Dòng sự kiện:
Đề xuất cải tiến 'tiếng Việt thành 'tiếq Việt': Lo ngại học lại bảng chữ cái...
26/11/2017 14:16:26
"Luật giáo dục" phải viết là "luật záo zụk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"... Cách viết Tiếng Việt cải tiến mà PGS.TS. Bùi Hiển đưa ra trong cuốn sách vừa xuất bản gần đây đang gây tranh cãi lớn trong dư luận.

Ngay từ khi vừa xuất hiện, đề xuất cải tiến bảng chữ cái “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “Luật giáo dục” thành “Luật záo zụk” của PGS.TS. Bùi Hiền đã trở thành tâm điểm của dư luận. Mặc dù đây là vấn đề không quá mới nhưng đã tạo ra làn sóng tranh cãi gay gắt.

Là một giáo viên, cô giáo Hoàng Minh Ngọc - Trường Tiểu học Dịch Vọng B, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, nếu đề xuất này đưa vào áp dụng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cả việc dạy và học trong nhà trường.

“Chúng ta sẽ phải mất một khoảng thời gian rất dài để làm quen với chữ viết mới. Đồng thời phải “phiên dịch” kho tàng sách truyện từ xưa đến nay để thế hệ sau có thể đọc được.

Cải tiến này sẽ làm mất nghĩa của nhiều từ, làm cho vốn Tiếng Việt nghèo đi rất nhiều. Nếu nhìn vào sự thay đổi này thì rõ ràng quy tắc chính tả c/k, g/gh; ng/ngh không còn. Như trường hợp ch/tr bị đồng nhất, không phân biệt được nghĩa của nhiều từ: chung/trung, che/tre...

Mặc dù có thể viết dễ hơn vì không phải phân biệt các qui tắc chính tả nhưng quy tắc lời nói thì chưa đảm bảo. Tôi không biết phải dạy học sinh đánh vần thế nào để đọc được những chữ đó”, cô giáo Ngọc chia sẻ.

Đoạn văn bản sau khi cải tiến gây nhiều tranh cãi

Anh Nguyễn Anh Tú, cử nhân Văn học, trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết: “Đầu tiên, cải tiến rất tốt nhưng quan trọng là cải tiến theo hướng nào. Nếu thay tất cả các âm trùng bằng một âm thì bản thân Anh ngữ, Pháp ngữ, Phạn ngữ... đều có những âm trùng như thế. Thực ra, trong cách đọc cách phát âm chúng đều có sự khác nhau dù nhiều hay ít.

Nước ta đã hai lần “đoạn tuyệt” với quá khứ, một là với chữ "khoa đẩu" thời thượng cổ và hai là với văn tự Hán Nôm. Mỗi lần như vậy là một lần con cháu không thể hiểu nổi ông cha khi xưa đã nghĩ gì nói gì viết gì. Tác giả nói rằng chữ quốc ngữ mới chính thức được dùng khoảng 100 năm nay, nhưng kho tàng mà nó để lại thì rất khổng lồ.

Bản thân đề xuất này cũng có những bất cập, như chữ nh thì đổi thành n' nhưng rõ ràng, chữ h ở đây không phải âm câm. Dù cho nó là âm câm đi chăng nữa như trong tiếng Anh, nó vẫn phải được biểu thị bằng một chữ cái chứ không thể chỉ là một dấu”.

Theo anh Tú, những vị Hán học như Phan Tây Hồ, Huỳnh Minh Viên cũng tập tành viết văn quốc ngữ khi nhận thấy những điểm lợi riêng của ngôn ngữ này. Đến nay, khi người ta lại đang "gióng chuông" về sự hiểu lệch lạc trong ngôn ngữ tiếng Việt và văn hoá cha ông, thì một loạt các nhà văn hoá, ngôn ngữ học như Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn... hay mới đây nhất là ông Đoàn Lê Giang lại đề xuất quay trở lại học Hán Nôm. Vậy, vấn đề đặt ra là làm sao dung hoà giữa truyền thống và cải tiến, giữa quá khứ và tương lai, vạch ra bước đi của hiện tại.

Nhà văn Kai Hoàng, tác giả của nhiều cuốn sách được các bạn trẻ yêu thích rất ngạc nhiên khi nhìn đoạn văn bản được cải tiến bởi PGS.TS. Bùi Hiền bởi thoạt nhìn anh nghĩ đây là teencode mà một số ít bạn trẻ tự tạo tự dùng.

“Rõ ràng là với lịch sử hình thành Tiếng Việt từ bao đời nay thì bản thân nó đã là một thể thống nhất khá hoàn chỉnh theo thời gian. Nếu thực sự nó bất cập thì bản thân nó đã bị đào thải và thay thế rồi chứ không thể tồn tại cho đến hiện giờ. Về việc thay đổi âm vị này tôi nghĩ không cần thiết, nó giống như kiểu vẽ rắn thêm chân, không có ý nghĩa cho sự phát triển của xã hội”, nhà văn trẻ nhận định.

Ngỡ ngàng là tâm lý chung của các bạn trẻ khi được “mục sở thị” đoạn văn bản trước và sau khi cải tiến được PGS.TS Bùi Hiền lấy làm ví dụ trong bài viết "Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế" (sách “Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển” tập 1, do NXB Dân trí phát hành).

Bạn Lê Xuân Quý, sinh viên Đại học Công Nghệ Giao Thông Vận Tải lo lắng: “Sắp tới phải học lại bảng chữ cái sao? Mỗi lần viết cái gì phải ngồi tra từng chữ cái để viết cho chuẩn kiểu mới, nghĩ thôi đã thấy khủng khiếp rồi. Chưa kể, bố mẹ, ông bà em ở nhà làm sao quen được, có khác gì ngoại ngữ đâu”.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến