Những đề thi 'nhuốm' màu showbiz
Sau khi bất ngờ xuất hiện trong đề thi môn Tài chính ngân hàng, mới đây, Chi Pu lại tiếp tục xuất hiện trong đề kiểm tra môn Ngữ văn của trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ khiến dư luận xôn xao.
Đề văn yêu cầu học sinh, hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của cô hotgirl Hà Thành sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”.
Trước đó, bài hát "Em gái mưa" của Hương Tràm đang được giới trẻ yêu thích xuất hiện trong đề kiểm tra 15 phút môn Vật lý lớp 10 của trường THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương). Đề bài yêu cầu:
Khoảng tháng 2/2017, đề thi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh chỉ ra thông điệp đoạn trích trong bài hát "Lạc Trôi" của nam ca sĩ Sơn Tùng MTP. Đề thi trích dẫn một phần lời bài hát với câu hỏi liên quan phương thức biểu đạt của văn bản, tìm từ Hán Việt trong đoạn trích. Đề bài còn yêu cầu học sinh hiểu thế nào về hai câu "Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/Ta lạc trôi giữa trời".
Ca khúc "Lạc trôi" của nam ca sĩ Sơn Tùng MTP xuất hiện trong đề thi Văn
Ngoài ra, Trần Lập, Mỹ Tâm, Hoa hậu Phạm Hương, Hoài Lâm, bài hát “Ông bà anh”… cũng từng xuất hiện trong đề thi của nhiều cấp học khác nhau. Xu hướng đưa những nhân vật và hiện tượng giải trí nổi tiếng vào đề thi đang được người ra đề quan tâm.
Phản ứng từ thầy cô, học sinh
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang, giáo viên trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng), khi cầm đề bài trên tay, bắt gặp một bài hát mình nghe hàng ngày, một cô ca sĩ mình quen mặt, một người nghệ sĩ mình nhớ tên, trước hết các em bớt căng thẳng, áp lực thi cử. Tâm lý là yếu tố rất quan trọng để hoàn thành tốt bài thi. Sau đó khi bước vào làm bài, các em sẽ thỏa sức vẫy vùng trên vùng biển quen, được nói lên quan điểm về một vấn đề mà chính các em quan tâm, thậm chí hiểu tường tận hơn cả thầy cô.
“Đề thi càng gần gũi bao nhiêu thì học sinh càng hào hứng bấy nhiêu. Kiến thức không phải là những con chữ khô cứng nằm bất động trong sách giáo khoa mà lấy chất liệu từ những điều bình dị xung quanh mình. Mà đề thi chính là tấm gương phản chiếu cách dạy và cách học. Tôi mong các em sẽ không còn coi một môn học nào đó là “ác mộng” nữa”, cô Giang nói.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ra đề, cô giáo Lê Thủy Tiên nhận định cách hỏi trong các đề thi này không gò ép học sinh vào những khuôn mẫu, lối mòn định sẵn mà mở ra cho các em nhiều hướng suy nghĩ. Nó kích thích sự sáng tạo và thể hiện dấu ấn cá nhân trong bài viết.
Cô Thủy Tiên hào hứng: “Không còn là sự trình bày lại gần như nguyên vẹn bài giảng của thầy cô hay văn mẫu, bài văn trở thành sản phẩm tư duy của chính các em. Tình trạng học vẹt, học tủ, học văn mẫu hay ghi nhớ máy móc bài giảng của thầy cô cũng sẽ giảm đi đáng kể. Các em sẽ cảm thấy rất hào hứng vì được viết theo ý mình chứ không phải ý của thầy cô”.
Đổi mới đề thi là xu hướng của nhiều năm nay, không chỉ ở môn Ngữ Văn mà còn ở nhiều môn học khác. Thầy giáo Trần Trung, giáo viên dạy Toán tại một trường THPT tại Hà Nội cho rằng cái hay của những đề mở này là sự hài hòa trong dung lượng giữa kiến thức trong nhà trường và kiến thức đời sống.
“Vẫn là những kỹ năng ấy, những công thức ấy nhưng được lồng ghép khéo léo vào một hiện tượng giải trí đang được dư luận quan tâm sẽ làm “mềm hóa” kiến thức. Với ví dụ cụ thể, gần gũi các em dễ hiểu hơn, dễ hình dung, tưởng tượng hơn. Vừa đáp ứng được yêu cầu kiến thức chuẩn mà lại tạo sự hào hứng cho các em thì không có lý do gì mà không áp dụng”, thầy Trung chia sẻ.
Tuy nhiên không phải một đề thi lạ, mới là một đề thi hay, đôi khi việc đưa các nhân vật trong showbiz vào đề thi sẽ phản tác dụng. Thầy giáo Hoàng Huy Quang bày tỏ quan điểm: “Ngoài việc kích thích được trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của học sinh, tính giáo dục và tính sư phạm cần được chú trọng. Phải có sự chọn lọc kỹ càng, không nên đưa những nhân vật “tai tiếng” hay những lùm xùm trong giới showbiz vào đề thi”.
Không chỉ giáo viên, ngay cả các bạn học sinh cũng dấy lên nhiều tranh cãi quanh những đề thi "nhuốm màu” showbiz này. “Thầy cô giáo quá xì tin”, “đề thi sáng tạo”, “bắt kịp xu hướng giới trẻ”… là những lời khen tặng từ học sinh dành cho người ra đề. Bạn Nguyễn Thị Ngà, học sinh lớp 10 thích thú và ngạc nhiên khi thần tượng của mình xuất hiện trong đề kiểm tra cuối kỳ. Ngà hào hứng khoe, bài văn đó bạn được 8 điểm.
Trái lại, một số ý kiến cho rằng việc đưa ồ ạt các hiện tượng giải trí vào đề thi là lạm dụng để “câu” thí sinh. Bạn Lê Tùng Lâm, học sinh lớp 12 thẳng thắn: “Không phải cứ cái gì nổi nổi là đưa vào đề thi, đôi khi rất khập khiễng và rối rắm”. Còn bạn Bùi Quỳnh cho biết: “Có những sao, vụ ồn ào đáng lẽ không nên xuất hiện trong đề thi. Ví dụ như trước đây có đề thi đề cập đến phát ngôn của Ngọc Trinh, “Bà Tưng” Huyền Anh… Như thể, dường như chúng ta đang vô tình cổ xúy cho những phát ngôn gây sốc vậy”.
Mạnh Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy