Trong tờ trình phương án điều chỉnh tổ chức giao thông với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh ở TP HCM vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND thành phố, trước khi cấm toàn bộ loại xe này, việc hạn chế hoạt động được đề xuất theo hai lộ trình.
Xe ga gác chở tôn cồng kềnh trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, năm 2020. Ảnh: Gia Minh.
Trong đó từ nay đến năm 2022, toàn bộ xe cơ giới 3 bánh và thô sơ 3-4 bánh bị cấm chạy vào khu trung tâm, được giới hạn bởi các tuyến đường: Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng.
Ngoài ra, các xe này không được chạy vào các tuyến: Phan Đình Giót (đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến Trường Sơn), Trường Sơn (từ đường Phan Đình Giót đến Hồng Hà), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến Điện Biên Phủ), Võ Văn Kiệt (từ đường Lò Gốm đến Tôn Đức Thắng) và 3 tuyến Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi.
Cũng từ nay đến năm 2022, khung 5h-13h và 16h-22h, tất cả xe 3 bánh và thô sơ từ 3-4 bánh bị cấm chạy vào nội đô thành phố, giới hạn bởi hành lang: hướng Bắc và Tây là quốc lộ 1 (từ giao lộ quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến nút giao quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh); hướng Đông là xa lộ Hà Nội (từ giao quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến nút giao Cát Lái) - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công);
Hướng Nam là đường Võ Chí Công (từ Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) - cầu Phú Mỹ - đường trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) - đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1).
Ngoài ra trong giờ cao điểm 6h-8h và 16h-19h, xe 3 bánh và thô sơ từ 3-4 bánh cũng bị đề xuất cấm chạy vào 8 tuyến: quốc lộ 1; 1K, 13, 50, 22, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng. Việc cấm sẽ áp dụng từng đoạn trên các tuyến này.
Giai đoạn 2022-2025, vành đai và các tuyến đường cấm xe 3 bánh, thô sơ từ 3-4 bánh không thay đổi nhưng được đề xuất tăng giờ cấm vào khu nội đô suốt thời gian 5h-22h. Sau năm 2025, loại xe này bị cấm hoạt động ở TP HCM.
Xe ba gác chở tôn va vào 2 xe máy trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, khiến 2 người bị thương, năm 2017. Ảnh: Gia Minh.
Trước đó, năm 2013 UBND TP HCM quyết định cấm và hạn chế xe cơ giới 3 bánh, thô sơ 3-4 bánh chạy vào khu vực nội đô nhưng phạm vi hẹp và khung thời gian ngắn hơn. Nghị quyết 32 năm 2007 của Chính phủ đã đình chỉ hoạt động nhiều xe, trong đó có xe 3-4 bánh tự chế, bắt đầu từ năm 2008. Chủ các phương tiện này được hỗ trợ để thay thế xe, chuyển đổi việc làm.
Từ đó đến nay, TP HCM thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3-4 bánh tự chế, chi khoảng 160 tỷ đồng hỗ trợ những người bị ảnh hưởng. Dù vậy theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện thành phố còn khoảng 30.000 xe 3-4 bánh tự chế. Năm 2017 đến nay, thành phố xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông liên quan xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ.
Theo Sở Giao thông Vận tải, nhu cầu sử dụng loại xe hiện có do tính cơ động, dễ chạy vào các đường nhỏ, thuận tiện chở hàng... Việc điều chỉnh giao thông và tiến đến chấm dứt hoạt động ảnh hưởng nhiều người nên cần đánh giá tổng thể để có giải pháp phù hợp.
Tác giả: Gia Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy