Dòng sự kiện:
Đau bụng uống nhân sâm...
16/02/2017 08:35:56
Chuyện xưa kể rằng, có thầy lang kia được mời chữa bệnh đau bụng cho một người, thầy giở sách thuốc ra tra thấy ghi “đau bụng uống nhân sâm” bèn làm theo. Kết quả người bệnh chết. Người nhà túm thầy đưa lên quan huyện, thầy bảo tôi chỉ làm theo sách dạy. Quan bắt mở sách ra xem, thì ra câu ấy còn hai chữ viết ở trang sau, là “đau bụng uống nhân sâm... tắc tử”.

Tin liên quan

Ngỡ chỉ là chuyện cười của cái thời mà tuyệt đại bộ phận dân chúng mù chữ nên chỉ quen nghe chứ không biết đọc, số rất ít người biết chữ thì chỉ học thuộc lòng và khi cần thì nói lại cho người khác nghe. Mà sự truyền đạt này tùy thuộc vào việc hiểu chữ đến đâu... Thế nên mới xảy ra chuyện dở cười dở khóc, chẳng biết kết tội thầy lang đã gây ra “hậu quả nghiêm trọng” thế nào ngoài việc chê trách cái sự học “không đến nơi đến chốn”.

Nhưng mới mấy ngày đầu năm nay thôi đã thấy hiện tượng kiểu “thầy lang nhân sâm” xuất hiện. Chuyện tấm băng rôn quảng cáo có chữ “văn hóa vật thể phi quốc gia” (tuy người có trách nhiệm nói rằng đó là ảnh photoshop nhưng tôi thì tin là thật, bởi đã nhiều lần những văn bản sai đều bị đổ cho “cậu đánh máy”!) là một ví dụ. Rộng hơn, cứ mỗi tháng Giêng “hội hè miên man” thì tình trạng lễ hội bị biến tướng hoặc phục dựng vô căn cứ càng trở nên phổ biến. Năm nay Lễ Khai ấn đền Trần đã “nhân bản” thêm ở nhiều địa phương khác, đến mức một chuyên gia khảo cổ học sau nhiều lần lên tiếng trong các hội thảo khoa học thì lần này đã phải thẳng thừng lên tiếng trên báo chí rằng “Việc khai ấn ở đền Trần Tức Mặc là một xuyên tạc lịch sử!” (Tuổi Trẻ, 8-2-2017), không chỉ để khẳng định một sự thật mà còn cảnh báo cho những lễ hội khác, dưới danh nghĩa “bảo tồn, phát huy di sản văn hóa” nhưng thực chất là phiên bản, thậm chí là dị bản đang sinh sôi nảy nở nhằm vào mục tiêu lợi nhuận là chính trong mùa lễ hội.

Nếu chỉ nhìn hiện tượng phần lớn lễ hội vô cùng bát nháo, lộn xộn thậm chí mất kiểm soát từ việc chen chúc cướp giật “lộc” của Phật, Thánh... đến việc công khai “hiến tế” động vật bằng cách thức cổ xưa nhất... nhiều người dễ dàng buông lời chê bai thậm chí thóa mạ cả “đám đông” lễ hội lẫn ban tổ chức và người tham dự.

Nhưng nếu nhìn vào thực chất, tất cả hiện tượng đó đều có chung một cái gốc: đó là sự hiểu biết không đến nơi đến chốn vốn di sản văn hóa cha ông để lại, từ đó việc thực hành gìn giữ vốn quý đã làm sai lạc ý nghĩa ban đầu của nó. Khi kiến thức có bằng cách học “đi tắt”, lấy bằng cấp là để “đón đầu” quy hoạch bổ nhiệm, sự hiểu biết chỉ đủ để kiếm lợi thì nhiều lễ hội là biểu trưng văn hóa tốt đẹp đã trở nên thực dụng và xấu xí trong quan niệm văn hóa của thời đại toàn cầu.

Nếu như ngày xưa dân chúng mù chữ thì “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là cần thiết và tốt đẹp thì ngày nay, phần lớn nhân dân đã phổ cập kiến thức phổ thông và hiểu biết nhiều hơn, vì vậy muốn “vi sư” thì cần biết “vạn chữ”, muốn “vi quan” cũng phải hiểu “ngàn chữ”, nếu không thế thì xã hội sẽ còn tiếp diễn chuyện dài nhiều tập “đau bụng uống nhân sâm...”.

Viết đến đây chợt nhớ cũng khoảng thời gian này năm ngoái, ở tỉnh nọ xảy ra một tai nạn thuộc loại dở khóc dở cười. Anh kia bắt được trong nhà một con chuột, “thấy ghét” và cũng muốn tiêu diệt con vật có hại, bèn tẩm xăng đốt. Kết quả: nó chạy vào xe hơi, xe nổ, nhà anh cháy rụi!

Cái ác thường song hành cùng cái dốt, đã thế lại sốc nổi “nhiệt tình thái quá” thì hậu quả hại đến chính mình như vậy là điều không thể tránh khỏi!

Theo TBKTSG  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến