Dòng sự kiện:
Để “hổ mọc thêm cánh”, nên có cơ chế đặc thù
25/04/2017 14:41:58
ANTT.VN - Nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hồ Xuân Hùng cho hay, nay là thời đại mà vị thế của đất nước được xác định bằng các thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Bây giờ sang một số nước láng giềng xung quanh, chúng ta rất tự hào vì có mặt những doanh nghiệp lớn của Việt Nam ở đấy. Chưa kể đến mục tiêu kinh tế, sự hiện diện của những doanh nghiệp lớn của ta tại các nước láng giềng còn mang sứ mệnh chính trị, an ninh quốc phòng.

Tin liên quan

Nguyên Thứ trưởng NN&PTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng

Để “hổ mọc thêm cánh”, những doanh nghiệp mang trọng trách “đại sứ thương hiệu” sẽ cần những cơ chế gì để phát triển hơn trong tương lai? Trả lời phóng viên ANTT.VN, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng NN&PTNT cho biết:

Riêng đối với nông nghiệp thì đầu tư vào lĩnh vực này hiện vẫn quá thấp so với tiềm năng phát triển, với tổng nguồn lực xã hội đầu tư hiện nay chỉ khoảng 6%, một con số quả nhỏ bé. Nhà nước phải đầu tư cho nông nghiệp tương đương với tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp cho GDP của đất nước, hiện nay nông nghiệp đóng góp 18-20% GDP cả nước. Vậy nhưng thực tế đầu tư cho ngành thì thấp xa con số này, trong khi đó, vai trò của nông nghiệp rất quan trọng, thấy rõ qua thời kỳkhủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nói không quá, có thể coi nông nghiệp chính là một trụ đỡ của nền kinh tế.

Vậy để khuyến khích doanh ghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chúng ta nên có chính sách như thế nào, thưa ông?

Đầu tiên phải cải cách chính sách hỗ trợ bảo hiểm trong nông nghiệp, bởi như đã nói, nông nghiệp là một ngành có tính rủi ro cao, biến động giá cả nông sản thường rất lớn, doanh nghiệp cần một “tường chắn” trước những biến động bất ngờ như thế. Ngoài bảo hiểm, chính sách tín dụng cũng cần phải xem lại.Chúng ta cứ nói cho vay nông nghiệp được ưu đãi, nhưng phải nhìn vào thực tế rằng lãi suất cho vay đầu tư nông nghiệp ở nước ta còn cao hơn nhiều lãi suất vay thương mại của các nước xung quanh, mình thì vay 5-10%, họ chỉ 1-2% sao cạnh tranh được.Chưa nói đến thủ tục để vay được lãi suất ưu đãi rất rắc rối và mất thời gian.

Đầu tư vào nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro, nhất là đối với sản xuất lớn.Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới nói thật là không thể lường trước.Trồng rau, trồng lúa khác với đầu tư vào cao su, cà phê, phải 5-7 năm mới thu hoạch được. Nếu đang trong thời gian trồng mới hoặc tái canh mà bắt họ phải nộp thuế sử dụng đất thì làm sao họ trụ được. Bởi vậy cần có những chính sách đặc biệt, ví dụ cho tôi vay trồng cao su thì 5 năm đầu phải hỗ trợ lãi suất 0%, từ năm thứ 6 đi mới phải trả lãi chẳng hạn.

Nếu không có sự “ứng biến” phù hợp, điều này rõ ràng đã kìm hãm tố độ tăng trưởng của chính doanh nghiệp và nền kinh tế, thưa ông?

Có một xu hướng tích cực đáng chú ý thời gian qua là một loạt các doanh nghiệp lớn, cả trong và ngoài nước đầu tư mạnh vào nông nghiệp, bước đầu nhận được kết quả khích lệ.Tôi cho rằng họ đã nhìn thấy được những tiềm năng to lớn của nền nông nghiệp VN.

Đối với nền kinh tế nói chung cũng như ngành nông nghiệp nói riêng, doanh nghiệp (DN) được ví như 'mạch máu'. Nhận thức được vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi nhậm chức đã có cuộc gặp với 500 DN tại Dinh Độc Lập hồi đầu tháng Tư, nhằm lắng nghe những khó khăn, trăn trở của cộng đồng DN hiện nay. Ngay sau đó tân Chính phủ của ông đã liên tiếp ban hành hai Nghị quyết 19 và 35 với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa môi trường kinh doanh.

Thực ra không phải tới tận bây giờ mà các đời Chính phủ suốt nhiều chục năm qua đã liên tục ban hành những chính sách nhằm tạo cơ chế thông thoáng hơn cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên thẳng thắn mà nói thì hiệu quả mang lại chưa cao, bởi chính sách có nhiều nhưng chưa đồng bộ và thiếu tính thực thi.

Ở góc độ chuyên gia, ông có điều gì đó trăn trở?

Điều đáng mừng là trong những năm qua đã nổi lên một số DN lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài. Tuy nhiên tôi trăn trở rằng đáng ra trong bối cảnh hội nhậpphải hỗ trợ DN trong nước nhiều hơn thì chúng ta lại đi mời gọi FDI với những ưu đãi rất lớn. Nếu ưu tiên DN nước ngoài 10 phần thì ít ra cũng nên hỗ trợ DN trong nước 12,13. Vốn FDI là rất tốt, nhưng trước khi mời gọi nước ngoài thì nên có cơ chế phù hợp để khuyến khích DN trong nước, còn yên tâm trong nhiều chuyện khác nữa.

Theo đó, nên có cơ chế đặc thù, hỗ trợ cho những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các DN đầu tư ra nước ngoài, bởi: Thứ nhất, nay là thời đại mà vị thế của đất nước được xác định bằng các thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Bây giờ sang một số nước láng giềng xung quanh, chúng ta rất tự hào vì có mặt những doanh nghiệp lớn của Việt Nam ở đấy. Chưa kể đến mục tiêu kinh tế, sự hiện diện của những doanh nghiệp lớn của ta  tại các nước láng giềng còn mang sứ mệnh chính trị, an ninh quốc phòng.

Phải tạo được những doanh nghiệp đầu tàu như vậy, để đóng vai trò là ngọn hải đăng dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên. Chứ nếu không có những ngọn đèn soi đường này thì đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ có đông đến mấy cũng không thể vươn ra tầm thế giới được.

Nhìn qua Hàn Quốc có Samsung, Huyndai, Nhật có Toyota, Mỹ có Microsoft, Apple, đây là những doanh nghiệp làm rạng danh đất nước họ, góp phần truyền bá văn hóa của họ trên khắp thế giới, là một cách tăng cường ảnh hưởng 'mềm' mà không cần tới quân đội, súng đạn.

Xin cảm ơn ông!

Nghi Điền - Thủy Tiên (thực hiện)

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến