Dòng sự kiện:
Đại biểu Quốc hội kiến nghị xem xét thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh
25/05/2024 18:30:35
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh kiến nghị xem xét chính sách thuế về thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh.

Sáng nay 25/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Đánh giá báo cáo của Đoàn giám sát rất toàn diện và đồ sộ, các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả giám sát. Đồng thời nhấn mạnh, đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, khẳng định việc ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn của ngân sách nhà nước và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. 

Quyết sách kịp thời, hợp lòng dân

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đánh giá cao kết quả chuyên đề giám sát, đồng thời nhấn mạnh, việc Quốc hội ban hành nghị quyết với hàng loạt chính sách về tài khóa và tiền tệ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đã có tác động tích cực.

“Trong bối cảnh các nước trên thế giới lạm phát cao, Việt Nam 12 năm liên tiếp hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát có thể nói là một điểm sáng đáng tự hào. Qua đó tác động tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, tăng niềm tin của nhân dân, DN vào đồng nội tệ và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi” – bà Tú Anh nhấn mạnh.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh

Những thành công về ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và kiểm soát lạm phát năm 2023 giúp Việt Nam là số ít quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và là số ít quốc gia trên thế giới nâng hạng tín nhiệm, gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Các chính sách đưa ra có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế. 

Còn theo đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa), sau 2 năm thực hiện nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đã đưa nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường…

Điểm sáng là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, nhiều kì tích của Nghị quyết số 43 đối với nền kinh tế, xã hội đã được chỉ ra như GDP năm 2022 tăng 8,12%, năm 2023 tăng 5,05%, tăng giải ngân đầu tư công đến 635km đường cao tốc Bắc Nam phía Đông; tiết giảm chi phí hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân;...

Cần chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại

Qua xem xét các báo cáo và tình hình thực tiễn, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhận thấy quá trình tổ chức thực hiện bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm; tiến độ giải ngân một số dự án không bảo đảm dù đã được cho phép kéo dài; một số chính sách thực hiện không đạt mục tiêu đề ra.

Đến hết năm 2023 còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể. Một số chính sách hỗ trợ người dân, người lao động triển khai còn chậm, còn lúng túng.

“Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm”, ông Mai Văn Hải nói.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa)

Với mong muốn cần phân tích rõ hơn nguyên nhân của chậm giải ngân, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, hầu như kỳ họp nào từ khi ông tham gia Quốc hội đều nghe việc giải ngân chậm, nhưng nguyên nhân vẫn mang tính định tính.

“Đầu mục lý do là đúng, nhưng lý do nào gây chậm bao nhiêu %, từ đó có giải pháp cụ thể. Ví dụ nói do nền kinh tế hấp thụ kém, thời gian thực hiện ngắn, sao có nơi vẫn hấp thụ được? Quy trình có ảnh hưởng gì đến chậm giải ngân hay không khi Chính phủ tới 5 lần trình Quốc hội cho danh mục dự án”, đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) thì đề nghị có các giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn chương trình đến hết năm 2025 đối với các dự án có khả năng đến năm 2025 hoàn thành.

Cùng với đó, đề nghị Quốc hội xem xét kéo dài việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua, thuê mua nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội do những hiệu quả mà chính sách mang lại thời gian qua.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2024 - 2025 có vai trò quan trọng để hoàn thành việc phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) kiến nghị cần tiếp tục các chính sách nhằm kích thích tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số giá trị thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu.

Nữ đại biểu đánh giá rất cao vì Quốc hội đã xem xét cho ý kiến Luật Thuế giá trị gia tăng tại kỳ họp thứ 7 này, đồng thời kiến nghị xem xét chính sách thuế về thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh. 

Cùng với đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam. “Đặc biệt cần chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng “no dồn đói góp” trong chi đầu tư” – bà Tú Anh nêu ý kiến.

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến