Dòng sự kiện:
Đánh giá lại, quy mô GDP tăng hơn 25,4% trong giai đoạn 2010-2017
14/12/2019 17:09:31
Ngày 13/12, Tổng Cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017.

Đây là những thông tin kinh tế rất được quan tâm, chờ đợi kể từ khi cơ quan thống kê hồi đầu năm cho biết đã tính toán lại quy mô GDP.  

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh:VGP.

Tốc độ tăng GDP không biến động lớn 

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,45%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó năm 2011 có tỉ lệ tăng cao nhất là 27,3% và năm 2015 có tỉ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6,294 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,3 triệu tỷ đồng so với số đã công bố trước đây (5,006 triệu tỷ đồng).  Về khu vực kinh tế, bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, so với số đã công bố, cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP giảm từ 17,4% xuống còn 14,7%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 33,0% lên 34,8%. Khu vực dịch vụ tăng từ 39,2% lên 41,2%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng về quy mô so với số đã công bố nhưng cơ cấu trong GDP giảm từ 10,4% xuống 9,3% bình quân cả giai đoạn. Đáng chú ý, tuy thay đổi về quy mô song nhìn chung, tốc độ tăng GDP hằng năm không có biến động lớn so với số đã công bố. 

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, tốc độ tăng GDP hằng năm trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hằng năm, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm, trong đó năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm. Tốc độ tăng GDP các năm giai đoạn 2011-2017 lần lượt là: 6,41%; 5,5%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%... 

Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi. Cụ thể, tích luỹ tài sản bình quân mỗi năm tăng 28,98%. Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư thay đổi đáng kể, bình quân tăng 26,37%/năm. Tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%. GDP bình quân đầu người tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%. Tỉ lệ vốn đầu tư so với GDP bình quân mỗi năm khoảng 33,3%/năm, tăng thêm 0,7 điểm phần trăm.  Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) không có sự thay đổi lớn, giai đoạn 2011-2017 là 5,98 (giảm 0,27). 

Giai đoạn 2016-2017 là 6,05 (giảm 0,22). Tỉ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 1,1%. Tỉ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 1,1%. Tỉ lệ chi ngân sách so với GDP bình quân là 23,2% (số đã công bố là 29,1%/năm). Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm. Tỉ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm khoảng 11,6%/năm. Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân giai đoạn 2015-2017 đóng góp 46,4% trong GDP, giảm 0,13 điểm phần trăm so với ước tính trước đây. 

Củng cố dữ liệu để xây dựng kế hoạch giai đoạn sau, không tính vào thành tích

Cơ quan thống kê cho biết, mục đích sử dụng kết quả đánh giá lại quy mô GDP là để đánh giá đúng bức tranh, năng lực của nền kinh tế, đánh giá hiệu quả các chính sách kinh tế. Các con số này sẽ dùng để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, tuy nhiên "không dùng để đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và các kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020". 

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Thống kê khẳng định kết quả của việc đánh giá lại chủ yếu để phản ánh đúng bức tranh, hiện trạng của nền kinh tế để xây dựng các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 10 năm tiếp theo 2021-2030. Rõ ràng, đối với người dân, số liệu đánh giá lại quy mô GDP không mang lại lợi ích về vật chất cho hiện tại, bởi những gì mà nền kinh tế đã diễn ra là điều không đổi.

“Việc đánh giá lại sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan chính sách có cái nhìn thực chất hơn về nền kinh tế, nhằm đưa ra các chính sách phù hợp hơn trong tương lai. Con số đúng sẽ giúp mang lại các chính sách đúng và người dân sẽ được hưởng lợi từ điều đó", ông Lâm phân tích.

Theo ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, việc điều chỉnh GDP chỉ là bước thực hiện đầu tiên, các bước tiếp theo là phải đảm bảo tính gắn kết theo chiều ngang, đặc biệt là sự thống nhất theo các năm, từ đó đưa ra các báo cáo tính GDP chất lượng. Việc điều chỉnh GDP cần được thực hiện thường xuyên, minh bạch để tránh có những thay đổi quá lớn về số liệu và có sự phối hợp với các tổ chức quốc tế để đảm bảo các tiêu chuẩn, minh bạch.  

Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh:VGP.

"Nhiều ngành công nghiệp và nông nghiệp trước kia chiếm ½ giá trị kinh tế giờ đã giảm đi rất nhiều, thay thế bằng ngành dịch vụ, công nghệ. Do các nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng như vậy nên việc điều chỉnh GDP trong tương lai cần thực hiện thường xuyên hơn. Và điều quan trọng là phải xây dựng niềm tin bằng sự truyền thông kịp thời, minh bạch", ông Kamal Malhotra cho biết. 

Tổng cục Thống kê cho hay, đã làm việc với đoàn chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tham vấn ý kiến của chuyên gia thống kê Liên Hợp Quốc. 

Nhóm các chuyên gia này đánh giá: Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP hoàn toàn phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế. Tổng cục Thống kê đã tiến hành rất nhiều cuộc điều tra về các hoạt động kinh tế, hộ gia đình để đảm bảo nắm bắt được kết quả các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động mới xuất hiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ và thực hiện rà soát trong đợt điều chỉnh lần này. 

Cơ quan thống kê của Việt Nam cũng biết thêm, hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italy, Croatia, Indonesia... đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP, các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan và công bố kết quả đánh giá lại. 

Trước đó, Báo cáo trước Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định việc tính toán lại GDP là cần thiết và dữ liệu này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không đưa vào các báo cáo gửi Quốc hội, văn kiện Đảng. "Không phải bệnh thành tích mà chúng ta tính lại. Trong văn kiện đại hội Đảng vẫn tính toán dựa trên số liệu cũ", lãnh đạo Chính phủ nói.

Theo: Báo Chính Phủ
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến