Theo quan điểm của ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (sửa đổi) dự kiến bỏ quyền tự quyết của doanh nghiệp về giới hạn sở hữu của khối ngoại, nhằm hướng đến sự minh bạch thị trường.
Ông Hải dẫn chứng các nhà đầu tư nước ngoài khi lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam phải nghiên cứu tìm hiểu thị trường, phải trình các cấp. Tuy nhiên, khi khối ngoại đã quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp, có trường hợp doanh nghiệp lại thắt "room" ngoại. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể tiếp cận. Những trường hợp này khiến khối ngoại đánh giá Việt Nam không minh bạch trong vấn đề "room" ngoại.
Đại diện UBCKNN cũng đề cập quy định mới được cơ quan này căn cứ pháp lý trên Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Luật Đầu tư nêu ngoại trừ những trường hợp đã quy định trong hiệp ước, hiệp định, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài phải được quyền tự do tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước. Mặt khác, trường hợp cổ đông ngoại bị hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu có thể xảy ra nếu công ty hạ trần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Luật Doanh nghiệp quy định nếu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng thì điều kiện hạn chế phải ghi rõ.
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Quản lý chào bán chứng khoán, UBCKNN Ảnh: TBKTCK
Theo ông, nội dung được điều chỉnh phù hợp với quy định pháp luật. Về những quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề "room" ngoại, ông Hải cho biết đều được đưa ra trong hội nghị thẩm định của Bộ Tư Pháp. UBCKNN chưa nhận được ý kiến thẩm định của bộ. Cơ quan này sẽ đợi ý kiến cuối cùng trước khi cân nhắc điều chỉnh hoặc không điều chỉnh với nghị định mới.
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu quan điểm ngân hàng là ngành đặc thù, các quy định pháp luật hiện hành chỉ đưa ra các giới hạn nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt qua một tỷ lệ nhất định. Các ngân hàng thương mại có quyền quyết định tỷ lệ trong giới hạn Nhà nước quy định.
Hiệp hội cho rằng việc bỏ quyền tự định đoạt "room" vốn ngoại giúp nhà đầu tư ngoại tự do mua bán ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản tốt hơn, nhưng làm mất đi mục tiêu lớn của các ngân hàng thương mại trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư dài hạn, chiến lược.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định việc để ngân hàng được quyền tự quyết về “room” ngoại rất quan trọng. Các ngân hàng TMCP nhỏ và vừa đang rất cần sự hỗ trợ của đối tác chiến lược nước ngoài về mặt quản trị, công nghệ, tài chính… Bỏ quyền định đoạt về giới hạn sở hữu của khối ngoại cũng chính là tước cơ hội để các ngân hàng này lột xác về quản trị, tăng cường tính minh bạch, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động… với sự giúp đỡ của nhà đầu tư chiến lược.
Bên cạnh đó, thực tế ở một số ngành có trường hợp nhà đầu tư ngoại thông qua công ty con ở nhiều quốc gia khác nhau, nắm giữ quyền chi phối cao hơn mức cho phép tại doanh nghiệp trong nước, gây bất lợi cho cả ngành hàng. Với tính chất nhạy cảm như ngành ngân hàng, nếu kịch bản tương tự xảy ra, an ninh tài chính của cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, theo lời ông Hiếu.
Tác giả: Lê Hải
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy