Tin liên quan
Theo thông tin từ Sở kế hoạch – đầu tư tỉnh Khánh Hòa, ngày 11/04 vừa qua, ông Nguyễn Đức Chi – Tổng giám đốc CTCP Khu du lịch Champarama đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc công ty đã thanh toán xong cho Công ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC) số tiền 150 tỷ đồng cho khối lượng công việc có tổng giá trị 51,6 tỷ mà BMC đã thi công tại dự án Rusalka theo bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).
Ông Nguyễn Thanh Hiếu -Phó Tổng giám đốc Công ty BMC (bên phải) tại buổi lễ ký nhận thanh toán ngày 31/3
Dự án Champarama Resort & Spa được cấp phép trên chính khu đất thuộc dự án Khu du lịch Rusalka (Rusalka, tiếng Nga gọi là Nàng tiên cá), trước đây đã được cấp cho Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) từ năm 2000, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD.
Tuy nhiên, vào năm 2005, khi dự án đang triển khai thì dự án bị kê biên như là “vật chứng của vụ án chống tham nhũng trọng điểm”, công RIT bị cưỡng chế giải thể nên khoản công nợ với BMC chưa được thanh toán.
Năm 2010, Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên trả tài sản cho ông Nguyễn Đức Chi theo quyết định Giám đốc thẩm.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Khu du lịch Champarama triển khai dự án mới có tên là dự án Khu nghỉ mát Champarama (Champarama Resort & Spa) với phạm vi dự án, quy mô và các hạng mục đầu tư như của dự án Rusalka trước đây. Công ty này kế thừa trách nhiệm thanh toán công nợ cho BMC trước đây.
Theo quy hoạch đã đc UBND tỉnh phê duyệt, dự án Champarama (Nữ hoàng Champa) có hơn 2.300 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với các biệt thự hướng biển có hồ bơi và sân vườn riêng, nằm trong thung lũng gần 45 hecta, bao gồm: khu B rộng 28,8ha, khu C rộng 15,61ha (không bao gồm diện tích mặt nước biển liền kề).
Dự án Champarama được phê duyệt xây dựng trên diện tích gần 45ha
Mục tiêu của dự án là xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp; thực hiện trên cơ sở xây dựng mới và cải tạo một số công trình đã xây dựng dở dang của dự án Khu nghỉ mát Rusalka trước đây.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Đức Chi gửi Sở KH&ĐT, khu C (đã được đầu tư dang dở từ năm 2005) sẽ được chủ đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác trước ngày 1/5/2017. Trung tâm phát triển quỹ đất TP Nha Trang đang lập hồ sơ đền bù giải tỏa khu B gần 30ha.
Chủ đầu tư sẽ đưa vào khai thác khu C rộng hơn 15ha trước tháng 5/2017
Chủ đầu tư dự án Champarama lần này mong muốn sớm được giao quỹ đất để hoàn thành đầu tư khu B theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2019.
Được biết, ngoài dự án Champarama, ông Nguyễn Đức Chi đang đầu tư tổ hợp khách sạn bến du thuyền "Royal Marina" hơn 5000 phòng tại khu đô thị Vĩnh Hoà. Hiện tại công việc thi công móng 2 toà khách sạn với hơn 1700 phòng sắp hoàn tất. Khu vực phía bắc thành phố Nha Trang hứa hẹn sẽ là trung tâm du lịch hấp dẫn của thành phố với địa thế tựa núi với tầm nhìn bao quát toàn cảnh thành phố và vịnh đảo Nha Trang.
Đầu tư vào BĐS đặc biệt kinh doanh khách sạn ở Khánh Hòa là một ngành rất tiềm năng. Bởi trong một nghiên cứu mới đây của công ty BĐS Savills Việt Nam, du lịch Khánh Hòa không ngừng phát triển với 4,1 triệu lượt khách trong năm 2015. Và lượng khách du lịch đến Khánh Hòa được dự báo sẽ đạt 7,2 triệu khách vào năm 2020.
Do lợi thế của biển, môi trường trong lành và thời tiết ấm áp quanh năm, Khánh Hòa, đặc biệt là Nha Trang, một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Khách du lịch khi đến Khánh Hòa hiện nay đều muốn lưu trú lại đây dài ngày để có thể tận hưởng không khí trong lành đồng thời khám phá thiên nhiên cảnh vật nơi đây.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng du khách quốc tế cũng như thời gian lưu trú như đòn bẩy thúc đẩy dịch vụ nghỉ dưỡng ở Nha Trang. Tổng nguồn cung của các khách sạn 3-5 sao liên tục gia tăng từ năm 2010 đến năm 2015, với mức tăng trung bình 28% mỗi năm. Trong Q4/2015, thành phố đã có khoảng 10.600 phòng từ 84 khách sạn 3-5 sao, tăng 49% so với cùng kì năm trước. Khách sạn 3 sao dẫn đầu thị trường về nguồn cung, chiếm 40% thị phần, theo sau đó là 5 sao với 31% và còn lại là 29% từ khách sạn 4 sao. Nha Trang có nguồn cung khách sạn lớn nhất so với các thành phố ven biển khác có cùng điều kiện địa lý và điều kiện tự nhiên ở Việt Nam. Cụ thể, nguồn cung khách sạn 3-5 sao ở Nha Trang nhiều hơn Đà Nẵng là 40% và nhiều hơn Phú Quốc đến 320%.
Cũng theo nghiên cứu của Savills, đến năm 2020, Khánh Hòa cần có khoảng 19.200 phòng ứng với phân khúc 3 đến 5 sao để có thể đáp ứng được nguồn cầu. Tuy nhiên, nguồn cung hiện tại của các khách sạn 3 đến 5 sao là hơn 11.100 phòng. Trong vòng 5 năm tới, sẽ có thêm 28 dự án khách sạn tương lai, cung cấp hơn 6.400 phòng. Do đó, tổng nguồn cung khách sạn 3 đến 5 sao dự kiến đạt 17.600 phòng vào năm 2020; nguồn cung này sẽ không đáp ứng đủ cho nguồn cầu năm 2020. Nên có thể thấy thị trường khách sạn 3 đến 5 sao ở Khánh Hoà/ Nha Trang rất có tiềm năng phát triển.
Hiểu Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy