Dòng sự kiện:
`Cuộc đời không có thất bại` của ông chủ `đế chế` Him Lam Dương Công Minh
20/02/2020 13:32:01
'Bây giờ người ta gọi tôi là Minh Him Lam, nhưng trước đây tôi được gọi là Minh xoài, vì tôi xuất khẩu xoài sang Trung Quốc', ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam cho biết.

Từ buôn xoài thua lỗ đến trở thành đại gia bất động sản

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là thiếu tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.

Khởi nghiệp của ông là việc kinh doanh xoài đầu những năm 1990. Đây cũng chính là giai đoạn biệt danh "Minh Xoài" của ông Minh được hình thành.

"Ngày trước, tôi làm xuất nhập khẩu trái cây qua Trung Quốc, tôi xuất khẩu xoài. Bạn tôi muốn làm chung thì tôi đồng ý chia sẻ với cam kết lời cùng chia nhưng lỗ tôi chịu.

Vì giữ lời hứa này mà sau một lần kinh doanh mà bạn tôi tự quyết thì tôi phải gánh lỗ khá nhiều nên quyết định bán nhà đang ở (1000m2 trên đường Cộng Hoà) để trả nợ cho người bạn", ông kể lại quãng thời gian khó khăn trước đây.

Trong quá trình làm thủ tục bán nhà, nhận thấy cơ hội lớn trong đầu tư bất động sản. "Khi bán nhà tôi bị dịch vụ "chém" đau. Nhà tôi nếu bán là 350 triệu đồng nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu đồng. 50 triệu nhiều quá.

Tôi tự đi làm, tổng cộng hết chỉ 3 triệu. Tôi lập luôn công ty hợp thức hóa nhà đất với chi phí chỉ 20 triệu (giảm 60%). Lợi nhuận lúc đó là 300% sau khi chi các loại chi phí".

Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên CTCP Him Lam - Him Lam Group.

"Cuộc đời tôi không có thất bại. Tôi chỉ toàn thấy thành công may mắn trong cuộc đời", ông Dương Công Minh nói.

Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị

Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, trong đó ông Minh sở hữu 99% cổ phần. Từ lĩnh vực chính là phát triển nhà ở và khu đô thị, hiện Him Lam đã vươn sang nhiều lĩnh vực khác như Du lịch – nghỉ dưỡng, Đầu tư tài chính – Ngân hàng, Phát triển nguồn nhân lực và Nông Lâm thủy sản…

Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hệ thống vào đầu tháng 5/2016, Him Lam đã khởi công 2 dự án khu du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, quy mô 50ha tại đảo Hòn Dấu tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.

Him Lam hiện sở hữu 2 sân golf có vị trí đắc địa là dự án sân golf Tân Sơn Nhất quy mô hơn 157ha, thuộc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc, quận Tân Bình, TP HCM với tổng mức đầu tư của dự án là 2.292 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm kể từ 2015.

Ngoài ra, Him Lam đang sở hữu một dự án sân golf khác ở phía Bắc là sân golf và dịch vụ Long Biên, tại các phường Phúc Đồng, Gia Thụy, Long Biên. Dự án này có tổng mức đầu tư 3.362 tỷ đồng, gồm sân golf 27 lỗ và khu biệt thự và căn hộ cao cấp, quy mô 119,19ha.

Đối với vị doanh nhân này, ông có một sở thích cũng khá "thời thượng" là chơi golf những khi rảnh rỗi. Cách đây hơn 10 năm, ông bắt đầu chơi golf. "Nếu không chơi golf thì tôi và Him Lam chắc đã "ngỏm" rồi...", ông cho biết.

"Him Lam là một tay tôi gây dựng nên, từ tiền của tôi vay nặng lại, từ cái đầu của tôi, từ tính cách của tôi. Mỗi sản phẩm Him Lam - từng căn nhà chung cư, là do chính tay tôi xem bản vẽ, thi công. Khi tôi thiết kế, xây dựng 1 căn nhà, nó phải đạt chuẩn mực mà tôi luôn đặt ra cho mọi sản phẩm của mình", ông Dương Công Minh nhấn mạnh.

Cũng chính từ việc gây dựng cơ đồ từ bàn tay trắng nên trong suy nghĩ của vị đại gia này, "Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi. Người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi", ông khẳng định.

Khi ông Minh phát biểu câu này vào cuối năm 2010, con trai ông mới có 3 tuổi rưỡi. Khi được hỏi về thất bại lớn nhất trong cuộc đời, ông Minh đã khẳng định: “Cuộc đời tôi không có thất bại. Tôi chỉ toàn thấy thành công may mắn trong cuộc đời. Việc tôi thua lỗ khi đi buôn xoài, bán nhà cửa và vay tiền nặng lãi để kinh doanh, tôi không xem đó là thất bại mà là may mắn. Nếu không có sự việc đó, thì không thể có Minh Him Lam ngày hôm nay.

Làm ngân hàng dễ hơn bất động sản

Từ lĩnh vực chính là bất động sản, ông Dương Công Minh đã vươn sang nhiều lĩnh vực khác, mà trong đó ngân hàng mang đến nhiều giá trị.

Ông tham gia thành thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008, với vốn điều lệ ban đầu là 3.300 tỷ đồng.

Đến năm 2011, LienVietBank được một doanh nghiệp Nhà nước là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt, nâng vốn lên hơn 6.000 tỷ đồng.

Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Việc sáp nhập ngân hàng vào bưu điện là một nước cờ táo bạo nhưng vô cùng hợp lý, một cách khuếch tán thương hiệu nhanh chóng và hiệu quả nhất theo quan điểm của ông Minh lúc đó, khi tận dụng được hàng nghìn điểm giao dịch trên cả nước của đối tác.

Trên cơ sở này, ngân hàng rất thành công so với các ngân hàng khai sinh cùng thời. Cũng vì vậy ông Minh cho rằng, làm ngân hàng dễ hơn làm BĐS.

Tại Ngân hàng Liên Việt, Him Lam là cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%.

Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của ngân hàng này nhưng vợ ông, bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.

Sau đó, ông Dương Công Minh từ nhiệm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank và đến tháng 6/2017, với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, ông Minh đã được HĐQT thống nhất bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021 giữa thời điểm ngân hàng này đang đối mặt với nhiều "sóng gió" nhất.

Năm 2019, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 3.217 tỷ đồng, tăng 43,2% so với năm 2018 và vượt 21,4% so với kế hoạch. Tổng tài sản đạt gần 453.600 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cuối năm 2018. Lợi nhuận sau thuế tăng 37% đạt 2.454 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2019, Sacombank có 5.733 tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu là nợ nhóm 5. Tỷ lệ nợ xấu vào cuối niên độ được kéo xuống còn 1,93%, so với 2,2% tại thời điểm cuối năm 2018.

Tuy có công lớn trong việc chèo lái "con thuyền" Sacombank vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng ông Dương Công Minh cho rằng, ông vào điều hành Sacombank nhưng thương hiệu ngân hàng vẫn luôn gắn chặt với tên tuổi ông Đặng Văn Thành - cổ đông sáng lập ra ngân hàng. 

Sở hữu số tài sản khổng lồ, đại gia Dương Công Minh vẫn được biết đến là người khá khiêm tốn và kín tiếng. Trong một bài phỏng vấn với báo chí, ông cũng từng tự nhận: "Tôi là người giàu, tuy nhiên đã biết cách làm giàu thì cũng cần biết cách khiêm tốn, tránh khoe khoang. Nhà cửa tôi ở đàng hoàng, nhưng hiếm người biết nhà tôi như thế nào, tránh để người ta có những nhìn nhận không cần thiết".

Khánh Linh (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến