Đại án Phạm Công Danh : Đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại một số nội dung
09/01/2017 08:27:26
Sau khi vụ án Phạm Công Danh được đưa ra xét xử sơ thẩm, ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích đã có đơn kiến nghị, kêu cứu đến các cơ quan chức năng, trong đó có Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tố tụng.

Tin liên quan

Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cũng đã có văn bản gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại, làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ án.

Quan hệ giữa người gửi tiền và tổ chức nhận tiền gửi

Trong bản kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang có nêu: Nội dung vụ án ông Trần Qúy Thanh, bà Trần Ngọc Bích và 15 cá nhân khác có hơn 5.800 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm, riêng bà Trần Ngọc Bích có 5.190 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi của bà Bích tại VNCB.

Từ đại gia bất động sản, Phạm Công Danh bước nhầm chân vào lĩnh vực ngân hàng và phải trả giá cho sai lầm của mình. (ảnh: TL)

Ngoài tiền gửi, những cá nhân này có vay và nợ VNCB 5.190 tỷ đồng (bằng với số tiền gửi trên tài khoản của bà Bích), được bảo đảm bằng sổ tiết kiệm của từng cá nhân. Bà Trần Ngọc Bích đã dùng số tiền trên tài khoản của mình để thanh lý khoản nợ của 17 cá nhân.

Theo lẽ thông thường, sau khi trả khoản vay 5.190 tỷ đồng, thì các cá nhân này phải được trả lại các sổ tiết kiệm đã thế chấp. Tuy nhiên, 5.190 tỷ đồng tiền gửi của bà Bích đã bị VNCB tự ý hạch toán chi không có chứng từ để chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh và đồng phạm trước đó nên yêu cầu thanh lý các khoản nợ không thực hiện được.

Các khoản tiền gửi này được ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích cùng các cộng sự dự định dùng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới tại Hậu Giang, Quảng Nam, Hà Nam và Bình Dương. Theo dự tính, các dự án này sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn chục nghìn lao động và đóng góp cho ngân sách hàng ngàn tỷ mỗi năm. Do ảnh hưởng bởi vụ án này, các dự án đang triển khai gặp nhiều khó khăn.

Câu hỏi về trách nhiệm của VNCB

Theo nội dung văn bản kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc Hội Hậu Giang, bà Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác gửi tiền hợp pháp tại VNCB. Không có bất cứ chứng từ nào, VNCB vẫn tự ý hạch toán chi tiền trên tài khoản của bà Trần Ngọc Bích, tự ý cầm cố sổ tiết kiệm của một số cá nhân để cho vay nhưng tòa án cấp sơ thẩm không buộc VNCB phải chịu trách nhiệm với người gửi tiền là điều chưa hợp lý.

Bà Bích đã gửi tiền đúng quy định pháp luật vào VNCB, phát sinh trách nhiệm của VNCB, đây là mối quan hệ được pháp luật bảo vệ. Phạm Công Danh có hành vi vi phạm pháp luật, hạch toán chi tiền không lập chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản thì VNCB phải chịu trách nhiệm với người gửi tiền, hoàn trả cả gốc và lãi cho Trần Ngọc Bích theo quy định.

Với số tiền 303,5 tỷ đồng trên 6 sổ tiết kiệm của 3 cá nhân mà VNCB tự ý cầm cố để cho vay 300 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh. Đây là lỗi của VNCB, Bản án sơ thẩm xác định 3 cá nhân này không chịu trách nhiệm về khoản vay nhưng lại vẫn giao sổ tiết kiệm cho VNCB quản lý để thu nợ cho các khoản vay của các cá nhân khác. Có thể thấy đây là quyết định không có căn cứ và gây thiệt hại cho các cá nhân này. VNCB có hành vi trái pháp luật thì phải tự chịu trách nhiệm, sao lại bắt những người không liên quan chịu trách nhiệm thay.

Không thể cấn trừ lẫn nhau?

Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội Hậu Giang nêu việc bản án sơ thẩm thu hồi các khoản: 5.190 tỷ đồng từ ông Trần Quý Thanh, 362 tỷ đồng từ ông Trần Quý Thanh, 72,8 tỷ đồng từ bà Trần Ngọc Bích là chưa hợp lý, không có căn cứ. Ông Trần Quý Thanh nhận được 5.190 tỷ đồng từ các giao dịch ngay tình, được pháp luật bảo vệ.

Ông Thanh không có nghĩa vụ và không thể biết tiền chuyển cho mình có nguồn gốc từ đâu. Sau khi nhận được tiền, ông Thanh lại chuyển tiền cho những người khác và thực hiện các giao dịch khác, cũng là ngay tình. Việc thu hồi tiền của ông Thanh sẽ không thể khôi phục được một loạt các giao dịch liên quan khác mà quyền và nghĩa vụ đã được các bên giải quyết xong.

Đoàn đại biểu Quốc Hội Hậu Giang lưu ý, quyền sở hữu tiền gửi cũng như nghĩa vụ của ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích và các cá nhân khác là độc lập nên không thể cấn trừ lẫn cho nhau.

Bản án sơ thẩm xác định số tiền 4.700 tỷ đồng mà các công ty của Phạm Công Danh vay VNCB được trả cho: BIDV (2.600 tỷ đồng), bà Trần Ngọc Bích (500 tỷ đồng), nhóm Phú Mỹ (135 tỷ đồng); chi không rõ địa chỉ (1.465 tỷ đồng). Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm lại chỉ thu hồi tiền của bà Trần Ngọc Bích, nhóm Phú Mỹ mà không thu hồi tiền của BIDV, điều này là chưa thỏa đáng.

Trong vụ án này, VNCB thiếu trách nhiệm dẫn đến sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho chính VNCB, nhưng thiệt hại của ngân hàng lại được chuyển cho người khác là bất hợp lý. Đoàn đại biểu Quốc hội Hậu Giang nhấn mạnh bản án hình sự sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa hợp lý, chưa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo luật định, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét xử lý vụ án đúng pháp luật để bảo vệ người bị hại và các doanh nghiệp làm ăn chân chính, hợp pháp.

Theo báo Gia đình & Xã hội

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến