Dòng sự kiện:
Danh xưng 'Trường quốc tế Gateway' do trường tự phong
07/08/2019 20:30:04
Trong quy định loại hình trường không có quy định nào là “quốc tế”. Do vậy, trong danh xưng "Trường quốc tế Gateway", yếu tố "quốc tế" là do trường tự xác định.

Trưa 7/8, tại buổi họp báo thông tin liên quan đến vụ việc cháu bé lớp 1 trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón trong ngày 6/8, nhiều phóng viên băn khoăn về việc trên địa bàn mình có bao nhiêu trường quốc tế và tiêu chuẩn như nào? Gateway phải trường quốc tế tiêu chuẩn không?.

Danh xưng "Trường quốc tế Gateway' do trường tự phong

Trả lời phóng viên về điều này, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, trong quy định loại hình trường không có quy định nào là “quốc tế”. Chữ “quốc tế” được một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh. Hiện nay, trên địa bàn quận Cầu Giấy chỉ có trường có yếu tố nước ngoài, có đầu tư nước ngoài hoặc có người nước ngoài giảng dạy. Những trường này được Phòng GD&ĐT Quận báo cáo về Phòng có yếu tố nước ngoài của Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý.

Do vậy, trong danh xưng "Trường quốc tế Gateway", yếu tố "quốc tế" là do trường tự xác định.

Trường Gateway có tên đầy đủ là trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway. Hệ thống trường Gateway có 3 cơ sở gồm: Gateway Cầu Giấy, Gateway Tây Hồ Tây (dự kiến hoạt động từ tháng 8/2020), và Gateway Hải Phòng.

Gateway Hà Nội là nơi vừa xảy ra sự việc học sinh lớp 1 tử vong do nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường, có địa chỉ tại Lô A/D13 trong khu đô thị mới Cầu Giấy (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), được xây dựng trên mặt bằng 8.000m2 với tổng diện tích 15.000m2.

Mức học phí ở đây không hề rẻ. Học phí kỳ học 2017-2018 là 60 triệu đồng/kỳ và 110,4 triệu đồng/năm; tiền ăn 26 triệu đồng/năm, tiền đồng phục 6 triệu đồng, phí dự tuyển 1 triệu đồng và phí phát triển trưởng 8,8 triệu đồng/năm.

Gateway Hà Nội được thành lập năm 2015 qua sự hợp tác quốc tế giữa trường mầm non quốc tế Sakura Montessori và tổ chức giáo dục Gateway Education.

Ông Nguyễn Hoài Chương, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho hay, "trường quốc tế" là một khái niệm phức tạp.

Trước đây, việc phân biệt "trường quốc tế" dựa vào 2 yếu tố là chương trình và người học. Trong đó Chương trình phải chương trình quốc tế (phổ biến trên thế giới ví dụ như tú tài quốc tế IB) được quốc tế công nhận; Người học đa dạng, đa quốc gia, đa quốc tịch. Tuy nhiên bây giờ tên gọi "trường quốc tế" này đang được "lạm dụng". Dựa vào chương trình học, đội ngũ giáo viên, ngôn ngữ, cơ sở vật chất hoặc đơn giản là tổ chức kiểm định chương trình… nhiều trường tự phong là trường quốc tế. Việc tự phong này có yếu tố làm hấp dẫn phụ huynh và người học, đồng thời các trường cũng đưa ra mức thu rất cao; phụ huynh thì ngộ nhận rằng chính con họ đang học trường quốc tế nên không ngại đầu tư.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến