“Đại chiến” hàng không giá rẻ
10/02/2016 20:49:21
Đằng sau những đợt bán vé giá siêu rẻ hoặc 0 đồng là cuộc chạy đua khốc liệt giữa các hãng hàng không tại Việt Nam

Tin liên quan

Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Thị phần của các hãng hàng không giá rẻ cũng có sự thay đổi đáng kể thời gian qua.

Đua mở đường bay, tung khuyến mãi

Từ ngày 1-2, Vietjet đã chính thức khai thác đường bay kết nối Hà Nội-Đài Bắc với tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần, sau đường bay giữa TP HCM với Đài Bắc đã khai thác với tần suất 7 chuyến khứ hồi/tuần. Đây là đường bay mới nhất được hãng đưa vào khai thác, sau khi mở đồng loạt 6 đường bay mới chỉ trong vòng 3 tháng qua.

Hồi cuối tháng 1-2016, Vietjet đã khai trương cùng lúc 3 đường bay mới Pleiku đến Hải Phòng, Vinh và TP HCM - Tuy Hòa. Ba đường bay khác của hãng giữa Hà Nội - Chu Lai, Hải Phòng - Cam Ranh và Vinh - Buôn Ma Thuột cũng đón khách từ tháng 11-2015.

Cạnh tranh gay gắt khiến thị phần các hãng hàng không nội địa liên tục thay đổi.

Cùng với việc mở dồn dập mở đường bay mới, Vietjet cũng không ngừng nhập về máy bay Airbus A320/A321 theo hợp đồng thuê và thuê mua 100 chiếc từ nhà sản xuất Airbus. Hồi tháng 11-2015, tại Dubai, Vietjet tiếp tục ký hợp đồng với Airbus đặt mua thêm 30 tàu bay A321 thế hệ mới với tổng giá trị công bố 3,6 tỉ USD. Tổng cộng 130 chiếc tàu bay sẽ được bàn giao cho hãng từ nay tới năm 2020 nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động khai thác đến các nước trong khu vực châu Á.

Dự kiến mỗi năm, hãng này sẽ nhận từ 8-12 chiếc máy bay thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet, cho biết hãng phát triển nhanh hơn kế hoạch trong thời gian qua khiến số lượng tàu bay theo hợp đồng đã ký không đủ nhu cầu phát triển.

Tính đến hết tháng 1-2016, Vietjet đang khai thác tổng cộng 32 tàu bay, thực hiện gần 200 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển trên 20 triệu lượt hành khách với hơn 44 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan…

Mỗi lần mở đường bay mới của hãng là hàng chục ngàn vé máy bay siêu khuyến mại từ 0 đồng được tung ra để kích thích nhu cầu đi lại của hành khách. Chẳng hạn, đợt mở 3 đường bay Pleiku đến Hải Phòng, Vinh và TP HCM đi Tuy Hòa, hãng tung 50.000 vé máy bay từ 0 đồng trong 3 ngày liên tục.

Chỉ sau hơn 4 năm ra đời, Vietjet đã từng bước chiếm lĩnh thị phần hàng không giá rẻ, so kè với các hãng hàng không khác.

Trong khi đó, với sự hậu thuẫn của Vietnam Airlines và tập đoàn hàng không Qantas (Úc), Jetstar Pacific cũng không kém cạnh trong cuộc chạy đua này. Ngay đầu năm 2016, Jetstar bung chương trình 20.000 vé máy bay giá rẻ từ 16.000 đồng/chặng trên các đường bay nội địa và quốc tế. Đến cuối tháng 1-2016, hãng tiếp tục tung hơn 20.000 vé máy bay giá rẻ từ 49.000 đồng/chặng cho các đường bay quốc nội và quốc tế.

Trong năm 2015, Jetstar cũng mở hàng loạt đường bay mới cả nội địa và quốc tế. Tháng 11-2015, hãng đưa vào khai thác 3 đường bay giữa TP HCM - Đà Lạt, Vinh - Cam Ranh và Hà Nội - Tuy Hòa. Các đường bay giữa Hà Nội - Hồng Kông và Đà Nẵng - Singapore cũng được mở mới trong năm qua.

Năm 2015, hãng thực hiện trên 25.000 chuyến bay an toàn, tăng 56% so với 2014. Jetstar dự kiến sẽ nhận thêm 3 máy bay Airbus A320 trong dịp Tết Nguyên Đán để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Mục tiêu của hãng này là sẽ tăng đội bay lên 30 chiếc Airbus A320 đến năm 2020.

Chấp nhận lỗ để giảm giá

Theo số liệu thống kê mới nhất được Cục Hàng không Việt Nam công bố, trong 10 tháng đầu năm 2015, Jetstar vận chuyển 3,2 triệu lượt khách, tăng 54,5% và 12.000 tấn hàng hóa, tăng 57,1% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 85,3%, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Vietjet vận chuyển tới 7,3 triệu lượt hành khách, tăng 66,1% và 38.000 tấn hàng hóa, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 88,4%, cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Thị phần vận chuyển hàng không nội địa, nhất là vận chuyển hành khách cũng có sự chuyển biến lớn trong năm qua giữa các hãng. Theo đó, dẫn đầu vẫn là Vietnam Airlines nhưng thị phần giảm đáng kể từ 56,6% năm 2014 xuống còn  47,6% năm 2015. Trong khi đó, thị phần của Jetstar Pacific tăng từ 13% lên 14,9%. Tăng trưởng mạnh nhất thuộc về Vietjet với 35,7% từ mức 28,8% của năm 2014. Nhìn vào sự chuyển biến này sẽ thấy hàng không giá rẻ đang ngày càng chiếm thị phần nhiều hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tổng giám đốc một hãng hàng không giá rẻ thừa nhận: “Nói đại chiến hàng không giá rẻ cũng không sai”. Quan sát trên thị trường sẽ thấy cứ một hãng tung đợt bán vé rẻ hoặc mở đường bay mới là ngay lập tức, hãng khác sẽ tung đợt bán vé siêu rẻ hoặc vé 0 đồng để cạnh tranh, thu hút khách hàng. Thậm chí, vị tổng giám đốc này còn cho biết do cạnh tranh gay gắt nên một số đường bay như Sài Gòn - Hà Nội mức giá hòa vốn tối thiểu phải từ 700.000 đồng - 800.000 đồng /vé nhưng ngày thường, các hãng đều đua nhau bán chỉ 500.000 đồng/vé và chịu lỗ.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một hãng giá rẻ khác lý giải rằng cạnh tranh dù gay gắt nhưng cũng phải đảm bảo việc kinh doanh có lãi, hãng không thể giảm giá quá sâu và chấp nhận lỗ liên tục như vậy. “Sẽ có những đường bay bị lỗ và được bù đắp bằng các đường bay khác có lãi. Việc có thêm nhiều hãng hàng không giá rẻ đã phổ cập việc đi lại bằng máy bay cho nhiều người dân, thêm cơ hội tiếp cận phương tiện hiện đại” - vị phó tổng này nói.

Theo nld.com.vn

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến