Đã có đề nghị phá giá đồng tiền Việt Nam mạnh hơn nữa
11/06/2015 10:49:54
Nhưng điều hành tỷ giá phải cân nhắc giữa được và mất - là ý kiến của Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã nói như vậy.

Tin liên quan

Trao đổi với phóng viên xung quanh sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và dư luận về câu chuyện điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là những phân tích cho rằng đồng tiền Việt Nam đang bị “neo” cao hơn giá trị thật ít nhất 10%, đại biểu Cao Sỹ Kiêm dự đoán rằng từ nay đến cuối năm sẽ không có đợt điều chỉnh tỷ giá nào nữa.

Ông Kiêm nói: Nếu nói về cách tính tỷ giá, so sánh giữa đồng tiền Việt Nam với các đồng tiền khác trên thế giới thì rõ ràng về sức mua, về cách tính, cũng như trên thực tế thì đồng tiền của chúng ta cao hơn với đồng tiền thế giới.

Có người thì nói đồng tiền Việt Nam cao hơn giá trị thật 10%, có người nói cao hơn và có nơi nói là thấp hơn con số ấy, nhưng nhận định chung là cao hơn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa hưởng lợi nhiều dù tỉ giá USD tăng nhưng trước mắt các doanh nghiệp nhập nguyên liệu gặp khó. Ảnh: Thanh Tùng

Trong thời gian gần đây, các đồng tiền khác sụt giá so với USD, nhưng đồng tiền Việt Nam lại cao giá hơn. Điều này đã gây ra bất lợi trong xuất khẩu.

Tuy nhiên, tỷ giá như vậy lại có lợi khi Việt Nam phải trích ngân sách để trả nợ vay (hiện nay chúng ta nợ khoảng 20 tỷ USD bằng ngoại tệ, trong đó USD chiếm phần quan trọng).

Nếu chúng ta nới tỷ giá ở mức sâu hơn thì cái khoản lỗ tỷ giá (như Việt Nam từng lỗ tỷ giá hàng chục ngàn tỷ - PV) sẽ rất lớn. Ngoài ra, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư cũng hưởng lợi từ tỷ giá hiện tại.

Như vậy, khi điều hành tỷ giá thì phải chiếu cố ở nhiều khía cạnh: một, phải khuyến khích được xuất khẩu; hai, phải hạn chế nhập khẩu; ba, phải đảm bảo khuyến khích sản xuất trong nước.

Tỷ giá phải bám sát lạm phát, lạm phát dâng lên thì tỷ giá phải nâng lên, lạm phát hạ xuống thì tỷ giá cũng phải hạ xuống.

Do vậy, trong thời gian qua tôi nghĩ việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước luôn hướng đến việc ổn định vĩ mô là chủ yếu. Vì vậy, tỷ giá đồng Việt Nam luôn giữ ở mức ổn định.

Thưa ông, nhưng rõ ràng việc “neo” tỷ giá như vậy cũng ảnh hưởng khá lớn đến một số ngành kinh tế như du lịch giảm sút khá nghiêm trọng, xuất khẩu khó khăn?

Đúng là sự giảm sút trong ngành du lịch có nguyên nhân từ tỷ giá. Khi nhiều nước phá giá đồng tiền và chúng ta giữ ổn định tỷ giá thì khách du lịch quốc tế sẽ lựa chọn quốc gia khác có lợi hơn về tỷ giá.

Chính vì vậy, trong điều hành tỷ giá thì phải tính toán xem mình chấp nhận hy sinh cái gì, chọn mục tiêu nào lớn hơn, so sánh xem cái nào lợi hơn.

Tôi biết hiện nay có một số ý kiến của anh em trong giới khoa học đề nghị phá giá đồng tiền Việt Nam mạnh hơn nữa. Nếu tiếp tục điều chỉnh tỷ giá theo hướng nới rộng ra thì sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu, nhưng tôi cho rằng vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu hiện nay không phụ thuộc nhiều vào tỷ giá nữa mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm xuất khẩu và thị trường.

Mục tiêu của chúng ta giữ ổn định vĩ mô, củng cố sức mua của đồng tiền Việt Nam bằng cách giữ ổn định tỷ giá.

Thưa ông, trong điều hành chính sách tiền tệ, Chính phủ tuyên bố giữ ổn định nhưng cũng nói rằng phải linh hoạt. Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá ở mức 2%, vậy từ nay đến cuối năm nhiều nước tiếp tục phá giá đồng tiền thì Việt Nam có nên điều chỉnh?

Thống đốc tuyên bố chỉ điều chỉnh tối đa 2% trong năm và từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh ở mức này.

Tôi nghĩ rằng cam kết như vậy là để chúng ta ổn định tình hình, và khi trên thế giới có biến động lớn về tỷ giá các đồng tiền so với USD như vậy thì chúng ta đã sử dụng hết 2% cho phép là để các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động trong làm ăn.

Tôi nghĩ rằng nếu tình hình tiếp tục chuyển biến theo hướng từ đầu năm đến nay, tức là nhiều nước tiếp tục chính sách phá giá đồng tiền thì buộc chúng ta cũng phải tiếp tục điều chỉnh.

Tuy nhiên, có thể tỷ giá đồng Việt Nam chỉ được điều chỉnh vào đầu năm 2016, vì nếu từ nay đến cuối năm tiếp tục điều chỉnh nữa thì sẽ làm mất niềm tin của thị trường.

Tôi cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá 2% trong thời gian qua là cách điều hành linh hoạt chứ không phải là khuyết điểm.

Theo Tuổi Trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến