Dòng sự kiện:
Đa cấp thời mạt vận
12/09/2016 14:12:47
ANTT.VN – Sau hàng loạt các vụ lừa đảo có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp bị phanh phui như vụ Liên kết Việt, MB24…, nhiều công ty bán hàng đa cấp bị Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) ra quyết định xử phạt và thu hồi giấy phép, thời gian gần đây hoạt động kinh doanh đa cấp có chiều hướng im lìm. Nhiều người cho rằng loại hình kinh doanh này đã đến thời kỳ mạt vận ở Việt Nam…

Tin liên quan

Điểm lại các giai đoạn thăng trầm của kinh doanh đa cấp ở Việt Nam

Kinh doanh tiếp thị mạng lưới (tiếng Anh: multi-level marketing: tiếp thị đa cấp; hoặc network marketing: kinh doanh theo mạng) hay bán hàng đa cấp là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không thông qua hệ thống phân phối (đại lý, cửa hàng bán lẻ), đồng thời sử dụng chính khách hàng làm kênh phân phối sản phẩm, thông qua cơ chế: người dùng trước giới thiệu đến người dùng sau và hưởng lợi nhuận từ việc giới thiệu đó.

Trên thế giới, kinh doanh đa cấp được chấp nhận về mặt luật pháp từ năm 1979. Tuy nhiên cho đến nay lĩnh vực này vẫn còn gây nhiều tranh cãi, bởi vì nhiều công ty kinh doanh theo hình thức này đã có dấu hiệu lừa đảo.

Còn nhớ những năm 1999 - 2000, khi đa cấp bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam, nó đã “làm mưa làm gió” ngay những năm đầu tiên. Đây được coi là giai đoạn cực thịnh của đa cấp ở Việt Nam với những công ty bán hàng đa cấp đầu tiên như Sinh Lợi, Tân Hưng Vương, Hưng Thời Đại, Sáng Thế kỷ…

Theo Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam, đến thời điểm cuối năm 2004, tại Việt Nam đã có khoảng 20 công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu về ngành chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp.

Thế nhưng phải đến ngày 01/7/2005, Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành trong đó mới có những điều khoản đầu tiên quy định về bán hàng đa cấp.

Do vậy giai đoạn này đã có nhiều người thiếu thông tin đã bị sập bẫy lừa đảo các công ty nói trên, mất tiền và kéo theo nhiều người thân quen khác mất tiền theo. Đây cũng chính là giai đoạn mà hoạt động bán hàng đa cấp bị báo chí “đánh” cho tơi tả.

Hoạt động bán hàng đa cấp luôn thu hút rất đông người tham gia (ảnh minh họa)

Các vụ việc báo chí phản ánh về nhiều người phá sản, mất nhà mất cửa, nhiều gia đình ly tán vì đa cấp, người dân bắt đầu có cái nhìn đầu tiên về loại hình kinh doanh dễ bị lợi dụng để lừa đảo này.

Năm 2005 được coi là dấu mốc quan trọng của kinh doanh đa cấp, đánh dấu bằng sự ra đời của Nghị định (NĐ) 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) và Thông tư số 19/2005/TT-BTM ngày 08/11/2005 của Bộ Thương Mại hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp. Tuy nhiên vì hoạt động kinh doanh này còn quá mới mẻ ở Việt Nam cho nên những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên nói trên vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Sau dấu mốc này, năm 2006 - 2007 được xem là giai đoạn phục hồi của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, khi mà hàng loạt các công ty tăng dần doanh số sau giai đoạn bị báo chí và dư luận đánh tơi tả và tẩy chay.

Nếu như giai đoạn trước, BHĐC bắt buộc phải thông qua một sản phẩm nhất định nào đó (thường là thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm chăm sóc sắc đẹp) thì giai đoạn này hoạt động BHĐC bắt đầu có biến tướng: kinh doanh dưới hình thức các quỹ đầu tư tài chính.

Các cty BHĐC vẽ ra một dự án đầu tư về dầu mỏ hay tổ hợp giải trí nào đó, được thổi phồng là có trụ sở ở Mỹ hoặc các nước phát triển rồi kêu gọi người Việt Nam đầu tư, mỗi người mở một acount (tài khoản), nộp một khoản tiền tương ứng với số lượng cổ phiếu ảo, sau đó rủ rê lôi kéo những người khác cũng tham gia đầu tư mạng lưới ảo này và hưởng lợi từ việc lôi kéo đó. Điển hình cho các công ty đa cấp giai đoạn này là Colony Invest, Diamond Holiday Travel, MB24, Tâm Mặt Trời...…

Theo đánh giá của cơ quan điều tra, hành vi phạm tội  của các đối tượng trong "tập đoàn" Diamond Holiday là một trong những thủ đoạn lừa đảo điển hình của tội phạm công nghệ cao lợi dụng loại hình kinh doanh đa cấp. Trong 2 năm 2010 - 2011, tập đoàn lừa đảo này đã "làm mưa làm gió" trên mạng internet, lôi kéo gần 90.000 người nhẹ dạ khắp cả nước tham gia, thu lợi trên 70 tỉ đồng. Đặc biệt, các đối tượng chính trong vụ án đã ra nước ngoài móc nối, cấu kết chặt chẽ với tội phạm là người nước ngoài hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia…

Tinh vi hơn Diamond Holiday là hình thức bán hàng đa cấp dưới vỏ bọc sàn thương mại điện tử của Công ty CP trực tuyến MB24 bị triệt phá năm 2012. Theo cơ quan điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2012, các đối tượng cầm đầu cty đa cấp lừa đảo này đã bán được 121.349 gian hàng ảo với số tiền trên 631 tỷ đồng. Sau đó, chúng đã rút tiền chiếm đoạt của các hội viên gần 31 tỷ đồng để tiêu xài cá nhân.

Lúc này loại hình kinh doanh đa cấp đã đạt được một số con số ấn tượng. Tính đến tháng 6/2011, theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam đã có 63 doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Năm 2013, Việt Nam có hơn 1 triệu người bán hàng đa cấp.

Còn theo số lượng mới nhất, tính đến thời điểm 02/3/2016, Cục QLCT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho 67 công ty. Số lượng người tham gia vào hoạt động BHĐC ở Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu người.

Đa cấp ở Việt Nam hiện nay: Mạt vận hay tiếp tục biến tướng??

Trao đổi với ANTT.VN, một chuyên gia kinh tế cho biết: Có thể nói giai đoạn này là thời kỳ mạt vận của hình thức kinh doanh đa cấp kiểu cũ, thông qua sản phẩm và lôi kéo rủ rê người tham gia, bắt đóng trước một khoản tiền… Hiện nay, với sự ra đời của các văn bản pháp luật, mới nhất là Nghị định 42CP đã quy định và ràng buộc nhiều điều khoản chi tiết, một số công ty BHĐC bộc lộ nhiều sai phạm đã bị đào thải để thanh lọc môi trường kinh doanh, tuy nhiên hiện vẫn còn một số các công ty khác biến tướng tinh vi hơn.

Theo ông N.A.H – một người đã từng tham gia hoạt động đa cấp hơn 10 năm ở Hà Nội, đi từ các vị trí nhân viên kinh doanh đến giám đốc đào tạo, cố vấn chiến lược của một số cty đa cấp nổi tiếng như Vision, Winalite, Hoằng Đạt…, thì giai đoạn từ 2014 trở lại đây, hoạt động đa cấp ở Việt Nam chuyển sang giai đoạn kinh doanh dưới hình thức đầu tư tài chính trá hình.

“Nó là bản nâng cấp của mô hình Colony Invest Travel nên tinh vi hơn nhiều. Tôi khẳng định đa số các quỹ đầu tư tài chính này là ảo, bởi vì nếu nó là quỹ đầu tư uy tín thì không việc gì phải huy động vốn qua đa cấp, và cũng không có doanh nghiệp làm ăn chân chính nào có khả năng chi trả lãi suất đến mấy chục phần trăm như vậy” – ông N.A.H nói.

Điển hình cho các mô hình này là: website Lucky funs, dự án “thương mại điện tử MYOK” mà nổi cộm nhất là mô hình Liên kết Việt.

Chủ tịch tập toàn Liên kết Việt Lê Xuân Giang (áo xanh) trước khi bị bắt

Gần đây nhất, ngày 19/02/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố 7 bị can là lãnh đạo và tổng đại lý của Công ty Liên Kết Việt. Theo cơ quan chức năng, từ năm 2014 đến tháng 7/2015, đa cấp Liên kết Việt lừa đảo 45.000 người tại 21 tỉnh thành trong cả nước, tổng số tiền thu được trên 1.900 tỷ đồng. Thủ đoạn thu hút hàng ngàn người được công ty này vận dụng đó là hứa hẹn trả mức hoa hồng “khổng lồ” cho những người tham gia mạng lưới Liên kết Việt – một cách thức quen thuộc của đa cấp lừa đảo, thu lời bất chính.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin tại:

Bài 2: Đột nhập “ổ đa cấp biến tướng” khẳng định đầu tư 2 tháng thu 480 triệu và 60 chỉ vàng.

Minh Minh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến