Chiều nay (8/11), thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, sự chủ động quyết liệt của Chính phủ nên đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: Quốc hội
Tuy nhiên, theo ông, hậu quả của dịch bệnh để lại là hết sức to lớn cả người và của, tính đến nay trên 22.000 đồng bào, chiến sỹ, cán bộ tuyến đầu chống dịch tử vong.
Để tưởng niệm những hy sinh, mất mát trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên lấy 1 ngày làm ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì Covid-19.
“Tôi đề xuất ngày 27/4 (ngày bùng phát đợt dịch thứ 4 là đợt gây thiệt hại nặng nề nhất cả về kinh tế cũng như sinh mạng nhân dân) và đây cũng là mong muốn của cử tri”, ông Thông kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho hay, số người bị tử vong do dịch là mất mát hết sức to lớn. Bởi vậy, ông đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức 1 ngày quốc tang cho những người là nạn nhân mất vì dịch Covid-19 với 3 lý do.
Thứ nhất, con số 22.500 người đã mất vì Covid-19 vừa qua là rất lớn, rất đáng để dành cho họ 1 ngày quốc tang. Điều này phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị trong thông báo số 19 ngày 22/4/2011 là đồng ý tổ chức quốc tang trong trường hợp thiên tai thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn đến tính mạng và của cải của nhân dân.
Thứ hai, hầu hết những người đã mất trong đại dịch đã ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân và bị dịch bệnh nên đã không được tổ chức mai táng chu toàn. Dành cho họ ngày quốc tang là rất nhân nghĩa và nhân ái, đúng với đạo lý con người Việt Nam.
Thứ ba, dành ngày quốc tang để nhắc nhở chúng ta, những người đang sống tuyệt đối không được lơ là việc phòng chống dịch Covid, chúng ta sẽ đồng lòng, quyết tâm hơn trong công cuộc chống đại dịch Covid-19 cam go và ác liệt này.
“Rất mong Chính phủ sớm lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức 1 ngày quốc tang cho những nạn nhân đã mất trong đại dịch Covid-19”, ông Trí nói.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề cập công tác dự báo về tình hình, mức độ nguy hại của dịch Covid-19 chưa tốt, dẫn đến chưa chuẩn bị tốt các điều kiện, thiết bị và con người để phòng chống dịch.
Ông nhấn mạnh, hệ thống y tế không giám sát được hết F0, tỷ lệ lây nhiễm cao, có ngày số ca nhiễm mới đến 14.000 người và có thời điểm tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình của thế giới. Một số chính sách hỗ trợ có tính khả thi thấp, gói hỗ trợ triển khai còn chậm và lúng túng.
Ông Tiến kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch giai đoạn tới; đẩy mạnh việc bao phủ vắc xin cho nhân dân càng sớm càng tốt; chú trọng xây dựng các kịch bản thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh.
Cần tranh thủ các nguồn lực để sớm có vắc xin tiêm cho người dân
Để triển khai hiệu quả kế hoạch kinh tế xã hội năm 2022, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề xuất ba giải pháp.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng
Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo bộ ngành, địa phương vận dụng linh hoạt trong việc thực hiện mục tiêu kép, tùy từng thời điểm diễn biến dịch bệnh để có sự điều chỉnh phù hợp. Các quy định ban hành của địa phương phải đồng bộ với quy định của Chính phủ và ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, kiểm soát chặt việc ban hành quy định chống dịch của địa phương, tránh các quy định không phù hợp, quá mức cần thiết.
Thứ hai, ngoài việc thực hiện tốt hoạt động ngoại giao vắc xin, ông Thắng đề nghị cần tranh thủ các nguồn lực để sớm có đủ 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho người dân, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Về lâu dài, Việt Nam cần sớm tự chủ vắc xin, tiếp tục quan tâm, đầu tư, đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ sản xuất và sớm đưa vào sử dụng, nhằm hạn chế nhập khẩu, phụ thuộc công ty nước ngoài.
Thứ ba, chủ trương chính sách giải pháp chỉ phát huy tính hiệu quả vào cuộc sống nếu có sự chung tay, ủng hộ, chia sẻ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
"Rất mong thời gian tới, người dân cả nước tiếp tục ủng hộ, tự giác chấp hành các quy định phòng dịch, tích cực hưởng ứng kế hoạch tiêm vắc xin, với phương châm vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất", ông Thắng nói.
Tác giả: Hương Quỳnh - Trần Thường
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy