Trong quá trình chống dịch và điều trị cho bệnh nhân COVID-19, có không ít nhân viên y tế đã lây nhiễm bệnh. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.620.203 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.357 ca nhiễm).
Thời gian qua, trong quá trình chống dịch và điều trị cho bệnh nhân COVID-19, có không ít nhân viên y tế đã lây nhiễm bệnh trong môi trường làm việc.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đang dự thảo thông tư bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó đề xuất 6 nhóm ngành có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tỷ lệ chiếm khoảng 5-10%
Theo báo cáo gần đây nhất của Bộ Y tế, nghiên cứu về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong nhóm nhân viên y tế tại Việt Nam, trong đợt dịch lần thứ nhất có 2 y bác sỹ nhiễm COVID-19, đợt dịch thứ 2 xảy ra tại Đà Nẵng có 40 nhân viên y tế mắc bệnh và trong đợt dịch lần thứ 4 có 10.000 nhân viên y tế nhiễm bệnh.
Các nghiên cứu cho thấy một người khi mắc bệnh COVID-19 tác động đến đa cơ quan, bộ phận trên cơ thể, để lại nhiều tổn thương không thể phát hiện ngay khi khỏi bệnh. Theo một số tài liệu, di chứng của bệnh COVID-19 có thể xuất hiện 6 tháng sau khi khỏi bệnh và bệnh gây ra stress cho người bệnh như ám ảnh tâm thần, rối loạn tâm thần.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đang đề xuất bổ sung bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa bệnh nghề nghiệp, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết hiện nay bệnh COVID-19 vẫn được coi là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu, thường xuyên có biến thể mới, tốc độ lây lan rất cao trong xã hội, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, bệnh ảnh hưởng lớn các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch… Vì vậy, khi bệnh COVID-19 được bổ sung vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, các đối tượng được thụ hưởng chính sách này sẽ yên tâm hơn trong công tác.
Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa bệnh nghề nghiệp, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Trung cũng lý giải thêm rằng số lượng nhân viên y tế mắc COVID-19 trong môi trường làm việc nhiều, nhưng di chứng rất ít. Bộ Y tế cũng xem xét kỹ lưỡng, chỉ những người nhiễm COVID-19 vẫn còn lại di chứng sau 6 tháng và sau đó giám định còn di chứng gây suy giảm sức khỏe mới được hưởng chế độ. Dịch bệnh trong giai đoạn đầu do tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao nên bệnh ảnh hưởng đến nhóm nhân viên y tế nhiều hơn, sau này ít trường hợp di chứng hơn.
Trong tiêu chuẩn chẩn đoán người mắc bệnh nghề nghiệp có loại trừ bệnh nền, bệnh mãn tính và được xác định bệnh sau khi đi khám và vẫn còn di chứng sau 6 tháng mắc bệnh.
Bác sỹ Trung dẫn chứng thêm, như đợt dịch xảy ra tại Đà Nẵng, có 10 trường hợp nhân viên y tế mắc COVID-19 làm hồ sơ, nhưng sau đó chỉ có 1 trường hợp sau 6 tháng vẫn còn di chứng và khi giám định vẫn để lại di chứng viêm phổi, xơ phổi mới được hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo dự thảo mới nhất, Bộ Y tế không quy định tỷ lệ thương tật của những người mắc COVID-19 không có di chứng, mà chỉ xác định đối với những trường hợp có di chứng sau 6 tháng mắc COVID-19 và được giám định loại trừ các yếu tố liên quan khác bởi các cơ sở có chức năng khám bệnh nghề nghiệp. Với những tiêu chí này, tỷ lệ người được xác định mắc bệnh nghề nghiệp sẽ không cao, chiếm khoảng 5-10%.
Đã có 37 nước công nhận
Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hiện nay đã phân loại bệnh nghề nghiệp thành 29 nhóm với hàng trăm bệnh khác nhau.
Ở Việt Nam, danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
Đến nay, Việt Nam có 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội công nhận tại Thông tư 15 của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đang hoàn tất việc giải trình và xin ý kiến các bộ, ngành về việc đưa COVID-19 vào nhóm bệnh nghề nghiệp. Nếu được thông qua, đây là căn bệnh nghề nghiệp thứ 35 được công nhận.
Hiện đã có hơn 37 nước trên thế giới công bố COVID-19 là bệnh nghề nghiệp.
Tại báo cáo đánh giá tác động của bệnh COVID-19 đối với sức khỏe, Bộ Y tế cho biết điều này cũng rất phù hợp với pháp luật của Việt Nam. Cụ thể: Tại điểm c, khoản 1, Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định quyền của của người lao động: "Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp".
6 nhóm ngành có nguy cơ lây nhiễm cao
Bộ Y tế xin ý kiến dự thảo thông tư bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó đề xuất 6 nhóm ngành có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo dự thảo thông tư quy định bổ sung bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động. Theo hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp tại dự thảo này thì nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vius SARS-CoV-2 bao gồm:
1. Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.
2. Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2.
3. Người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà.
4. Người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19.
5. Người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19.
6. Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Giám sát, điều tra, xác minh dịch; nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sỹ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; chiến sỹ, sỹ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Những trường hợp này có thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp): một lần. Khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó là 28 ngày.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tính toán mức chi trả đền bù của người sử dụng lao động như sau: Căn cứ Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động, thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động mắc bệnh COVID-19 là: 1,5 tháng tiền lương x 3.070.000 đồng (mức lương tối thiểu vùng) = 4.600.000 đồng.
Trong khi theo quy định tại Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động, thì số tiền trợ cấp 1 lần cho người lao động mắc bệnh COVID-19 nghề nghiệp nếu có tỷ lệ tổn thương cơ thể đến 10% là 7.867.500 đồng./.
Tác giả: Thùy Giang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy