Dòng sự kiện:
Cuộc đời người phụ nữ 40 năm 'cướp cơm Hà Bá'
04/11/2017 20:36:04
Cả cuộc đời bà gắn bó với khúc sông Hồng chảy qua dốc Chèm, xã Thụy Phương (Từ Liêm, Hà Nội) và chứng kiến bao cái chết đau thương về sông nước, bà Bình đã giành giật "miếng cơm Hà Bá" cũng là hành thiện tích đức.

40 năm “cướp cơm” Hà Bá

Một buổi xế chiều, chúng tôi tìm tới nhà bà Bình. Hỏi người dân xung quanh, ai cũng chỉ bảo tận tình và nói: “nhà có người chết đuối à”, khiến chúng tôi ớn lạnh sống lưng. Có lẽ, khá nhiều người tìm tới đây khi trong lòng tận cùng nỗi đau khổ và tuyệt vọng.

Ấn tượng lần đầu gặp bà với chúng tôi là nụ cười sảng khoái, dáng người đậm và khỏe khoắn. "Ngày nào nhà có khách lạ, là y rằng ở đâu đó, trên con sông Hồng kia lại có người chết đuối. Nhà u mà có khách là u đau đớn lắm", bà Bình nói.  

Đã ngoài 60 tuổi, nhưng có đến 40 năm vớt xác, cứu người chết đuối

Bà Trần Thị Bình sinh năm 1954 ở thôn Hồng Ngự, xã Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Là con út trong gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên bà chỉ học đến hết lớp 3 rồi lớn lên đi làm thuê đủ thứ nghề để mưu sinh, nhưng cuối cùng cuộc sống cũng chỉ quanh quẩn với mạn thuyền, chùm lưỡi câu, tay lưới.

Nhà mấy đời sống bằng nghề chài lưới, bà theo cha suốt ngày lênh đênh trên mạn thuyền nay đây mai đó từ khi nghỉ học. Nhưng cũng chính từ cơ duyên với sông nước mà cuộc đời bà gắn với việc làm phúc, cứu người đuối nước, vớt xác người chết đuối.

Kể về cơ duyên khiến bà gắn với bờ sông Hồng cuồn cuộn, đục ngầu và cứu những người đuối nước, bà Bình chậm giãi kể, năm 14 tuổi, trong một lần giăng lưới ven sông, bà nghe tiếng kêu cứu thất thanh của một người dân vọng lên từ khúc sông phía dưới “có người nhảy sông tự tử”. Bà tức tốc chạy ngay đến chỗ người phụ nữ đang chới với giữa lòng sông và may mắn cứu được chị ấy.

Cũng từ lần đó, hễ có ai chết đuối, nhảy cầu khi nghe được hung tin là lập tức bà Bình có mặt giúp đỡ. Cái nghiệp cứu vớt người dưới sông đã gắn với bà từ đó.

Bà Bình kể lại: “Hồi tôi còn bé cha thường dặn, mình sống trên sông thì không được cứu, vớt người đuối nước vì làm như thế sẽ bị Hà Bá trừng phạt. Nhưng tôi đã không giữ đúng lời. Biết người gặp nạn mà không ra tay cứu giúp là thấy ân hận lắm. Cứu được một mạng người bằng xây mười tòa tháp. Mỗi lần nhìn gia cảnh của người bị nạn khóc lóc, nài nỉ, tôi lại thấy động lòng.

Con người ta sinh ra, sống chết đều có số cả. Tôi cũng quan niệm về chuyện sông có “Hà Bá”. Vì thế, để tránh những tai ương cho gia đình sau này, mỗi lần vớt được một xác chết hay cứu sống một mạng người là tôi lại làm lễ để cúng bái. Lễ lạt đơn giản, một hình người (bằng giấy) đem đốt trên sông hoặc thả cho nó trôi để “thế mạng” cho Hà Bá. Một ít hoa quả và tiền, vàng mã. Những thứ này gia chủ phải chuẩn bị sẵn để tôi làm lễ cúng Hà Bá”.

Anh em ở khắp mọi nơi

Gia đình bà Bình đã chuyển lên đất liền sống cũng hơn 20 năm. Ngôi nhà hiện nay bà đang ở đã xây dựng đến 7 lần bởi những trận mưa gió quật xập cả nhà. Mái nhà ấy vắng bóng người chồng từ lâu, bà Bình một mình nuôi con trai, trải qua bao công việc vất, cực nhọc. Nhưng nghiệp vớt xác thì vẫn đeo bám bà cho tới tận ngày hôm nay. Bản thân bà chưa bao giờ nghĩ đó là nghề để "kiếm cơm".

Căn nhà lụp xụp nơi bà Bình ở

"Từng đó năm làm nghề này u chưa từng một lần đòi giá cả ai. Họ trả u thế nào thì u nhận thế. Có trường hợp gia đình người ta nghèo khổ lại bị mất con hay mất chồng, mất vợ thì u không đành lòng nhận tiền công của người ta. U từ chối mà người ta áy náy thì u bảo coi như cho u mua thẻ hương thắp cho người xấu số. Tiền bạc thì có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chứ biết thế nào là đủ. Nếu lấy tiền từ công việc này thì trong cái khu Chèm này chả ai giàu bằng u".

Tuổi đã ngoài 60, nhiều lúc bà Bình cũng muốn "rửa tay gác kiếm" nhưng cái nghiệp vẫn không sao dứt được. Cứ hễ có người đến cậy nhờ là bà lại vứt hết công việc đang làm và "lên đường" ngay lập tức.

Bao nhiêu năm làm phúc cứu người nhưng bà cũng chẳng nhớ đã cứu được bao nhiêu người, chỉ biết là nhiều lắm. Căn nhà của bà Bình vẫn chỉ là một túp lều bé nhỏ và không có vật dụng gì đáng giá, nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Dân dốc Chèm bảo gia đình u Bình có anh em ở khắp mọi nơi. Và mỗi lần cứu người là bà lại có thêm một người bạn, anh em kết nghĩa, một gia đình.

Phong Linh - Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến