Nhà máy 38 triệu USD không phép: Cơ quan quản lý ở đâu?
29/10/2015 16:39:49
ANTT.VN – “Một nhà dân làm nhà chỉ cần một xe cát một xe gạch chở đến đã có cán bộ quản lý xây dựng, giao thông công chính đến kiểm tra, vậy hà cớ gì 1 nhà máy lớn như vậy – vốn đầu tư lên đên 38 triệu USD, xây dựng phải mất nhiều thời gian, thậm chí đã bị tạm dừng mà vẫn hoàn thành khi chưa đươc phép xây dựng lại?”.

Tin liên quan

 

Tại công văn số 7211/VP-CT của UBND TP. Hà Nội (ngày 20/10), Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội kiểm tra, rà soát thông tin báo chí nêu về việc nhà máy 38 triệu USD của Cty TNHH URC Hà Nội xây dựng sai phép và phải báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/10.

Được biết, công ty TNHH URC Hà Nội đã tiến hành xây dựng giai đoạn 1 của dự án từ tháng 1/2010 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2010. Giai đoạn 2 của dự án được triển khai từ tháng 5/2013 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2014. Các công trình này được xây dựng tại vị trí Khu công nghiệp Thạch Thất.

Mặc dù đã đi vào hoạt động được hơn 1 năm, nhưng mới chỉ có một trong hai công trình xử lý nước thải của Công ty này được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.

Còn công trình trạm xử lý nước thải 525m3/ngày đêm của Công ty URC Hà Nội mặc dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng nay cũng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, hiện tại vẫn chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành của Tổng cục Môi trường vì lý do: Công ty URC Hà Nội chưa được cấp giấy phép xây dựng vì đã xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ của dự án trên các lô đất dùng cho xây dựng kho tầng và bãi tập kết rác thải chung của Khu công nghiệp.

Thay vì bị xử lý vì xây dựng trạm xử lý nước thải trên lô đất dùng cho xây dựng kho tàng và bãi tập kết rác chung của cả KCN khi chưa có giấy phép xây dựng thì Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội lại đề nghị UBND Tp.Hà Nội chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Thạch Thất – Quốc Oai, chủ trương đã có sự đồng ý của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND Tp.Hà Nội.

Liên quan đến vụ việc này, PV ANTT.VN đã có cuộc phỏng vấn với ông Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ông Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

PV: Về nguyên tắc, theo ông, một dự án quy mô lớn  lên đến 38 triệu USD của doanh nghiệp FDI với 100% vốn nước ngoài như URC nhưng xây dựng không có phép thì có chấp nhận được không?

Ông Phan Hữu Thắng: Theo tôi, đây là vấn đề không thể chấp nhận được, đặc biệt là dự án có yếu tố nước ngoài. Trong quá trình xây dựng nếu đã có văn bản tạm dừng nhưng vẫn xây dựng là sai, DN vi phạm phải cần được xử lý thích đáng theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng.

Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân sai phạm là do đâu để xử lý đúng người đúng tội, trong đó trách nhiệm của URC trong vấn đề này thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng, quản lý đầu tư đến đâu?

Một nhà dân làm nhà chỉ cần một xe cát một xe gạch chở đến đã có cán bộ quản lý xây dựng, giao thông công chính đến kiểm tra, vậy hà cớ gì 1 nhà máy lớn như vậy, vốn đầu tư lên đên 38 triệu USD, xây dựng phải mất nhiều thời gian, thậm chí đã bị tạm dừng mà vẫn hoàn thành khi chưa đươc phép xây dựng lại.

Vậy chính quyền địa phương của chúng ta ở đâu mà không biết, không phát hiện, không ngăn chặn kịp thời?

PV: Với các sai phạm đó nhưng  Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất  Hà Nội lại đề xuất cho điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa công trình sai phép của URC. Nếu điều đó được thông qua, theo ông có tạo ra tiền lệ xấu sau này không? Có gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp FDI với nhau hoặc giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước không?

Ông Phan Hữu Thắng: Việc vì sao nhà đầu tư nước ngoài dám “coi thường phép nước” làm sai khi không có giấy phép mà vẫn xây dựng cần được làm rõ nguyên nhân? Co như vậy mới rút ra được bài học quản lý nhà nước ở các khâu để không có sai phạm tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần phải xử lý dứt điểm việc này, sai đâu phạt đấy một cách công khai minh bạch. Sau đó mới nên xem xét việc điều chỉnh lại qui hoạch.

Ngay cả việc điều chỉnh quy hoạch cũng cần phải gắn với các vấn đề khác để tìm ra điểm chưa phù hợp như tác động môi trường, các dự án phụ trợ… chứ không nên chỉ vì khăc phục sai phạm của dự án này mà đồng ý điều chỉnh.

PV: Mới đây, tại một buổi hội thảo do NHNN tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần chú ý đến chất lượng vốn FDI hơn ngoài việc tập trung thu hút vốn FDI chảy vào Việt Nam. Theo ông, chúng ta có nên đánh đổi mọi giá để thu hút vốn FDI? Với kinh nghiệm làm việc lâu năm trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Phan Hữu Thắng: Sau 28 năm (kể từ 12/1987 - khi Luật đầu tư nước ngoài ra đời, nay là Luật đầu tư) thực hiện, công cuộc thu hút FDI đã đạt được những thành tựu to lớn, bổ sung một nguồn vốn lớn cho đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong suốt gần 3 thập kỉ qua, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm mới và công ăn việc làm trưc tiếp cho 3-4 triệu lao động, chưa kể hàng vạn lao động gián tiếp khác.

Ngay từ đầu khi mở cửa kêu gọi đầu tư FDI, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà làm theo qui định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chủ trương cua Đảng và nhà nước về thu hút FDI là nhất quán,coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của mình và ngược lại.

Sau 28 năm thu hút và sử dụng FDI,vị thế đất nước và vị thế của nền kinh tế trong khu vực, trên thế giới đã cao hơn, tiềm năng hơn so với trước kia, đòi hỏi về chất lượng nguồn vốn FDI cũng cao hơn : các dự án FDI trong thời gian tới phải đi liền với công nghệ cao, thân thiện môi trường cùng với các giải pháp bảo vệ môi trường tốt, đảm bảo các điều kiện an ninh - quốc phòng, hỗ trợ được các DN trong nước phát triển,...

Tuy vậy trong quá trình phát triển đó còn có những tồn tại trong quản lý nhà nước như buông lỏng quản lý trên địa bàn để một số DN có vốn FDI vi phạm pháp luật về xây dựng, về bảo vệ môi trường,... như dự án URC tại KCN Thạch Thất nêu trên là một ví dụ. Những sai phạm như vậy và những sai phạm khác chưa được nêu hết tại đây cần được khắc phục sớm, khi đất nước chuẩn bị bước sang một kế hoạch phát triển mới 2016-2020 và FDI vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Liên

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến