Đại gia Trầm Bê chuẩn bị rời Sacombank
29/10/2015 18:47:02
ANTT.VN – Muộn nhất là ngày 15/12/2015, Sacombank sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông để bầu Hội đồng quản trị mới, trong đó có đại diện của nhà nước do Ngân hàng Nhà nước đề cử, ông Trầm Bê sẽ rời khỏi vị trí Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Sacombank.

Tin liên quan

 

Trong văn bản Ngân hàng Nhà nước gửi Sacombank ngày 27/10/2015, một trong những nội dung mà Sacombank phải tiến hành là rà soát, đối chiếu lại tất cả các nghĩa vụ nợ của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê, đánh giá lại giá trị hiện hành của các tài sản đảm bảo để định hình việc bổ sung thêm tài sản, nếu cần. Đi kèm với việc rà soát, đánh giá, ngân hàng phải đưa ra phương án xử lý các khoản nợ trong thời gian nhất định.

NHNN cũng cho biết sẽ ổn định tổ chức, bộ máy nhân sự của Sacombank để ngân hàng tiếp tục hoạt động tốt. Sacombank, trước khi nhận bàn giao Ngân hàng TMCP Phương Nam, vẫn được nhận định là một trong những ngân hàng cổ phần hàng đầu với hệ thống mạng lưới rộng, quản trị doanh nghiệp khá tốt với số lượng khách hàng lớn.

Sacombank sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường trước ngày 15/12/2015

Trước đó, Sacombank dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 11 sắp tới nhưng theo văn bản lần này, đại hội sễ tổ chức trước ngày 15/12/2015.

Lý giải về vấn đề này, đại diện NHNN cho biết theo qui định liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán (Sacombank là ngân hàng niêm yết trên HOSE), việc hoán đổi cổ phiếu Phương Nam sang Sacombank được thực hiện trong thời hạn một tháng tức từ 1-10 đến 1-11-2015. Sau đó Sacombank có ít nhất 10 ngày chốt danh sách cổ đông và kế tiếp tối thiểu 30 ngày sau thời điểm chốt danh sách cổ đông mới tiến hành đại hội.

“Về trình tự thủ tục, sau khi ông Trầm Bê có đơn xin nghỉ, và được hội đồng quản trị chấp thuận, đơn sẽ được gửi lên NHNN xem xét. Tuy nhiên việc chấp thuận chính thức phải do đại hội cổ đông quyết định,” đại diện NHNN nhấn mạnh.

Ông và những người liên quan có trách nhiệm bổ sung thêm tài sản, nếu cần, để xử lý các nghĩa vụ nợ trong quá trình tái cơ cấu Sacombank.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước thông báo, nhóm nhà đầu tư có liên quan đến ông Trầm Bê đã ủy quyền vô thời hạn, không hủy ngang toàn bộ số cổ phần họ đang nắm giữ ở ngân hàng TMCP Phương Nam (20,14%) và Sacombank (6,89%) sau sáp nhập cho Ngân hàng Nhà nước.

Hầu hết số cổ phần mà nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê sở hữu trước khi ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước đều được thế chấp để vay vốn ở một số ngân hàng. Nay để rút được số cổ phần đó ra ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước, họ phải đưa tài sản đảm bảo khác vào thay thế hoặc trả hết nợ vay. Số tiền vay (nghĩa vụ nợ) là không nhỏ căn cứ trên giá trị cổ phiếu của Sacombank.

Chiều nay (29/10), Sacombank cũng vừa công bố kết quả chào bán ra công chúng .

Cơ cấu vốn của Sacombank sau đợt chào bán 

Theo đó, ngân hàng này đã chào bán thành công 642,7 triệu cổ phiếu STB, chiếm 99,99% tổng số cổ phiếu được phép phát hành. Trong đó, Sacombank phát hành 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông Southernbank để hoán đổi sau sáp nhập, phân phối bổ sung do hoán đổi cổ phần thêm 100 triệu cổ phần, 228 triệu cổ phần để trả cổ tức và hơn 14 triệu cổ phiếu thưởng.

Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng hiện đang ở mức 18.852 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 0% vốn.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - EIB) là cổ đông lớn duy nhất của Sacombank sau sáp nhập. sở hữu hơn 165,2 triệu cổ phần, tương đương 8,76% vốn điều lệ của Sacombank sau khi sáp nhập.

PV

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến