Ngày 8/3, tại Trung tâm Hội nghị Ariyana Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm mùa Xuân 2018 (Spring 2018 Dialogue). Theo cơ quan này, đây là diễn đàn để lãnh đạo thành phố gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm lắng nghe và trao đổi những đề xuất, hiến kế, làm cơ sở cho những định hướng và quyết sách mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Sự kiện do Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì, cùng lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan gặp gỡ đại diện 500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, đại biểu đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Năm 2017 nhờ hiệu ứng của các sự kiện quan trọng, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng, hình ảnh thành phố đã được giới thiệu, quảng bá ấn tượng đến nhiều quốc gia, địa phương, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Sự kiện là diễn đàn để lãnh đạo thành phố gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm lắng nghe và trao đổi những đề xuất
Để đạt được mục tiêu là phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và công nghệ cao của Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chính quyền thành phố cũng nhận thức rõ kinh tế của Đà Nẵng đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Các chỉ tiêu phát triển chưa thật sự phù hợp, cần nghiên cứu hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Sự phát triển của ngành du lịch chưa thật sự bền vững, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức; quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư cho văn hóa, giáo dục, y tế và dịch vụ chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đô thị của thành phố. Đặc biệt, thành phố vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược có khả năng tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế thành phố.
Để đạt được những mục tiêu lớn nêu trên, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài lực và trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp bày tỏ về các nhóm vấn đề tồn tại chính đối với môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, như: Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong khu vực sản xuất công nghiệp do dịch chuyển cơ cấu kinh tế và cạnh tranh từ các địa phương lân cận; cơ sở hạ tầng giao thông.
Cụ thể là hệ thống giao thông công cộng chưa được đầu tư và triển khai hiệu quả để đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị và các vùng công nghiệp; cần tăng tính cạnh tranh đối với các chính sách ưu đãi đầu tư của Đà Nẵng để thu hút các nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, thuế và hải quan)...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất liên quan về phát triển thành phố, như: Phát triển các cụm công nghiệp chuyên sâu để tạo lợi thế so sánh cạnh tranh cho Đà Nẵng trong khu vực, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, du lịch, hoạt động quảng bá Đà Nẵng sau Tuần lễ cấp cao APEC 2017, ý tưởng phát triển thành phố thành trung tâm ươm mầm giáo dục Nhật Bản…
Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa yêu cầu lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng, vấn đề vượt cấp phải nhanh chóng báo cáo lên Trung ương
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao những nỗ lực đóng góp và chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận, góp phần chuyển dịch cơ cấu, phát triển thị trường không chỉ cho Đà Nẵng nói riêng mà còn cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả quốc gia.
Trên cơ sở đó, ông Nghĩa đề nghị lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng như: Có kế hoạch cụ thể để nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực du lịch, công nghệ cao, giáo dục và y tế; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng phát triển du lịch và công nghiệp; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải trực tiếp ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng bờ biển; minh bạch và công khai quy hoạch các vị trí đất mà thành phố đang thu hút đầu tư; thực hiện nghiêm túc công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, thủ tục đầu tư và kinh doanh…
Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền của thành phố, Bí thư Thành ủy đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành báo cáo các bộ, ngành Trung ương trong thời gian sớm nhất để có hướng giải quyết, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhâm Thân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy