Giám đốc doanh nghiệp nói về việc dọa 'tát gãy răng nhà báo'
11/06/2015 07:56:45
Liên quan đến vụ Phóng viên Quốc Cường của báo Dân Trí bị ông Nguyễn Tăng Cường – Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung dọa đánh, để rộng đường dư luận, Báo Pháp Luật Việt Nam đã có cuộc gặp trao đổi với ông Cường.

Tin liên quan

Thưa ông, xin ông vui lòng cho biết chi tiết vụ việc?

Ông Nguyễn Tăng Cường: Lúc 10h30' ngày 03/06/2015, có một người gọi đến điện thoại của tôi và đề nghị gặp để phỏng vấn xoay quanh việc thi công cầu treo Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Do đang đi công tác dài ngày nên tôi không thể sắp xếp ngay cuộc gặp. Tuy nhiên phóng viên này cứ “xin ít phút, hỏi mấy câu” rồi hỏi dồn về chất lượng thi công cầu treo Chợ Mới.

Khởi công xây dựng cầu treo Chợ Mới

Tôi có yêu cầu nếu anh muốn lấy thông tin thì đăng ký nội dung tôi sẽ trả lời sau, nhưng người này cứ tiếp tục hỏi xoáy. Lúc này tôi có hỏi lại rằng báo chí phục vụ cho chủ trương của Đảng hay phục vụ cho tổ chức, cá nhân nào. Nếu anh là nhà báo đàng hoàng thì anh cứ đến doanh nghiệp để làm việc nhưng anh kia cứ tiếp tục hỏi dồn.

Do mới đi mổ nội soi phế quản nên tôi phải hạn chế nói chuyện theo chỉ định của bác sĩ. Mà anh kia thì cứ liên tiếp qui chụp, bảo tôi làm cầu cho dân đi mà sao chất lượng kém thế. Trước hết, tôi không biết anh ta là ai, là nhà báo thật hay nhà báo giả, anh ta cũng không phải là cơ quan chuyên môn để đủ tư cách thẩm định chất lượng công trình của tôi.

Vì vậy, tôi cảm thấy bị dồn ép và nổi nóng bảo anh ta là bất lịch sự và “nếu anh ngồi trước mặt tôi thì tôi đã đấm anh một cái”.

Toàn bộ sự việc là như vậy nhưng anh này lại chỉ dùng một đoạn câu nói đó để cho rằng tôi đe dọa xúc phạm nhà báo.

Nhân đây, tôi xin chia sẻ vấn đề mà giới doanh nghiệp chúng tôi thường gặp phải. Từ 3 năm trở lại đây, mỗi ngày tôi tiếp nhận từ 30 – 40 cuộc gọi của những người tự xưng là báo chí mà chúng tôi không biết họ là ai. Một số người gọi đến với yêu sách này nọ, gây phiền nhiễu.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, mục tiêu của chúng tôi là ổn định doanh nghiệp và tìm cách phát triển, nếu cứ trả lời hết các cuộc gọi thì tôi không thể làm việc được.

Trở lại vấn đề phỏng vấn của nhà báo Quốc Cường, tôi cho rằng cách làm việc như vậy là không đúng nguyên tắc. Nếu anh là nhà báo, muốn lấy thông tin anh phải đến đưa thẻ nhà báo và giấy giới thiệu để doanh nghiệp bố trí lịch làm việc. Còn phỏng vấn qua điện thoại thì làm sao doanh nghiệp có thể trả lời ngay được.

Thêm vào đó, cách phỏng vấn của anh này khiến tôi thấy mình không được tôn trọng, bị xem như nghi phạm đang bị hỏi cung. Tôi cảm thấy bị xúc phạm và bức xúc với nhiều câu hỏi tiêu cực dồn dập.

Phỏng vấn cũng là một nghệ thuật, nếu anh đến với tôi bằng tinh thần cầu thị, lấy thông tin phục vụ cho nhu cầu độc giả thì anh đã không có thái độ và cách đặt câu hỏi thiếu tôn trọng như vậy. Và nếu nhà báo này cư xử khác thì việc tôi nổi nóng đã không xảy ra.

Liên quan đến vấn đề mà nhà báo Quốc Cường đặt ra, ông trả lời như thế nào về chất lượng thi công cầu treo Chợ Mới, nó có thực sự bị lún, sụt như phản ánh?

Chương trình 186 cầu treo dân sinh cho các tỉnh miền núi phía Bắc là một chương trình lớn của Chính Phủ. Có thể nói Quang Trung đã có công trong việc đưa các công trình cầu treo hiện đại đến cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, Quang Trung đã xây dựng các cầu treo được mạ để đảm bảo chất lượng và độ bền, trong khi trước đây các cầu treo chỉ có dùng sơn nên mỗi năm mỗi xuống cấp và bị rỉ, chất lượng không đảm bảo. Ngoài ra, các khoan treo, khóa cáp cũng được cải tiến với chất lượng tốt hơn.

Cây cầu treo Chợ Mới ở Bắc Kạn mà nhà báo Quốc Cường đề cập bị sụt lún ở hai đầu cầu là công trình chưa bàn giao, đang chờ lún tự nhiên. Khi nhà báo này đến đây, cầu treo Chợ Mới đang trong quá trình thi công, chưa lắp neo sàn và cáp chống gió.

Cầu treo Chợ Mới nằm trong khu vực rừng núi, không thể đưa máy móc hiện đại đến được nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm thi công đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Bộ Giao thông Vận tải là nhanh nhất, tiết kiệm nhất, chất lượng nhất. Cầu chỉ sử dụng cho người đi bộ và phương tiện xe thô sơ nên chỉ làm kè và đắp đất tự nhiên, chờ lún.

Nếu trong trường hợp tôi đã bàn giao, người dân chưa đi mà đã hỏng thì anh chất vấn tôi là đúng. Tôi không phủ nhận vai trò của báo chí trong việc phản ánh các vụ việc liên quan đến dân sinh – xã hội, báo chí đã góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, qua sự việc này, một mặt tôi rút kinh nghiệm về sự nổi nóng của mình nhưng cạnh đó tôi cũng đề nghị các cơ quan quản lý báo chí nên kiểm soát cách tác nghiệp của nhà báo theo đúng quy trình và đúng nguyên tắc để báo chí vừa thực hiện tốt vai trò của mình đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo baophapluat.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến