Dòng sự kiện:
ĐBQH đề xuất bổ sung lực lượng y tế vào đối tượng trong gói hỗ trợ
08/01/2022 08:41:41
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng cần có một nguồn kinh phí hỗ trợ cho dù là rất nhỏ trong một thời gian ngắn 1 hoặc 2 năm để động viên cán bộ y tế ở lại an tâm công tác.

Chiều 7/1, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Năng lực ngành y tế qua đại dịch đã tăng lên được bao nhiêu lần?

Đóng góp ý kiến cho dự thảo, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) bày tỏ sự đồng tình với quy mô các gói hỗ trợ đưa ra vì nó tương thích với kinh nghiệm quốc tế và nhu cầu cuộc sống hiện nay.

Theo đó, về mục tiêu, ông Nhân cho rằng có thể nhìn nhận 4 mục tiêu: Một là, nâng cao năng lực của ngành y tế để ngành y tế có thể phòng, chống dịch một cách bền vững trong điều kiện mới.

Hai, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để khẩn trương khôi phục năng lực sản xuất, kinh doanh.

Ba, tổ chức sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới, khi có thêm nhiều biến chủng nhưng chúng ta sẽ đạt tỷ lệ tiêm chủng cả nước trên 99% ở người 18 tuổi trở lên.

Bốn, tiếp tục đầu tư phát triển theo định hướng của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Về ngành y tế, theo vị đại biểu này cần khẩn cấp hỗ trợ để nâng cao trang thiết bị, cơ sở vật chất ngành y tế và củng cố lực lượng của ngành y tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

“Chúng tôi nói như vậy vì vừa qua ngành y tế đã lao động, làm việc hết sức mình, phải nói quá tải rất cao và không thể để tình trạng này kéo dài như vậy được nữa”, ông Nhân nhấn mạnh.

Nêu ví dụ, trong 16 tháng, từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2021 bình quân cả nước 1 tháng chỉ có 188 ca nhiễm mới và 2,3 người chết nhưng trong hơn 8 tháng vừa qua từ tháng 5/2021 đến nay bình quân mỗi tháng có 223.000 người nhiễm mới và hơn 4.000 người chết, tức là số người nhiễm mới hàng tháng vừa qua so với giai đoạn trước gấp 1.180 lần và số người chết gấp 1.780 lần, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: “Năng lực ngành y tế qua 8 tháng vừa qua tăng lên được bao nhiêu lần?”

“Theo tôi không tăng được 10 lần, cũng chưa biết là tăng ở mức nào, nhưng rõ ràng với quá tải gấp hàng nghìn lần so với trước đây không thể kéo dài”, ông Nhân bày tỏ quan điểm.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng năng lực của hệ thống y tế đang quá tải gấp hàng nghìn lần so với trước đây.

Theo đó kiến nghị giải pháp, vị ĐBQH này đề nghị bổ sung tên Nghị quyết thành "nâng cao năng lực phòng, chống dịch bền vững và phục hồi phát triển kinh tế" để nhấn mạnh yếu tố “y tế” bởi nếu không phòng, chống dịch bền vững thì cũng không làm những việc khác được.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần giải quyết căn bản nhiệm vụ mua sắm trang thiết bị đặc thù cho ngành y tế hiện nay bởi trong 2 năm vừa qua, rất ít các bệnh viện chủ động đấu thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống Covid. Do đó đề nghị Bộ Y tế nên tổ chức tiếp nhận yêu cầu đấu thầu tập trung những trang thiết bị đặc thù của ngành y tế cho phòng, chống dịch để các địa phương giải phóng khỏi nhiệm vụ này.

“Chúng ta cần triển khai nhanh đề án tổ chức lực lượng y tế cơ sở, các đơn vị điều trị vùng và đổi mới chính sách, chế độ với cán bộ ngành y tế để giữ vững và tiếp tục thu hút nhân tài vào đây. Đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước, bởi vì qua năm nay các nước sẽ tiêm mũi 3, mũi 4, chúng ta tiêm 2 mũi cũng cần khoảng trên 175 triệu liều. Cần phấn đấu có một tỷ lệ nhất định là hàng Việt Nam sản xuất, ví dụ 30, 40 rồi đến 50%”, đại biểu Tp. Hồ Chí Minh cho biết.

Đặc biệt, ông Nhân cũng cho rằng cũng cần quan tâm kiểm tra, điều trị thí điểm và đánh giá những cây thuốc dựa trên truyền thống dân tộc, xung quanh xuyên tâm liên, thanh cao hoa vàng, vì đây là thuốc có khả năng triển vọng tốt và rẻ, ngay tại chỗ.

“Chúng ta cần hình dung ở trạng thái bình thường mới thì tải đối với ngành y tế là như thế nào. Chúng tôi hình dung nếu sắp tới trong năm 2022 tải ngành y tế là số phát sinh mới và người nhiễm nặng là 1/3 so với hiện nay, có nghĩa là bình quân sắp tới thay vì có 223.000 người nhiễm một tháng thì chỉ còn 74.000, tức là 2.500 ca mới mỗi ngày của cả nước và số người bị chết thay vì là 4.000 người/tháng thì chỉ còn là 45 người chết một ngày. Với nhiệm vụ này chúng ta cần sẵn sàng lực lượng để chung sống lâu dài, phòng dịch”, ông Nhân cho biết.

Đồng quan điểm về việc cần thay đổi tên Nghị quyết, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Tp. Hà Nội) đề nghị sửa thành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho chương trình phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội chứ không chỉ riêng cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

“Chính phủ đang triển khai 2 chương trình này một cách song hành, trong y tế có kinh tế và trong kinh tế có y tế. Trong nội dung của các giải pháp chúng ta đưa ra cũng bao gồm cả những giải pháp để hỗ trợ, tăng cường năng lực của hệ thống y tế và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tên như vậy thì đủ bao quát cho cả 2 chương trình của Chính phủ”, đại biểu Vũ Tiến Lộc lý giải thêm.

Đề xuất bổ sung lực lượng y tế vào đối tượng trong gói hỗ trợ

Cũng liên quan tới vấn đề này, theo đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang), đại dịch Covid-19 cũng là một phép thử về tầm quan trọng và những điểm yếu bộc lộ của y tế cơ sở và y tế dự phòng. Đó là chất lượng đội ngũ, vấn đề tài chính và cơ sở vật chất.

Đại biểu này cũng chỉ ra một bất cập là việc khó thu hút được nhân viên xuống cơ sở để làm việc, do đó, phải ban hành chính sách như thế nào?

Đại biểu Châu Quỳnh Giao đề nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích nhân viên y tế, cán bộ y tế cấp cơ sở được học tập nâng cao trình độ, được hỗ trợ kinh phí, được hỗ trợ về mặt thời gian để tạo cơ hội thăng tiến.

Đảm bảo có thêm thu nhập bằng cách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động y tế trong khu vực là y tế dự phòng từ trạm y tế, trung tâm y tế đến trung tâm kiểm soát dịch bệnh.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang).

“Chúng ta cần mở rộng thêm loại hình chăm sóc sức khỏe gia đình. Bởi vì xu thế hiện nay người bị mắc bệnh mãn tính, người già, người không tiện đi lại rất cần loại hình này; hay kích thích cung ứng những dịch vụ hỗ trợ trong y tế, chăm sóc y tế và phòng, chống bệnh. Đây là những điểm có thể tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở và giữ chân, để yên tâm phát triển tay nghề để phục vụ tốt hơn cho người dân”, đại biểu Châu Quỳnh Giao đề xuất.

Cũng tại phiên thảo luận, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng cần quan tâm bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ trong gói chính sách đợt này là lực lượng cán bộ y tế, những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Đại biểu Tuấn giải thích hiện nay ở cơ sở đang xảy ra tình trạng quá tải công việc, áp lực tâm lý lo lắng của lực lượng cán bộ y tế trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Trong thực tế, ở nhiều nơi đã có cán bộ ngành y tế xin nghỉ việc để giải phóng áp lực tâm lý.

“Nếu có một luồng gió mới, một nguồn kinh phí hỗ trợ cho dù là rất nhỏ trong một thời gian ngắn 1 hoặc 2 năm nhưng cũng sẽ góp phần động viên cán bộ y tế ở lại an tâm công tác, khi đó cũng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới”, đại biểu tỉnh Trà Vinh cho biết.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến