Báo cáo trước Quốc hội sáng nay (6/11), Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đã được chỉ đạo tìm phương án xử lý dứt điểm. Nguyên tắc là tự chủ của doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, nhà nước không cấp thêm vốn, hạn chế thiệt hại và quan tâm tới quyền lợi người lao động.
Trong đó, một số dự án đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư hoặc đang có nhà đầu tư quan tâm mua lại như nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, nhà máy gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 và dự án Thép Việt Trung.
Ngoài ra, các cơ quan cho biết có thể giải quyết khó khăn với dự án DAP-1 Hải Phòng, DAP-2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình nếu tháo gỡ được vướng mắc về thuế suất giá trị gia tăng 5% đối với phân bón.
Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Hoài Thu.
12 dự án thua lỗ của ngành công thương gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai; Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất; Dự án nhà máy thép Việt Trung; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.
Tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án này gần 43.700 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 63.610 tỷ đồng (tăng gần 46%). Trong đó, vốn chủ sở hữu trên 14.350 tỷ đồng (khoảng 23%), vốn vay hơn 47.451 tỷ đồng (75%), còn lại gần 2,9% từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay, khoản từ ngân hàng trong nước hơn 41.801 tỷ đồng, còn lại là vay bảo lãnh của Chính phủ.
Báo cáo do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa uỷ quyền Chính phủ cho biết, đến nay, số liệu thiệt hại về kinh tế của 12 dự án vẫn chưa được xác định đầy đủ nên chưa hoàn thành quyết toán, xác định giá trị các dự án.
Lý do là 5 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình). 5 dự án này gồm nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Dù vậy, theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm nay, vốn chủ sở hữu của 12 dự án là -7.264,61 tỷ đồng. Tổng tài sản là 59.152,88 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả hơn 63.308 tỷ đồng, lỗ luỹ kế là trên 26.360 tỷ đồng.
Để giải quyết khó khăn ở các dự án nói riêng, ngành sản xuất như sắt thép, phân bón, xơ sợi... trong nước nói chung, Bộ Công Thương đã sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. Việc này giúp các dự án như nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Công ty thép Việt - Trung, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên... dần giữ được thị trường, cải thiện tình hình kinh doanh.
Tác giả: Minh Sơn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy