Cuộc đua tới vị trí nhà cung cấp số một trong thị trường dầu mỏ Trung Quốc
15/09/2015 13:55:28
Cuộc đua trở thành nhà cung cấp số một cho thị trường dầu mỏ Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng hơn bao giờ hết.

Tin liên quan

Nga, Angola, Iran và Ảrập Xêút đang ganh đua nhau để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Cuộc đua ngày càng trở nên quyết liệt khi Iran hứa hẹn sẽ nâng sản lượng lên mức cao nhất nhằm kiếm lại thị trường ngay khi lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây lên quốc gia này được dỡ bỏ.

Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới từ tháng 6 năm nay, và đang hưởng lợi lớn khi giá dầu tụt 50% chỉ trong vòng nửa năm trở lại đây.

Với dự báo rằng Trung Quốc sẽ chiếm tới ¼ tốc độ tăng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2016, cùng với mức tiêu thụ 10,9 triệu thùng/ngày trong năm 2015, vị trí nhà cung cấp số một cho Bắc Kinh sẽ giúp cải thiện nền kinh tế của 4 quốc gia trên, trong bối cảnh nguồn ngân sách của họ bị thâm hụt nghiêm trọng do giá dầu giảm sâu trong thời gian qua.

“Trong một thị trường mà cung đang vượt cầu như hiện nay, chiếc bánh Trung Quốc sẽ ngày càng khó nhằn hơn cho bất cứ nhà sản xuất nào”, Victor Shum – phó chủ tịch hãng tư vấn HIS Inc cho biết.

Iran, quốc gia từng là nhà sản xuất lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trước khi bị Mỹ và phương Tây cấm vận tuyên bố rằng họ sẽ “mở van hết cỡ” ở bất cứ giá nào nhằm kiếm lại thị phần đã mất. Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của quốc gia Hồi giáo này.

“Cái mà Iran đang chờ đợi có thể trở thành sự thực”, Hong Sung Ki – chuyên gia phân tích cao cấp tại Samsung Future Inc cho biết. “Nguồn cung dầu của họ sẽ gần như sẽ được đẩy mạnh từ năm sau, khi lệnh cấm vận nước này bắt đầu được dỡ bỏ, trong khi đó Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới”

Cuộc đua trở nhà nhà cung cấp dầu số một cho thị trường Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt

Nguồn cung từ Nga.

Dầu mỏ và khí đốt chiếm tới một nửa nguồn thu ngân sách của Nga. Tuy nhiên giá dầu giảm sâu đã góp phần khiến đồng Rub mất giá mạnh trong 1 năm qua, cho thấy sự mong manh trong nền kinh tế của nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới này. Mặc dù vậy Nga vẫn có những ưu thế nhất định so với những nhà sản xuất khác trong cuộc đua này.

Một đường ống trực tiếp từ miền bắc Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh sản lượng dầu thô khu vực Viễn Đông của Nga. Vận tải đường biển cũng là một lợi thế dựa trên khoảng cách gần về địa lý từ cảng xuất khẩu Kozmino ở miền đông Nga tới Trung Quốc.

“Nga là đối thủ lớn nhất của Angola”, Tushar Tarun Bansal – chuyên gia phân tích dầu mỏ tại hãng tư vấn FGR cho biết. “Nga, thông qua vận tải đường ống và đường biển có thể lấy được vị trí thứ hai trong cuộc đua này”.

Trong khi đó, Angola, quốc gia mà dầu mỏ chiếm tới 70% ngân sách cần cắt giảm chi tiêu và tìm những cách thức khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tránh phụ thuộc vào sự bất ổn của giá dầu, thống đốc ngân hàng Trung ương nước này- ông Jose Pedro de Morais cho biết hồi đầu tháng.

Lợi thế vận tải.

“Dầu từ Angola chỉ có thể đi tới Trung Quốc qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi”, Umang Parikh – chuyên gia phân tích của BMI Resarch cho hay. “Trong khi đó, dầu Iran chỉ phải di chuyển ở khoảng cách ngắn hơn nhiều cho nên sẽ có những lợi thế nhất định so với đối thủ châu Phi”.

Tuy nhiên dầu Angola vẫn có những ưu điểm riêng để duy trì vị thế của nó. Theo FGE, dầu thô của Angola có hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn giúp chi phí chế biến giảm đáng kể so với các nhà sản xuất Trung Đông.

Trong khi đó, vị trí độc tôn của Ảrập Xêút trên thị trường Trung Quốc khó có thể bị ảnh hưởng, trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ thế giới đang hồi phục sau 5 tháng liên tục ở mức thấp.

“Nhu cầu đang hồi phục, đặc biệt ở Trung Quốc và châu Á”. “Ảrập Xêút đã sẵn sàng cung cấp dầu cho Trung Quốc ở bất cứ mức cầu nào”, bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ảrập Xêút Ali al-Naimi cho biết hồi tháng trước.

“Mọi nhà sản xuất đều muốn chiếm lấy thị phần và tối đa hóa lợi nhuận nhằm giảm nhẹ tác động của giá dầu thấp”, Virendra Chauhan – chuyên gia tư vấn cao cấp tại Energy Aspects Ltd cho hay. “Đã qua rồi thời kỳ hoàng kim của những nhà sản xuất dầu mỏ. Bây giờ thị trường chỉ còn là cuộc chơi của những nhà tiêu thụ”, ông cho biết.

Nghi Điền (Theo Bloomberg)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến