Dòng sự kiện:
Đại án Ocean bank: Ai chịu trách nhiệm 800 tỷ đồng vốn góp bị mất của PVN?
03/03/2017 09:36:43
ANTT.VN – Sau khi Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, đồng nghĩa với việc PVN bị mất 800 tỷ đồng vốn góp. Ai là người phải chịu trách nhiệm về điều này?

Tin liên quan

Ông Nguyễn Xuân Sơn bị coi là có trách nhiệm lớn nhất vụ mất vốn 800 tỉ đồng của PVN

Chỉ 6 tháng sau khi nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank Hà Văn Thắm bị khởi tố, bắt tạm giam, từ một ngân hàng đang “ăn nên làm ra”, các cổ đông OceanBank mất toàn bộ tiền góp mua cổ phần ngân hàng này.

Trong đó, các thể nhân là các cổ đông lớn của Oceanbank là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20% vốn, tương đương 800 tỉ đồng; Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty TNHH VNT là 2 cổ đông lớn cùng sở hữu 20% vốn, tương đương 1.600 tỉ đồng. Sau khi kinh doanh thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng, thì dư luận mới đặt ra vấn đề 800 tỉ đồng PVN đầu tư đã hoàn toàn “mất trắng”, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Trong ngày thứ 4 xét xử đại án Ocean bank (2/3/2017), HĐXX hỏi về khoản tiền PVN góp vốn 20% vào Ngân hàng Đại Dương không. Ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) cho biết, khoản tiền PVN góp vốn 20% (800 tỷ đồng) là theo chủ trương Chính phủ. Trong giai đoạn này các Tập đoàn kinh tế được quyền góp vốn tại các NH, cá nhân tôi thì điều này là bình thường. Cho đến năm 2013, theo báo cáo tài chính, PVN vẫn được Oceanbank chia lãi.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Quỳnh khai, PVN không nhận được báo cáo nào của cơ quan chức năng về tình hình nợ xấu của Oceanbank.

Là người đại diện theo ủy quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, luật sư Hoàng Văn Dũng cho biết, chưa có năm nào báo cáo tài chính Oceanbank bị lỗ.

Khi HĐXX đặt câu hỏi: Oceanbank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, đồng nghĩa với việc PVN bị mất 800 tỷ đồng vốn góp, vậy công tác giám sát của PVN ở Oceanbank như thế nào? – Luật sư Dũng trình bày: PVN đã cử nhân sự có năng lực thực hiện chức năng giám sát. Nếu họ đã thực hiện việc này chưa đúng vai trò trách nhiệm thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhưng không có kết luận nào từ cơ quan chức năng cho thấy việc đầu tư dẫn đến mất vốn.

Theo ông Dũng, báo cáo nhận được là từ Oceanbank và người đại diện vốn góp của PVN tại Oceanbank đều ghi nhận việc đầu tư có hiệu quả, thể hiện bằng việc các cổ tức đã được hạch toán vào ngân sách. Khi Ngân hàng Nhà nước có kết luận về nợ xấu của Oceanbank thì PVN cũng không nhận được các kết luận thanh tra đó…

Đại diện PVN cũng cho rằng, trong PVN có quy chế quản lý vốn ở các doanh nghiệp khác. Theo phân cấp thì Oceanbank là đơn vị liên kết. Bởi vậy PVN cử người kiểm soát chặt chẽ Oceanbank.  Việc kiểm soát thông qua 3 người đại diện (kiểm soát bên trong), ngoài ra còn có kiểm soát bên ngoài. Họ có nhiệm vụ báo cáo hàng tháng, hàng quý, hàng năm về HĐQT, sau này là HĐTV.  Qua báo cáo kiểm soát thì không có bất kỳ sai phạm nào trong quá trình góp vốn. Các báo cáo gửi về cũng không có nguy cơ, cảnh báo PVN bị ảnh hưởng quyền lợi...

Trước đó, ngay sau khi nhận định được vấn đề mất vốn 800 tỉ đồng này, vấn đề đã được đưa ra để phân tích. Theo đó, PetroVietnam là doanh nghiệp nhà nước, không niêm yết, việc hạch toán khoản mất vốn này ra sao, hiện chưa ai rõ.

Thời điểm năm 2015, trả lời báo chí, một quan chức nguyên là thành viên Hội đồng thành viên PVN xác nhận, có nhiều khả năng ông Nguyễn Xuân Sơn liên quan đến những sai phạm xảy ra trong thời kỳ ông này làm tổng giám đốc Oceanbank (năm 2008 - đầu năm 2010), nhưng nếu xác định ông Sơn có vai trò gì hoặc chịu trách nhiệm đến đâu đối với phần vốn góp của PVN tại OceanBank thì trên thực tế, ông Sơn chỉ có trách nhiệm liên đới.

Chiểu theo các quyết định hiện hành, “nếu PVN nhận vốn Nhà nước mà kinh doanh lỗ thì phải chịu trách nhiệm và xử theo Quyết định 924/QĐ-TTg (ngày 18.6.2010) và Nghị định 143/NĐ-TTg (ngày 31.10.2013) của Thủ tướng Chính phủ”. Theo đó, quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc trong việc điều hành và quản lý PVN. Điểm 4, Điều 59, mục 3, Nghị định 143 quy định “Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và TGĐ PVN không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vị phạm: Để PVN lỗ; để mất vốn nhà nước; quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán...”.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: “Dù việc góp cổ phần theo hưởng lời ăn, lỗ chịu, nhưng chắc chắn lãnh đạo của PVN sẽ phải chịu trách nhiệm với Nhà nước về việc quản lý vốn tại DN. Thậm chí nếu phát hiện việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư không hiệu quả thì bồi thường hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Việc này tới đây cơ quan chủ quản sẽ quyết định dựa trên kết luận của thanh tra, kiểm toán. Vì vậy, quá trình thực hiện chức năng giám sát của cơ quan chủ quản đầu tư là rất cần thiết, cơ quan này cũng phải có trách nhiệm “tuýt còi” nếu thấy DN bước đến giới hạn nguy hiểm, chứ không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”.

P.V (t/h)

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến