Dòng sự kiện:
Danh thắng Quốc gia chìm trong bụi đá
08/09/2017 05:48:33
Được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia năm 2009, danh thắng Kim Sơn – Tiên Sơn, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động nổ mìn khai thác đá.

Quần thể núi Kim Sơn nằm trên địa bàn các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh An và Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc). Dãy núi đá vôi với 29 ngọn núi có chiều dài khoảng 3.000m, chiều cao hơn 500m và được đánh giá là thắng cảnh kỳ bí.

Núi Kim Sơn là dãy núi có cảnh quan đẹp, nhiều hang động kỳ thú, hiện nay còn lưu giữ được nhiều bài thơ của các bậc tao nhân mặc khách chép đề trên vách đá tại các hang động.

Hệ thống hang động ở đây là một quần thể động đẹp liền kề nhau. Động Ngọc Kiều là một trong 7 động rộng và đẹp ở Kim Sơn, trong động đặc biệt còn lưu giữ nhiều tấm bia có bút tích Hán Nôm ca ngợi cảnh đẹp của động Ngọc Kiều và động Kim Sơn. Kim Sơn có nhiều sản vật trong đó nổi tiếng nhất là củ ấu gai, đầu nhọn như hai cái sừng, ăn bùi và béo.


Một góc danh thắng Kim Sơn

Ngoài ra, có động Tiên Sơn thuộc núi Thung Vịnh. Đứng trên động phóng tầm mắt ra xung quanh ngắm nhìn phong cảnh sẽ cảm thấy rất gần gũi với thiên nhiên. Bước vào động như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, những khối đá thạch nhũ màu sắc lung linh, hình ảnh kỳ thú.

Càng vào sâu trong động, du khách mặc sức tưởng tượng các hình ảnh do thạch nhũ tạo thành như hình ảnh Tiên ông; các hình chim, thú kỳ lạ khác... Những yếu tố trên đã khẳng định, danh thắng Kim Sơn - Tiên Sơn không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị địa lý, kiến tạo, địa chất, là nguồn tài nguyên tự nhiên để phát triển loại hình du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, danh thắng này đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng bởi tình trạng nổ mìn phá đá và ô nhiễm môi trường do tình trạng khai thác đá gây ra.

Đại đức Thích Tĩnh Hải, Trụ trì chùa Linh Ứng (ngôi chùa thiêng nằm trong danh thắng Kim Sơn), cho biết, cứ đến giờ các mỏ đá nổ mìn phá đá nhà chùa đều cảm nhận rất rõ sự rung lắc mạnh của núi Hang (trong khu vực cấm xâm hại) khiến chúng tôi rất lo lắng.

“Mới đây thôi, một khối đá lớn từ trên đỉnh núi bất ngờ đổ ập xuống khuôn viên nhà chùa nhưng rất may không có ai gần đó. Nhà chùa rất mong ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa quy hoạch khai thác đá hợp lý để bảo vệ được danh thắng, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến danh thắng vãn cảnh”, Trụ trì Đại đức Thích Tĩnh Hải cho hay.

Cấp phép tràn lan!

Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa, bao quanh danh thắng Kim Sơn hiện có 7 mỏ khai thác đá được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép trên 25 năm nằm ở các xã Vĩnh An, Vĩnh Minh, Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) và hiện có 3 khu vực đang được các doanh nghiệp xin phép khai thác.

Điều đáng lo ngại là diện tích trên 50 ha của dãy núi Bền trước đây đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường quản lý nay đã được giao về cho UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiện có nhiều doanh nghiệp có tờ trình gửi tỉnh này xin khai thác diện tích núi trên.

Theo ghi nhận của PV, dọc Quốc lộ 217 dẫn vào danh thắng, dù ở rất xa nhưng có thể nhận thấy cả dãy núi Bền đang ngày đêm bị “xẻ thịt” bởi các mỏ đá. Gần đến danh thắng, chúng tôi chứng kiến cảnh đinh tai, nhức óc từ các thợ khoan trên núi, từ các xưởng chế biến đá phát ra. Con đường độc đạo chìm trong bụi đá, lổn nhổn khắp nơi.


Đại công trường khai thác đá bên cạnh danh thắng Kim Sơn

Đứng trên chùa Linh Ứng nhìn tứ hướng thấy đâu đâu cũng là các công trường khai thác đá, cả một vùng danh thắng chìm trong bụi.

Ông Lê Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, nếu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá nhưng làm ảnh hưởng đến danh thắng Kim Sơn, UBND huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép.

Được biết, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cũng đã có nhiều văn bản đánh giá về mức độ ô nhiễm và sự ảnh hưởng của việc khai thác đá quanh danh thắng Quốc gia Kim Sơn. Theo Sở VH-TT-DL dù các mỏ khai thác đá nằm ngoài khu vực cấm, nhưng quá trình khai thác đá cũng có gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan.

Đặc biệt, Sở này cũng kiến nghị tỉnh Thanh Hóa nếu cấp phép khai thác đá phải ưu tiên các doanh nghiệp có máy móc thiết bị hiện đại để khai thác, hạn chế nổ mìn phá đá để giảm thiểu độ rung chấn ảnh hưởng trực tiếp đến hang động và môi trường quanh danh thắng.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến