Những ngày qua, người dân thôn Vân Tiến, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) liên tục đăng tải lên mạng xã hội nhiều hình ảnh, video clip ghi lại cảnh dân làng kéo nhau ra bờ sông Bưởi để cùng xua đuổi, phản đối hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp dưới lòng sông.
Theo phản ánh của người dân, có một doanh nghiệp đã đem máy móc đến khai thác cát tại lòng sông thuộc địa bàn thôn Vân Tiến từ trung tuần tháng 11. Người dân lo ngại việc khai thác cát sẽ gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy và mất đất nông nghiệp nên họ đã kịch liệt phản đối.
Hình ảnh Công ty Đại An múc cát sát bờ sông ở thôn Vân Tiến.
“Dân làng không ai đồng ý việc hút cát của doanh nghiệp, chúng tôi ra sông xua đuổi 3-4 lần rồi, nhưng họ im được vài hôm lại mang máy ra múc sát vào bờ sông. Nếu cứ như vậy, khi mùa mưa lũ đến, đất nông nghiệp 2 bên bờ sông sẽ bị lũ cuốn trôi hết”, bà N.T.T (thôn Vân Tiến) bức xúc nói.
“Bờ sông đang đẹp mà họ lại cho máy múc lấy cả đất, cát đi, vậy là phá hỏng hết. Đất nông nghiệp cũng sẽ vì thế mà trôi sông, sạt lở. Chúng tôi đang muốn kè bờ sông mà còn chưa được, lại còn đến phá đi. Chưa họp bàn với dân, chúng tôi chưa đồng ý”, ông B.V.Đ cho hay.
Theo tìm hiểu, đơn vị đang tiến hành khai thác cát tại thôn Vân Tiến, xã Thành Mỹ là Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Đại An (Công ty Đại An). UBND tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 7/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Công ty Đại An được khai thác cát làm vật liệu xây dựng và thuê đất tại xã Thành Mỹ và xã Thành Vinh với diện tích mỏ gần 13.939m2 gồm 3 khu vực. Trong đó, khu vực 1 và 2 nằm tại xã Thành Mỹ, có diện tích tổng cộng gần 8.000m2. Khu vực 3 thuộc xã Thành Vinh, có diện tích 6.000m2. Khối lượng khoáng sản được phép khai thác là 23.278m3, công suất khai thác là 12.092m3/năm. Thời hạn khai thác 3 năm, kể từ ngày được cấp phép.
Tháng 8/2021, giấy phép hết hạn, Công ty Đại An tiếp tục xin gia hạn và lại được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý gia hạn cho doanh nghiệp thêm 2 năm 8 tháng với diện tích mỏ, công suất khai thác như cũ.
Trong quá trình hoạt động trên địa bàn huyện Thạch Thành, doanh nghiệp Đại An cũng đã để xảy ra nhiều tai tiếng khiến người dân bức xúc. Trước đó, người dân xã Thành Vinh cũng đã phản ánh về việc công ty này hút cát sát bờ sông gây sạt lở đất, mất diện tích canh tác của nhiều hộ dân thôn Thống Nhất.
Họ cho rằng, sau 3 năm doanh nghiệp Đại An khai thác cát, hàng trăm mét vuông đất bãi bồi đã bị cuốn đi. Do lo ngại hậu quả như ở xã Thành Vinh, người dân thôn Vân Tiến, xã Thành Mỹ đã sớm phản đối, sự bức xúc của họ là có cơ sở.
Người dân kéo nhau ra bờ sông xua đuổi doanh nghiệp khai thác cát (Ảnh cắt từ clip)
Ông Trương Thanh Bình, trưởng thôn Vân Tiến, xã Thành Mỹ cho biết: Dân làng Vân Tiến đều không đồng ý cho doanh nghiệp khai thác cát bởi nhiều lo ngại sạt lở bờ sông và mất đất nông nghiệp. Bởi 2 bên bờ sông Bưởi đều là diện tích đất canh tác của bà con. Từ trước khi chính quyền ký quyết định cấp phép cho doanh nghiệp, thôn cũng không được họp bàn, chỉ sau khi thấy doanh nghiệp về mở đường và đi vào khai thác cát thì thôn mới biết và phản đối.
Theo ông Bình, với vai trò là trưởng thôn, đại diện cho tiếng nói của người dân thôn Vân Tiến, ông đã nhiều lần lên tiếng phản ánh tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân của xã, hay các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng không thay đổi được gì.
Hôm 1/12, khoảng 50 người trong thôn đã kéo nhau ra bờ sông để xua đuổi máy múc cát của doanh nghiệp, họ còn kéo đến nhà văn hóa thôn vì bức xúc, song, họ chỉ đánh trống và lớn tiếng phản đối, không có ai manh động.
“Chúng tôi chỉ muốn được đối thoại, họp bàn giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân thôn Vân Tiến để nói lên tiếng nói của mình và thống nhất được phương án đảm bảo được lợi ích của người dân”, ông Bình nói.
Ông Hà Đức Tâm, Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành cho biết, sự việc người dân hô hào phản đối doanh nghiệp múc cát xảy ra ở thôn Vân Tiến. Khi sự việc xảy ra, chính quyền đã cho công an xuống giải tán đám đông, lập biên bản sự việc và doanh nghiệp Đại An cũng tạm dừng khai thác để xử lý vụ việc.
Theo ông Tâm, người dân phản đối là vô lý bởi: "Doanh nghiệp Đại An có đầy đủ hồ sơ pháp lý và làm đúng pháp luật. Họ khai thác trong mốc giới cho phép, không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp của người dân, còn việc sạt lở đất là do thiên tai chứ không phải do doanh nghiệp”.
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin./.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy