Dòng sự kiện:
Đâu là những trở ngại ảnh hưởng đến tăng trưởng của BIDV?
25/02/2019 09:07:20
Theo HSC, ngoài điểm yếu về vốn, hệ số CAR thấp, thách thức lớn mà BIDV phải đối mặt trong năm 2019 là vấn đề trích lập chi phí dự phòng.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), mặc dù quá trình xoá nợ xấu của BIDV đã có những tiến triển lớn trong hai năm qua nhưng ngân hàng vẫn cần thêm 2 - 3 năm trích lập dự phòng quyết liệt để xử lí phần lớn nợ xấu tồn đọng.

Cùng với đó, HSC cho rằng lợi nhuận của BIDV vẫn sẽ bị ăn mòn phần lớn bởi chi phí dự phòng cho dù tổng thu nhập hoạt động có thể tăng trưởng mạnh khi ngân hàng chuyển hướng sang bán lẻ.

Hơn nữa, kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank vẫn chưa hoàn tất trong năm 2018 sẽ là một trở ngại trong việc mở rộng dư nợ trong năm 2019.

Cuối năm 2018, tỉ lệ nợ xấu sau xử lí của BIDV là 1,69%, tăng nhẹ so với con số 1,61% của năm 2017. Như vậy đã có khoảng 2.747 tỉ đồng nợ xấu hình thành mới trong năm 2018 chủ yếu là nợ nhóm 4 và nhóm 5.

Cũng trong năm, BIDV đã trích lập dự phòng ở mức cao kỉ lục là 18.893 tỉ đồng, tăng 27,3%. Tổng chi phí dự phòng tích luỹ của BIDV từ năm 2013 đến 2018 là hơn 62 nghìn tỉ đồng, tương đương 18,3 tổng dư nợ năm 2012 và 9,98% dư nợ bình quân giai đoạng 2012 - 2018. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của BIDv trong trích lập dự phòng.

BIDV vẫn còn 17.600 tỉ đồng giá trị trái phiếu VAMC trong đó đã trích lập dự phòng đến cuối tháng 6/2018 là 8.000 tỉ đồng. Phần chưa được trích lập là 9.400 tỉ đồng, tương đương 0,95% tổng dư nợ cho vay.

Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của BIDV là thấp cho dù là theo tiêu chuẩn Basel I (9%). và đây cũng chính là "gót chân Asin" của BIDV. Điều này kéo theo nhu cầu tăng vốn cấp 1 rất lớn trong ba năm tới của BIDV, do đó, cổ phiếu BID được nhận định là một trong những cổ phiếu ngân hàng có rủi ro pha loãng cổ phiếu lớn nhất.

Trong năm 2018, tổng giá trị giấy tờ có giá phát hành cho khách hàng của BIDV giảm mạnh hơn 52% so với năm 2017 xuống còn gần 40 nghìn tỉ đồng, giảm 43,7 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị vay từ NHNN, Bộ Tài Chính và Kho bạc lại tăng mạnh 35,8% so với năm trước, tương đương tăng 27,7 tỉ nghìn tỉ đồng. Hai nguồn huy động này đang bù trừ cho nhau.

BIDV cũng là một trong những ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn từ Nhà nước. BIDV có 70,4 nghìn tỉ đồng tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước và gần 24,2 nghìn tỉ đồng tiền gửi từ Bộ Tài Chính vào cuối năm 2018 (tăng 46% so với năm 2017). Nguồn vốn này thường có lãi suất thấp hơn so với lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi khách hàng. Đương nhiên, nguồn vốn này cũng thường không ổn định và phụ thuộc nhiều vào kế hoạch phân bổ ngân sách cho các dự án công.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh doanh năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của nhà băng này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đề nghị BIDV tập trung vào một sộ nội dung sau:

Một là, Hội đồng quản trị BIDV tổ chức quán triệt tới tất cả các cấp trong toàn hệ thống nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN để triển khai thực hiện nhiệm vụ của toàn hệ thống BIDV trong năm 2019;

Hai là, BIDV cần xây dựng giải pháp, biện pháp điều hành cụ thể tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung lĩnh vực ưu tiên sản xuất kinh - doanh theo đúng định hướng của NHNN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn; Kiểm soát chặt hoạt động tín dụng ngoại tệ cũng như tín dụng liên quan tới các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: tín dụng tiêu dùng, kinh doanh bất động sản; kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật... Yêu cầu HĐQT chỉ đạo thực hiện nghiêm túc cam kết giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân;

Ba là, đẩy nhanh tiến độ, tốc độ thực hiện phương án cơ cấu lại hệ thống BIDV gắn với xử lý nợ xấu. Căn cứ vào tình hình thực tế, nếu cần thiết phải có sự điều chỉnh phương án, nội dung trong phương án, ngân hàng khẩn trương báo cáo NHNN xem xét nhưng phải đặc biệt tập trung công tác quản trị điều hành, kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Trong xử lý nợ xấu, bên cạnh việc thực hiện triển khai Đề án, ngân hàng cần tập trung ưu tiên và có lộ trình các chỉ tiêu, định lượng cụ thể. Đi kèm với đó, kiểm soát được tốc độ gia tăng của nợ xấu mới phát sinh.

Bốn là, Hội đồng quản trị và Ban điều hành BIDV tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn việc cơ cấu lại nội dung liên quan tới quản trị điều hành nội bộ trong hệ thống. Đây phải được coi là nội dung ưu tiên và nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để có thể lành mạnh hoá hoạt động ngân hàng.

Năm là, bên cạnh quan tâm đẩy mạnh công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ phải đặc biệt quan tâm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống. Nhất là lưu ý trong công tác đảm bảo an toàn trụ sở, kho quỹ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Sáu là, đối với công tác cán bộ, việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, kiểm tra và giám sát cần phải được củng cố và tăng cường trong toàn hệ thống.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến