Đã đến lúc hợp nhất VAMC và DATC?
06/10/2015 13:51:58
ANTT.VN – Khẳng định việc thành lập Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để xử lý nợ xấu là một cách làm đúng, song chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng chỉ ra nhiều điểm bất cập liên quan đến “thể chế” với mô hình VAMC hiện nay. Vị chuyên gia đưa ra khuyến nghị nên sáp nhập VAMC và DATC (Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp), đồng thời, nâng nó lên thành một thể chế đặc biệt.

Tin liên quan

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh

Nhận VAMC về mình, NHNN đã dại?

“Xã hội đang hiểu nợ xấu theo một cách rất hay: Nợ xấu là của ngân hàng, nợ xấu là do lỗi của ngân hàng và vì vậy thì ngân hàng đi mà chịu trách nhiệm”, TS. Vũ Đình Ánh thẳng thắn bày tỏ.

Lý giải về cách nhìn thiếu toàn diện của công chúng, ông Ánh lấy ra một ví dụ điển hình nhất, ví dụ liên quan đến VAMC – công cụ được coi là cứu cánh của công cuộc xử lý nợ xấu.

“VAMC được lập ra để xử lý nợ xấu mà VAMC lại thuộc Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, suy ra rằng nợ xấu là của khối ngân hàng. Thế thì ngân hàng đi mà xử lý, còn doanh nghiệp, họ cười khẩy”, ông viện dẫn phép toán bắc cầu và chỉ ra một thực tế trái ngang cho các tổ chức tín dụng: “Mà ở nước ta, hệ thống pháp luật đang bảo vệ cho những người yếu thế, tức là bên đi vay. Doanh nghiệp là đơn vị sản xuất kinh doanh, tất nhiên là phải hơn bên làm dịch vụ, nhất lại là buôn tiền như ngân hàng. Vậy thì chết ông ngân hàng rồi”.

Khúc mắc lớn nhất để hoạt động của VAMC đi vào thực tiễn và xử lý có hiệu quả các khoản nợ xấu chung quy lại vẫn nằm ở câu chuyện “THỂ CHẾ”. Rất nhiều ý kiến đã lên tiếng, kể cả chính từ các lãnh đạo của VAMC là phải sửa luật, phải ban hành nghị quyết, phải ra quyết định, phải tạo hành lang pháp lý,… phải cho VAMC một “CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT”.

Nhưng tại sao Quốc hội phải họp để ra một cơ chế đặc biệt cho VAMC khi mà về danh nghĩa VAMC chỉ là một Tổng công ty của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng giống như các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ khác như EVN hay PVN. “Hai tập đoàn này có quan trọng không? Rõ ràng là rất quan trọng nhưng làm gì có chuyện Quốc hội phải ngồi họp để ra cơ chế cho EVN hay PVN”, ông Ánh nói.

Vị chuyên gia cảm thán: “Tức là với mô hình của VAMC hiện nay (trực thuộc NHNN – PV) thì về mặt thể chế, chúng ta là ai? Nó khổ thế đấy!”.

Đã đến lúc hợp nhất DATC và VAMC?

Bàn về chuyện hợp tác giữa VAMC và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC - thuộc Bộ Tài chính) theo thông tin mới được Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng công bố, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng về mặt danh nghĩa, VAMC và DATC là bình đẳng nên VAMC không thể bắt DATC phải “chơi với mình” nếu như họ không muốn.

Do đó, để 2 bên có thể “bắt tay” nhau, chúng la lại phải “đẻ” ra một cái văn bản nữa gọi là cơ chế hợp tác giữa hai cơ quan. Rồi lại còn phải lập thêm một bên thứ ba hay một kênh để giám sát cơ chế phối hợp ấy.

“Thế này thì chết. Làm luật cũng chết mà tổ chức cũng chết!”, vị chuyên gia thêm một lần cảm thán.

“Vậy thì tại sao chúng ta không nghĩ đến phương án nhập nó vào làm một (VAMC và DATC – PV)”, ông hiến kế.

Đã đến lúc hợp nhất DATC và VAMC?

TS. Vũ Đình Ánh chỉ ra một số cơ sở cho việc sáp nhập 2 tổ chức mua bán nợ của Bộ Tài chính và NHNN:

Thứ nhất, về mặt chức năng, cả hai cùng có chung một chức năng là để xử lý nợ và nợ xấu. Nếu DATC là để xử lý nợ, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN); thì VAMC là để xử lý nợ, nợ xấu cho các ngân hàng, trong đó chủ yếu là nợ của các doanh nghiệp bao gồm cả DNNN.

Thứ hai, xét theo đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD và chủ trương tái cơ cấu DNNN thì nhiệm vụ trọng tâm của cả hai cũng đều là “xử lý nợ, nợ xấu” và công cụ chính cũng là VAMC và DATC.

“Tại sao chúng ta không hợp nhất VAMC và DATC. Và khi đó, vấn đề xử lý nợ xấu, không phải của riêng một bộ ngành nào hết. Chúng ta nâng nó (tổ chức sau hợp nhất – PV) lên thành một thể chế đặc biệt, lúc ấy anh toàn quyền có cơ chế đặc biệt”, TS. Ánh phân tích.

“Tư duy xử lý nợ của chúng ta đang có vấn đề”

“Dường như chúng ta đang xây dựng một thị trường chỉ để xử lý cái “cục nợ” hiện nay: nợ xấu ở VAMC, nợ xấu nằm ở các ngân hàng và một ít nợ xấu ở các dự án BĐS”, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ.

Ông đặt ra câu hỏi: Tại sao không tư duy hẳn một bước dài?

Chúng ta có thể sẽ hình thành môt khuôn khổ thế chế, cơ chế, cả người mua và người bán, cả nhà đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài, tồn tại vĩnh viễn cùng nền kinh tế Việt Nam.

Tại sao chúng ta không nghĩ đến câu chuyện chứng khoán hóa các khoản nợ? Tại sao bàn về thị trường mua bán nợ mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cứ như không liên quan?...

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khép lại vấn đề: Không phủ nhận cái chúng ta đạt được đến thời điểm này là thành công, hệ thống ngân hàng từ bờ vực “sống – chết” cuối năm 2011 đã chuyển sang trạng thái “tốt - xấu”. Nhưng vấn đề là chúng ta phải nhìn về phía trước.

“Và nhìn về phía trước thì phải đặt mọi thứ vào đúng vị trí của nó và có tầm nhìn”, ông nói.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến