Đại gia Việt mua du thuyền, quên xây cảng
23/12/2014 16:24:28
ANTT.VN – Ngày càng nhiều đại gia Việt hào hứng với thú chơi du thuyền và sẵn sàng bỏ ra cả vài chục tỷ đồng để “ tậu” một chiếc du thuyền, tuy nhiên, một nghịch lý cho thú vui này là những du thuyền tiền tỷ phải neo đậu ở bến tạm.

Tin liên quan

Giám đốc Công ty Du thuyền Việt Nam – Ông Tăng Thành Trung cho biết hiện Tp.HCM vẫn chưa có bến neo đậu cho du thuyền đạt chuẩn, do đó 2 năm nay, công ty ông phải neo đậu chiếc Diamond Island ở một bến tạm nhưng với chi phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, nhân viên chuyên nghiệp có khả năng vận hành du thuyền khá khan hiếm nên mỗi tháng việc chi trả phí bến bãi, lương nhân viên, sửa chữa nhỏ cũng tầm 120 triệu đồng.

Chiếc du thuyền Azimut 70 của gia đình chồng “ngọc nữ” Tăng Thanh Hà có giá 4 triệu USD hiện đang neo đậu tạm bợ tại khu vực Bến Nhà Rồng (Ảnh: Zing.vn)

Chưa kể, mức thuế đánh vào du thuyền ở Việt Nam vẫn cao, 10% thuế nhập khẩu và 30% thuế tiêu thụ, mỗi chiếc du thuyền được đưa về cũng lên đến gần nửa tỷ đồng, nhưng nghịch lý là tài sản hàng tỷ đồng lại phải neo đậu nơi bến tạm bợ, thiếu an toàn.

Cùng số phận, du thuyền Meridian 408, thuộc sở hữu của Sacombank, có chiều dài 12m, hiện cũng đang được neo đậu tại một bến tạm thuộc huyện Nhà Bè.

Sở hữu chiếc du thuyền có giá tới 4 triệu USD, tương đương với 84 tỷ đồng tiền Việt Nam, tuy nhiên chiếc du thuyền Azimut 70 của gia đình chồng “ngọc nữ” Tăng Thanh Hà hiện cũng neo đậu ở khu vực bến Nhà Rồng khá đơn sơ.

Bến neo đậu của những du thuyền triệu đô (Ảnh: Zing.vn)

Một chiếc du thuyền khác có tên Sunseeker 63, được biết thuộc sở hữu của một bác sỹ ở quận 2, có chiều dài là 21 m, bình nhiên liệu 2.900 lít, bình nước có sức chứa 816 lít hiện cũng đang neo đậu tại một bến tạm gần chân cầu Thủ Khiêm.

Tại Tp.HCM có khoảng 10 công ty chuyên kinh doanh du thuyền với hàng chục du thuyền đang hoạt động, nhưng đang đứng trước thực trạng không có bến bãi.

Đại diện công ty chuyên cho thuê và bảo trì du thuyền Sông Xanh cho biết, trước thực trạng khó khăn về bến đậu du thuyền, công ty đã mua một lô đất ven sông tại phường Phước Kiểng, Nhà Bè làm bến tạm, công ty cũng đang cố gắng xin giấy phép lập bến neo đậu và bảo dưỡng du thuyền, nhưng còn vướng mắc thủ tục hành chính nên chưa dám đầu tư thành một bến với đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

Bến du thuyền tạm  của công ty du lịch Sông Xanh, tại phường Phước Kiểng, Nhà Bè (Ảnh: Zing.vn)

Vì thế, nhiều chiếc du thuyền của công ty, trong đó có chiếc giá trị đến 1 triệu USD hiện vẫn neo đậu trong bến tạm này. Thậm chí khu vực này còn chưa có điện, toàn bộ nguồn điện trong việc vận hành phải trông chờ vào những tấm pin mặt trời.

Chủ đầu tư dự án khu dân cư phức hợp Sài Gòn Pearl (Công ty cổ phần tập đoàn SSG), từ năm 2011 đã có văn bản xin phép các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng bến du thuyền, quy mô cho 130 ca nô và du thuyền neo đậu. Vị trí xây dựng nằm tiếp giáp giữa dự án và tuyến sông Sài Gòn thuộc quận Bình Thạnh. Nhưng hiện sở Giao thông vận tải mới cơ bản chấp thuận chủ trương cho đơn vị này xây dựng bến du thuyền ở dự án Sài Gòn Pearl.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, ngoài việc phục vụ cho mục đích của chủ đầu tư, bến du thuyền này còn là nơi phục vụ cho mục đích công cộng (ca nô buýt vào đưa, rước hành khách). Trong điều kiện đường bộ ngày càng quá tải, việc khai thác vận tải bằng đường thủy cá nhân và công cộng sẽ được khuyến khích nhằm chia sẻ áp lực với đường bộ.

Tận dụng lợi thế ba mặt giáp sông Công ty Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án đảo Kim Cương (Diamond Island) đang theo đuổi kế hoạch xây dựng một bến du thuyền trên cù lao phục vụ cư dân. Nằm trên khu đất rộng 8 ha, ngay ngã ba sông Sài Gòn và sông Giồng Ông Tố, quận 2, từ vị trí của dự án này chỉ mất 10 phút đi bằng ca nô đến bến Bạch Đằng để vào khu trung tâm thành phố.

Thêm một bến du thuyền tạm ở Q.2, Tp.HCM (Ảnh: Zing.vn)

Vốn đầu tư toàn bộ dự án nhà ở và bến du thuyền 300 triệu USD. Để khởi động cho dự án, doanh nghiệp này còn mạnh tay sắm một du thuyền trị giá 2 triệu USD mua từ Anh có tên gọi Princess 58 Yacht mang về Việt Nam và đổi tên mới là Diamond Island, ban đầu cũng để đưa khách đến tham quan dự án.

Chủ đầu tư này cũng xác định sẽ xây một bến du thuyền có thể cập những tàu 20 – 30 chỗ, kết hợp với hạng mục công viên bờ sông trong dự án Kenton Residences khu quy hoạch dân cư cao cấp tại khu Nam Sài Gòn.

Thiên Di (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến