Nhà máy bột giấy Phương Nam là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương và được đánh giá là có tương lai mờ mịt nhất. Bộ Công Thương đã rao thanh lý tài sản nhà máy ba lần nhưng không có người mua.
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng trương Hoà Bình để xử lý về dự án này mới đây, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang lãng phí đất đai, gây bức xúc trong dân khi hàng chục năm năm vẫn đình trệ, đội vốn lớn... Hiện khoản đầu tư vào nhà máy trên 3.000 tỷ đồng, nguồn lực đất đai khoảng 43 ha. Theo quan điểm của tỉnh, nhà máy đã không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Ông Út thông tin, huyện Thạch Hoá, nơi đặt nhà máy, được quy hoạch là đô thị sinh thái gắn với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, tỉnh có thể chuyển đổi quy hoạch nhà máy bột giấy này thành khu đô thị sinh thái với quy mô mở rộng lên hơn 100 ha. Việc này cũng sẽ làm giảm rủi ro ô nhiễm môi trường khi nhà máy nằm ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ, có thể tác động đến nguồn nước của người dân Long An, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang.
Trước đề xuất này, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh Long An xây dựng báo cáo trình Chính phủ các phương án đối với dự án, gồm cả phương án bán đấu giá dự án; phương án thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam trong đó có cả dự án này và phương án điều chỉnh quy hoạch gắn với đấu giá dự án trước ngày 31/12. Phó thủ tướng cũng lưu ý cơ sở pháp lý của từng phương án, vướng mắc, lộ trình xử lý...
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), kể từ khi tiếp quản Nhà máy Bột giấy Phương Nam tháng 6/2009 từ Công ty Đầu tư phát triển Giao thông vận tải (Tracodi), Vinapaco đã đầu tư vào 2.021,7 tỷ đồng. 3 năm sau, tổng công ty cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải.
Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công. Vinapaco tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 3.410 tỷ đồng và tìm các phương án đưa dự án vào hoạt động nhưng nhà máy vẫn không vận hành được. Doanh nghiệp cũng 3 lần đàm phán để ký lại hợp đồng chạy thử với Nhà thầu ANDRITZ nhưng phía ANDRITZ không cam kết đảm bảo kết quả chạy thử ra được sản phẩm cuối cùng. Nguyên nhân là nghĩa vụ của nhà thầu với hợp đồng cung cấp thiết bị và dịch vụ kỹ thuật ký với Tracodi đã hết.
Sau khi dự án được phép dừng đầu tư năm 2004 để chờ phương án xử lý, một số nhà thầu đã khởi kiện để đòi nợ, Vinpaco thua kiện phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Điều này khiến cho nhiều dự án của doanh nghiệp những năm qua không thể triển khai.
Ông Đức nhấn mạnh, việc Ngân hàng PVcomBank khởi kiện ra tòa gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, và có thể khiến đình trệ sản xuất, thậm chí phá sản vì số tiền mà ngân hàng này yêu cầu phải trả lên đến 592 tỷ đồng, gần bằng nửa vốn điều lệ của Vinapaco.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ, dù 2 lần thực thiện công tác xác định giá trị doanh nghiệp vào năm 2009 và 2014 để cổ phần hóa theo chỉ đạo Chính phủ nhưng do vướng mắc của dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, chưa thể cổ phần hóa được.
Tác giả: Đức Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy