Dòng sự kiện:
Đề xuất Chính phủ tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân sản xuất
21/05/2021 07:07:46
Do môi trường thường trực nguy cơ lây nhiễm, đe dọa ngừng sản xuất, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề xuất Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân.

Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - VASI đã thực hiện khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất của hội viên. Kết quả cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) luôn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch, nhưng vẫn thường trực nguy cơ lây nhiễm, đe dọa ngừng sản xuất.

Để thực hiện được "mục tiêu kép" của Chính phủ, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, VASI đã có văn bản đề xuất gửi tới Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các Bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương về các vấn đề liên quan đến nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 và các hỗ trợ sau dịch.

Hoạt động tại các khu công nghiệp với nguy cơ lây lan dịch bệnh thường trực, đe dọa gián đoạn sản xuất, gây tổn hại đến chuỗi cung ứng. Ảnh: Việt Linh.

Theo VASI, các doanh nghiệp CNHT đều hoạt động tại các khu công nghiệp với nguy cơ lây lan dịch bệnh thường trực, đe dọa gián đoạn sản xuất, gây tổn hại đến chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và toàn cầu.

Theo đó, nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp CNHT hiện nay là Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine và ưu tiên cho đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, đảm bảo hoạt động liên tục, đóng góp chi nền kinh tế và giữ vững uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong công nghiệp chế tạo toàn cầu.

Doanh nghiệp CNHT sẵn sàng ủng hộ và đồng hành với Chính phủ để có thể thực hiện xã hội hóa việc tiêm vaccine sớm nhất. Về chi phí, nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hóa, đa số doanh nghiệp CNHT đều sẵn sàng chi trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động của mình.

Trong năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến các doanh nghiệp CNHT với những vấn đề như chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu, logistic tăng vọt; doanh thu giảm trung bình 30% so với 2019; tuyển dụng và giữ chân lao động khó; giá đất thuê công nghiệp cao...

Chính vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó cũng như tận dụng những cơ hội hiện tại, VASI đề nghị các cơ quan Chính phủ có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để có thể giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất.

Tác giả: Hà Bùi

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến