các khâu chuẩn bị được triển khai theo đúng kế hoạch, bảo đảm cuộc bầu cử thành công giữa lúc dịch COVID-19 đang bùng phát.

Sẵn sàng cho ngày hội lớn

Chỉ còn hơn 1 ngày nữa là tới ngày bầu cử, công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn càng khẩn trương. Khí thế vào cuộc quyết liệt từ tỉnh lan tỏa đến tận các tổ bầu cử.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang - cơ quan thường trực của Ủy ban Bầu cử tỉnh chia sẻ, CTBC được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chú trọng, triển khai bảo đảm chất lượng và tiến độ theo quy định của pháp luật.

Hội nghị chỉ đạo công tác bầu cử tại tỉnh Bắc Giang.

Kế hoạch nêu rõ lịch trình, nội dung công việc cần thực hiện, các cơ quan, đơn vị đảm nhiệm, thời hạn hoàn thành. Ngay trong ngày Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai CTBC, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã tổ chức luôn hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh triển khai CTBC, sau đó hàng loạt hội nghị triển khai CTBC sớm được tổ chức tại cơ sở và các tổ chức phụ trách bầu cử cũng sớm được thành lập.

Xác định tổ chức cuộc bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm trong năm, gắn trách nhiệm cho Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp nên CTBC được quan tâm chỉ đạo sát sao, đôn đốc thường xuyên.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Việt Yên Nguyễn Quý Dương chia sẻ, mốc thời gian hoàn thành công việc đều sớm hơn thời hạn quy định của luật để rà soát, điều chỉnh kịp thời vướng mắc, phát sinh. Các thành viên Ban Chỉ đạo bầu cử, UBBC huyện bám nắm địa bàn phân công, chủ động hướng dẫn các bước thực hiện bảo đảm tiến độ, đúng Luật. Đợt lập danh sách cử tri vừa qua, các cán bộ thôn lăn xả “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, xác định rõ người thường trú, tạm trú, bảo đảm chính xác, không sót lọt.

Những ngày này, trang Zalo cá nhân của Giám đốc Sở Nội vụ liên tục cập nhật hình ảnh khẩu hiệu, thông tin tuyên truyền về bầu cử.

"Công chức Sở Nội vụ phải tiên phong sử dụng Zalo của mình để tuyên truyền bầu cử, bởi đây chính là kênh lan tỏa nhanh và rộng, tương tác, chia sẻ nhiều, tôi quán triệt anh em như vậy", ông Hùng bộc bạch.

Thời buổi công nghệ 4.0, nhờ có Zalo mà trao đổi nghiệp vụ CTBC nhanh chóng, hạn chế hội họp, khắc phục được tình trạng văn bản gửi đến theo đường công văn muộn nên triển khai cập rập. Văn bản được đẩy lên nhanh giúp cho việc trao đổi, giải đáp thắc mắc nhanh chóng và các thành viên trong nhóm đều biết, các tình huống được rút kinh nghiệm chung để chủ động xử lý. Có khi chỉ sau một cuộc điện thoại hỏi là được bộ phận nghiệp vụ hướng dẫn kịp thời.

Chủ tịch UBND xã Quảng Minh Trần Văn Hạnh phấn khởi: "Cán bộ tỉnh và huyện tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ CTBC theo phương châm "cầm tay, chỉ việc" tới cả ủy viên tổ bầu cử, đặt ra các tình huống phát sinh, trả lời tất cả câu hỏi thắc mắc, văn bản hướng dẫn chi tiết nên triển khai thuận lợi. Các đoàn giám sát không chỉ nghe báo cáo mà xuống tận tổ bầu cử, góp ý những hạn chế để chúng tôi kịp thời khắc phục" Những người ứng cử cũng đã được bồi dưỡng kỹ năng xây dựng chương trình hành động để tự tin tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.

CTBC đã đi vào guồng, từ tỉnh đến cơ sở đều đã "thuộc bài" nhưng tuyệt đối không được phép chủ quan, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tất cả đang dốc sức để ngày bầu cử thật sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Cử tri háo hức

Nhà gần trụ sở UBND xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, bà Chu Thị Tuyên ở thôn Đông Long tranh thủ ra xem bảng niêm yết danh sách cử tri, lật giở từng trang tìm thông tin những người trong gia đình, cẩn trọng kiểm tra tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú cho thật chính xác.

Bà bảo, mấy hôm trước được mời dự lấy ý kiến cử tri nơi cư trú với những người ứng cử đại biểu HĐND xã, bà con trong thôn dự đông đủ, mọi người phát biểu thẳng thắn, chân thành và biểu quyết giơ tay nhất trí 100% giới thiệu người ứng cử.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái kiểm tra tại một tổ bầu cử trên địa bàn huyện Việt Yên.

Lát sau, bà ra đọc kỹ tiểu sử từng người ứng cử để biết về trình độ, quá trình công tác, bề dày kinh nghiệm… để hôm bầu cử sẽ đưa ra lựa chọn cuối cùng.

""Bó đũa chọn cột cờ", tôi bầu chọn những người thật xứng đáng, gần dân và chuyển tải kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của chúng tôi, góp phần xây dựng xã nhà giàu mạnh", bà Tuyên khẳng định.

Cử tri thôn Đông Long rất vinh dự khi thôn có người ứng cử và mong muốn người ứng cử nếu trúng cử sẽ làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tận tâm cống hiến cho dân, cho nước.

159 hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú với 822 ứng cử viên trên địa bàn huyện Yên Dũng cũng được chuẩn bị chu đáo, thu hút 12 nghìn cử tri tham gia.

Hội nghị thường tổ chức vào ngày nghỉ, buổi tối, bà con nhận giấy mời từ sớm và được thông báo qua loa truyền thanh nên sắp xếp thời gian tới dự đông đủ.

Cử tri đánh giá cao đóng góp của người ứng cử, nếp sinh hoạt, phẩm chất đạo đức nhưng cũng góp ý thẳng thắn, cụ thể những hạn chế. Chủ tọa điều hành theo đúng kịch bản, hết ý kiến phát biểu mới xin ý kiến hội nghị lựa chọn hình thức tín nhiệm là biểu quyết giơ tay hay bỏ phiếu kín. Không khí cởi mở, dân chủ, khách quan, đa số ứng cử viên đạt tín nhiệm 100%.

Lần đầu tiên đảm nhiệm tổ trưởng tổ bầu cử, ông Chu Trọng Ân, xã Quảng Minh không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, kinh nghiệm là thành viên tổ bầu cử từ khóa trước, lại được tham dự tập huấn nghiệp vụ kỹ càng, tranh thủ nghiên cứu văn bản, tài liệu hướng dẫn CTBC, ông thêm phần vững tâm.

Khu vực bỏ phiếu số 5 tại điểm thiếu âm thanh, loa đài, phông màn, bàn ghế… nên công tác chuẩn bị vất vả hơn. Từ hôm niêm yết chính thức danh sách cử tri, các thành viên tổ bầu cử thay phiên nhau trực ở khu vực bỏ phiếu, tiếp nhận thông tin phản hồi của bà con để chỉnh sửa kịp thời.

Tuổi cao, việc nhiều nhưng ông Ân luôn hăng hái đi đầu, động viên cả tổ chung tay, gắng sức. Phương án trang trí khu vực bỏ phiếu thật đẹp, ấn tượng, tạo khí thế cho bà con hồ hởi đi bầu đã được sôi nổi bàn thảo.

Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng Trần Đức Thức hào hứng, xã đã về đích nông thôn mới, các nhà văn hóa chín thôn rộng 300 m², có nơi khuôn viên rộng hàng nghìn m² nên đáp ứng đủ điều kiện lựa chọn là khu vực bỏ phiếu.

Thành viên các tổ bầu cử đều là những cán bộ cơ sở nhiệt tình, nhanh nhẹn, có kinh nghiệm, kết hợp với những người trẻ thành thạo vi tính, trong đó trưng tập nhiều công chức, giáo viên.

Ở khắp các miền quê hay ở phố thị của tỉnh Bắc Giang, những ngày này, không khí hướng tới ngày bầu cử tưng bừng trên khắp các đường phố, ngõ xóm.

Tại đầu cầu Như Nguyệt, cầu Lường, các trục đường chính, cầu vượt, cầu nối ra vào tỉnh, các tuyến đường ở thành phố Bắc Giang, trung tâm các huyện, xã, phường, thị trấn ngập tràn pano, áp-phích, tranh cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, băng vượt đường chủ đề về bầu cử, rồi hồng kỳ, cờ chuối…

Thông tin về bầu cử  trên cổng thông tin điện tử phong phú để người dân theo dõi và tra cứu khi cần thiết. Phó Bí thư Huyện ủy Yên Dũng Tạ Quang Khải chia sẻ, hệ thống loa truyền thanh ngày hai buổi sáng sớm và chiều tối đều đặn phát thông tin về bầu cử, nổi bật là Luật Bầu cử, hỏi - đáp về bầu cử, tiểu sử người ứng cử, thông báo nơi niêm yết danh sách cử tri, ngày bầu cử, thời gian bỏ phiếu theo quy định… Thông tin bầu cử cũng được chia sẻ, lan tỏa trong các nhóm Zalo để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân nêu cao tinh thần làm chủ và trách nhiệm của công dân tự giác tham gia bầu cử.

Được biết, yoàn tỉnh Bắc Giang có tổng số cử tri thường trú là 1.325.927 người; tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên 4.854 người; tạm trú dưới 12 tháng 2.783 người. Kết quả hiệp thương lần thứ 3, lập danh sách chính thức 11 NƯC đại biểu Quốc hội, 128 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 580 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 8.606 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Luật sư Nguyễn Trọng Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 27 Hiến pháp 2013 nêu rõ: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Đồng thời, Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng quy định rõ tuổi bầu cử và tuổi ứng cử: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

"Căn cứ các quy định trên, công dân đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”, luật sư Thắng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, công dân có quyền bầu cử chỉ được đi bầu cử khi đã được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Trọng Thắng cho biết thêm: Theo Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Theo Điều 5 Luật này, ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Sa Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến