Tin liên quan
Kế hoạch lãi hơn 1,300 tỷ, xử lý gần hết tồn đọng trong năm 2015
Ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cho biết năm 2014 là năm thứ hai trong chiến lược giai đoạn 2013-2018 và cũng là năm thứ hai ACB thực hiện tái cơ cấu. Trong đó, ACB đã tách biệt độc lập xử lý vấn đề tồn đọng của ngân hàng từ năm 2012. Ngân hàng đã trích lập dự phòng, thoái thu các khoản lãi phải thực hiện theo quy định và trích lập dự phòng một phần cho năm 2015.
Trước đó, Đại diện ngân hàng trình Đại hội cổ đông kết quả hoạt động kinh doanh 2014 và các tờ trình liên quan. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 đạt 1,314 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2014. Các chỉ tiêu tổng tài sản, tiền gửi huy động từ khách hàng và tín dụng đều tăng trưởng 13%, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.
Về kết quả kinh doanh năm 2014, ACB đạt lợi nhuận trước thuế 1,215 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013 và kế hoạch chia cổ tức là 7%, tương đương 627.4 tỷ đồng cũng đã được Đại hội cổ đông thông qua.
Ngân hàng ACB cũng hoàn tất thay đổi logo nhận diện thương hiệu mới trong năm 2014
Trong năm 2014, số lượng cổ phiếu quỹ đã mua là 41.422.608 cp. Được biết lợi nhuận giữ lại dùng để mua cổ phiếu quỹ trong năm qua là hơn 665 tỷ đồng.
Đồng ý thành lập công ty tài chính
ACB cũng trình cổ đông thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính Tổng hợp Ngân hàng Á Châu (Công ty Tài chính ACB) hoặc mua lại một công ty tài chính có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Theo phương án này, sau khi Công ty Tài chính ACB được cấp phép thành lập, Công ty cho thuê Tài chính Ngân hàng Á Châu (ACB Leasing) sẽ đồng thời xin phép NHNN sáp nhập vào Công ty Tài chính ACB. Dự kiến sau khi thành lập, lợi nhuận sau thuế năm đầu của Công ty Tài chính ACB là 69.4 tỷ đồng, năm thứ hai là 81.9 tỷ và 96.3 tỷ trong năm thứ 3.
Ngoài ra, HĐQT ACB đề cử ông Dominic Timothy Charles Scriven, Cổ đông sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Dragon Capital Group Ltd, nguyên Thành viên HĐQT ACB (2008-2011), bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017 thay ông Alain Xavier Cany đã từ nhiệm.
Cổ đông ACB chất vấn hàng loạt vấn đề
Ngoài những vấn đề thông thường của các Đại hội cổ đông thường niên mà các ngân hàng khác thực hiện, cổ đông ACB còn quan tâm và “chất vấn” Hội đồng quản trị hàng loạt vấn đề và đã đươc đại diện ngân hàng này giải đáp.
Riêng vụ việc liên quan đến vụ án Huyền Như, các thất thoát của ngân hàng được Tòa phúc thẩm kết luận Huyền Như phải chịu trách nhiệm và ACB sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để thu hồi khoản tiền này.
Liên quan đến nợ cho vay từ 6 công ty, số dư nợ 2.237 tỷ và khoản đầu tư trái phiếu 2.429 tỷ đồng được xếp vào nợ nhóm 2, trích lập dự phòng 5%. Từ góc độ của ACB thì khả năng thu 95% còn lại là bao nhiêu? Nếu không thu hồi được thì ACB sẽ trích lập dự phòng bao nhiêu?
Đại diện ACB cho biết ngân hàng đang trong quá trình thu hồi khoản cho vay này. Tài sản đảm bảo khoản vay nhiều hơn nợ vay, ACB đã tiến hành bán tài sản đảm bảo và thu về khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ tiếp tục bán tài sản và dự kiến thu về xấp xỉ 3.000 tỷ đồng vào quý 2/2015. ACB kỳ vọng bán phần tài sản còn lại đủ để cân đối và thu hồi hết số nợ.
ACB có kế hoạch trích lập dự phòng 2.000 tỷ đồng trong năm 2015 là đã tính đến các tình huống xấu để đảm bảo lợi nhuận kế hoạch hơn 1.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo báo cáo hợp nhất năm 2014, ACB ủy thác cho nhân viên gửi 719 tỷ tại Ngân hàng "A" đã quá hạn, 400 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng "C" đã quá hạn - NHNN đã tuyên bố mua lại bắt buộc toàn bộ vốn của Ngân hàng "C" với giá 0 đồng, các khoản tiền này được giải thích như thế nào?
Lãnh đạo ACB tin tưởng theo lộ trình đề án tái cấu trúc cũng như đã làm việc với các ngân hàng là sẽ thu hồi được khoản tiền gửi 400 tỷ và 700 tỷ này mặc dù thủ tục chậm hơn. Một trong hai khoản đảm bảo cho khoản tiền gửi này có tài sản đảm bảo là trụ sở làm việc của các ngân hàng này và được đảm bảo bằng 110% giá trị tiền gửi. Ban điều hành ACB hy vọng trong năm 2015 có thể xử lý các vấn đề này, và ACB đã đàm phán với các ngân hàng và cơ quan thanh tra giám sát về quá trình xử lý các khoản nợ tiền gửi còn tồn đọng.
Ngoài ra, một khoản tiền gửi khác tại “ngân hàng E” với số tiền 600 tỷ đồng trở thành khoản vay được đảm bảo thanh toán bằng trái phiếu do một công ty trong nhóm 6 công ty phát hành cho Ngân hàng “E” là như thế nào?
Đại diện ACB cho biết khoản tiền gửi 600 tỷ đồng này đã tất toán trong quý 1/2015 và không còn ảnh hưởng đến hoạt động của ACB.
Khoản tiền gửi 600 tỷ đồng theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2014 được ACB cho biết đã tất toán trong quý I/2015
ACB có kế hoạch gì với số lượng cổ phiếu quỹ hiện tại?
Hiện ACB có hơn 41 triệu cp quỹ, ACB sẽ bán cổ phiếu quỹ để lấy tiền hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Nếu không có nhu cầu tăng vốn thì ACB có thể chia lại cho cổ đông. ACB không có kế hoạch mua cp quỹ trong năm 2015.
Đến cuối quý 1/2015, nợ xấu của ACB như thế nào?
Trong năm 2014, ACB đã bán 1,043 tỷ đồng cho VAMC. Nợ xấu kết thúc quý 1/2015 ở mức 2,08%, số dư tuyệt đối nợ xấu cũng giảm so với trước đó. Trong quý 1/2015, ACB đã xử lý nợ xấu của năm 2014 trở về trước, mục tiêu xử lý nợ xấu tự thân vận động của Ngân hàng là 1.640 tỷ đồng trong danh mục nợ xấu phải xử lý trong năm 2015.
Chi phí hoạt động của ACB cao hơn mức bình quân ngành, ở mức hơn 63%, ACB có giải pháp để giảm tỷ lệ này?
Tỷ lệ chi phí hoạt động của ACB còn ở mức cao chứng tỏ Ban điều hành vẫn còn trách nhiệm để giảm tỷ lệ này. Nguyên nhân một phần là do biến cố từ năm 2012, chi phí do nợ quá hạn gây ra nên nhiều hoạt động của ACB đã bị ảnh hưởng.
ACB sẽ tập trung các hoạt động cốt lõi là thế mạnh để giảm chi phí, mục tiêu 2015-2016 ACB sẽ giảm tỷ lệ này về dưới 50%.
Tỷ lệ an toàn vốn của ACB theo báo cáo của HĐQT là 9.8%, còn theo báo cáo của Ban Tổng giám đốc duy trì qua các năm đều trên 12%, như vậy số nào là đúng? ACB có kế hoạch huy động vốn không? Năm 2014 nếu loại trừ các vấn đề thoái thu lãi, dự phòng, lợi nhuận ngân hàng thực sự là bao nhiêu? Kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC và trích lập dự phòng năm 2015?
Tỷ lệ an toàn vốn của ACB là 12%. Dư địa tăng trưởng tín dụng của ACB trong năm 2015 còn khá lớn, ở mức 13-15%. ACB còn lượng lớn cổ phiếu quỹ có thể thoái ra, tăng thêm vốn chủ sở hữu cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Về việc xử lý các tồn đọng còn lại, ACB cho biết lợi nhuận của năm 2016 (sau khi giải quyết khoảng 90% vấn đề tồn đọng của năm 2012 trở về trước) dự kiến sẽ đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Về xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của ACB dưới 2.2% và không thuộc diện bắt buộc bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, để chủ động trong việc xử lý nợ, ACB vẫn sẽ đăng ký bán xấp xỉ 1.000 tỷ đồng nợ trong năm 2015 cho VAMC, ACB sẽ chủ động xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Hoa Liên - TH
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy