Chiều tối ngày 7/11, mặc cơn mưa đông rét mướt, rất đông bạn bè, đồng nghiệp và người yêu hội họa đã đến Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam để chiêm ngưỡng những tác phẩm đặc sắc trong triển lãm “Đất và Dó” của hai họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn và Lý Trực Sơn.
Sức hấp dẫn “đập tan” rào cản thời tiết ấy không chỉ đến từ tên tuổi của hai họa sĩ mà còn bắt nguồn từ sự kỳ ngộ của hai phong cách nghệ thuật, hai chất liệu khác biệt. Đây là lần thứ hai, hai họa sĩ cho người xem thấy sự hòa hợp tinh thần và vẻ đẹp giữa tranh giấy Dó và gốm trong cùng một triển lãm.
Họa sĩ Lý Trực Sơn trò chuyện với bạn bè đồng nghiệp
Đến khi bước tới tận cửa phòng triển lãm, chúng tôi vẫn không thôi thắc mắc, liệu rằng có sự lấn cấn nào khi bày hai thực thể nghệ thuật “vênh” nhau như thế trên cùng một bàn tiệc. Thế nhưng khi dạo quanh một vòng triển lãm, chúng tôi hoàn toàn thỏa mãn bởi sự dung hòa mượt mà không tì vết của đất và giấy.
Các bức tranh giấy dó nối vòng khép kín tạo thành cánh hoa ôm ấp lấy nhụy hoa là gốm. Và gốm ở bốn góc như đài hoa nâng đỡ cánh hoa giấy dó mỏng manh. Tuy nhiên sự sắp đặt khéo léo các tác phẩm trong triển lãm chỉ một phần. Phần còn lại có lẽ nằm ở tình bạn của Nguyễn Bảo Toàn và Lý Trực Sơn. Họ đã gác cái tôi nghệ sĩ sang một bên để vun vén cho mối duyên giữa tranh giấy dó và gốm.
Sự kết hợp đặc sắc giữa gốm và giấy dó
Kể về cơ duyên của cuộc kỳ ngộ này, họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn nói: “Tôi nhớ, hồi tôi mới về Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, tôi đang đứng ở góc sân thì họa sĩ Nguyễn Quân vỗ vai tôi bảo: “Toàn ơi, tôi thấy ông là thằng rất hay, Thành Chương cũng là thằng rất hay, mà sao hai ông không chơi với nhau”. Tôi bảo anh Quân rằng tôi thường chơi theo kiểu “vọng”, mình quý mến ai thì lặng lẽ quan sát họ từ xa chứ không dám lại gần. Với anh Sơn cũng vậy. Lúc mà tôi còn chưa biết gì về hội họa thì tôi đã được nghe đến tên của anh Lý Trực Sơn rồi. Ý tưởng về việc bắt tay làm một triển lãm chung đến tự nhiên như một cái duyên chứ không hẳn là tôi theo dõi thấy cách làm việc của anh Sơn giống tôi mà đi đến quyết định đó”.
Còn họa sĩ Lý Trực Sơn tâm sự: “Tôi hâm mộ gốm Nguyễn Bảo Toàn. Thật may mắn chúng tôi là bạn. Khi ông đưa ra ý tưởng làm triển lãm chung cách đây hai năm tôi rất hào hứng mà cũng lo. Hòa điệu với nghệ sĩ khác luôn khó khăn. Tương thích và làm đẹp lẫn nhau với Toàn càng là thử thách lớn. Gốm của Toàn hơn cả độc đáo, chúng kỳ lạ mà quen thuộc, vừa như nghìn năm tuổi vừa như mới mẻ, kỹ lưỡng mà không cầu kỳ, trau chuốt đến mức mộc. Chúng bộc lộ bản năng thẩm mỹ rất mộc của tác giả. Với giấy dó và màu tự nhiên tôi muốn góp một làn gió trên đất đai Nguyễn Bảo Toàn, hoặc thêm một hòa âm trên những nét nhạc đẹp của ông”.
Hai họa sĩ nhuần nhị hòa vào nhau như hai dòng nước đúng như một người bạn thân của cả hai, họa sĩ Nguyễn Quân chia sẻ: “Điểm gặp gỡ giữa hai người bạn của tôi là tinh thần cập nhật tiếp cận với đời sống nghệ thuật hiện đại mà không bị chao đảo bởi những cơn sóng trào lưu. Sự mộc mạc, chân thành đến tinh vi, tế nhị, sâu sắc đến đơn giản, đó là điều rất khó trong nghệ thuật mà hai anh đạt được. Nguyễn Bảo Toàn và Lý Trực Sơn như hai dòng sông, còn triển lãm như một khúc quanh mở ra một phong cảnh khác biệt đầy thu hút”.
Tuy vậy, hòa nhập nhưng không hòa tan, người xem vẫn nhận ra bản sắc riêng của từng nghệ sĩ. Với Nguyễn Bảo Toàn, 45 tác phẩm không chỉ thuần túy là tác phẩm gốm mà ông đã tạo dựng cả một không gian dẫn dắt người xem đến với gốm - những gì gần gũi như: bình, vại, chum, hình tượng con vật… và đặc biệt là những tác phẩm thể hiện chân dung của chính ông.
Còn Lý Trực Sơn quay trở lại với giấy Dó truyền thống và tìm hiểu một lối vẽ mới. Trong triển lãm lần này, Lý Trực Sơn sẽ giới thiệu các tác phẩm thể nghiệm sâu sắc về ngôn ngữ trừu tượng như: Metamorphose (chuyển thân), Earth’s Flower (hoa đất), Bloosom in the Vacuum (nở trong không gian), Dzo Blue (Dó xanh), Trembling space (không gian run rẩy), The Magnitude (cái to lớn), những tác phẩm được vẽ trên giấy Dó bằng màu tự chế từ cây, cỏ, hoa, lá.
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm:
Nguyễn Bảo Toàn (sinh năm 1950) là họa sĩ đa năng, ông tạo hình trên nhiều chất liệu và thể loại nghệ thuật. “Đất qua lửa” là cách Nguyễn Bảo Toàn gọi tên chất liệu gốm – chất liệu đã mang lại nhiều thành công cho ông. Gốm của ông bình dị, mộc mạc, hồn hậu nhưng mang vóc dáng đương đại. Lý trực Sơn (sinh năm 1949) được biết đến với vai trò là một họa sĩ sơn mài đầy kinh nghiệm tại Việt Nam. Trong nhiều năm tìm hiểu và gắn bó với thể loại tranh sơn mài truyền thống, ông đã không ngừng sáng tạo để làm nên những điểm khác biệt trong nghệ thuật sơn mài của mình. Triển lãm nghệ thuật “Đất & Dó” sẽ mở cửa cho quan khách đến tham quan đến hết ngày 11/11/2017. |
Mạnh Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy