Dòng sự kiện:
Đà Nẵng thu hồi sổ đỏ dự án nghỉ dưỡng: Lời cảnh báo tới phân khúc condotel
03/06/2019 09:18:27
UBND TP Đà Nẵng vừa đưa ra phương án thu hồi sổ đỏ có thời hạn lâu dài đã cấp cho một dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Vừa qua, chính quyền TP Đà Nẵng đưa ra phương án thu hồi sổ đỏ có thời hạn lâu dài, đã cấp cho một dự án bất động sản nghỉ dưỡng và cấp lại sổ đỏ chỉ còn thời hạn 39 năm. 

Theo thông tin từ báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ, nhằm cập nhật một số kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp bất động sản của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dự án bị thu hồi sổ đỏ kể trên có chủ đầu tư là Công ty 586, phát triển trên đất có mục đích sản xuất - kinh doanh - thương mại - dịch vụ, trong đó có căn hộ condotel tại TP. Đà Nẵng.

Công ty này cho biết, trước đây UBND TP. Đà Nẵng (và một số địa phương khác) đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel trên đất có mục đích sản xuất - kinh doanh - thương mại - dịch vụ có thời hạn ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở, tại thời điểm năm 2008

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã kết luận về việc cấp "sổ đỏ" như trên là sai, gây thất thu ngân sách nhà nước. Thành phố Đà Nẵng đưa ra hướng sửa sai là cấp lại "sổ đỏ" (mới) tại thời điểm hiện nay (2019) với thời hạn sử dụng đất chỉ còn 39 năm (50 năm - 11 năm, tính từ năm 2008).

 

TP Đà Nẵng

 

Động thái thu hồi sổ đỏ của Đà Nẵng có thể coi như một lời cảnh báo với những dự án condotel, biệt thự biển vẫn được quảng cáo rầm rộ là sẽ được cấp sổ đỏ lâu dài. Trong những năm trở lại đây, quảng cáo condotel, biệt thự biển được cấp sổ đỏ lâu dài là chiêu câu khách khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều điểm mập mờ về pháp lý liên quan đến loại hình bất động sản này cần làm rõ.

Trả lời về vấn đề liên quan đến codotel, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, hiện nay pháp luật chưa có quy định riêng về dự án cho bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, biệt thự biển) mà cá nhân hoặc tổ chức được sở hữu riêng từng căn hộ (condotel) hoặc biệt thự.

Theo quy định, dự án du lịch sẽ được thuê đất và không được phân chia bán từng căn hộ (condotel) hoặc biệt thự. Chủ đầu tư đăng ký dự án du lịch chỉ được kinh doanh dịch vụ lưu trú. 

Để huy động vốn cho chủ đầu tư, một số địa phương như tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang,… lại giao đất với loại đất ở (và như tỉnh Khánh Hòa sáng tạo ra hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở) cho các doanh nghiệp. Từ đó, chủ đầu tư lại bán từng căn hộ (condotel) hoặc biệt thự cho khách hàng, vì họ lý luận là chủ đầu tư bán nhà ở, người mua được sở hữu lâu dài. Như vậy, việc giao đất ở cho dự án du lịch là trái với quy định Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Du lịch. Bản chất hình thức đăng ký dự án là dự án du lịch (dịch vụ lưu trú) nhưng được xây trên đất ở, bán như dự án nhà ở thương mại.

Cũng theo Luật sư Phượng, nếu đã cấp sổ đỏ lâu dài cho loại hình condotel thì phải thu hồi vì trái với quy định pháp luật.

"Một số dự án được cấp sổ cho người mua nhưng nếu xảy ra chuyện thì chắc chắn phải thu hồi các sổ này vì việc cấp sổ không đúng quy định pháp luật. Cũng có thể có nhưng họ không dám khoe sổ vì Cơ quan quản lý tại Trung ương (Thanh tra, Bộ TN&MT) sẽ kiểm tra làm rõ việc cấp sổ này có đúng pháp luật hay không đối với Cơ quan đã cấp sổ đó. Theo quan điểm cá nhân tôi, cần hoàn thiện pháp luật về bất động sản này với thời hạn là đất thuê và yêu cầu cần phải có đơn vị quản lý các bất động sản này, các dự án bất động sản này không thể đăng ký dưới dạng dụ án dự lịch và kinh doanh dịch vụ lưu trú", Luật sư Phượng cho biết.

Để cảnh báo các nhà đầu tư, Luật sư Phượng cũng cho biết, việc một số chủ đầu tư quảng cáo được sổ có thời hạn lâu dài để câu khách là hành vi vi phạm Luật Quảng cáo, hành vi lừa dối khách hàng. Trường hợp lỡ mua bán, giao dịch mà không được cấp sổ thì khách hàng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nam, hủy giao dịch thì không được, chuyển nhượng hợp đồng cho người khác thì không được công chứng thực hiện, cấp sổ thì không được.

Theo Reatimes

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến