Từ 15h chiều 21/6, giá xăng một lần nữa “lập đỉnh” mới sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh theo chu kỳ. Theo đó, giá 2 loại xăng E5 RON 92 và RON 95 tiếp tục tăng lần lượt lên 31.302 đồng/lít và 32.873 đồng/lít.
Thực tế, sau kỳ điều chỉnh lần này, giá bán lẻ nhiều mặt hàng xăng đã vượt 34.000 đồng/lít. Đơn cử, ở vùng II (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu) xăng RON 95 lên mức 33.520 đồng/lít; xăng RON 95 V (xăng cao cấp) lên mức 34.130 đồng/lít; E5 RON 92 lên 31.920 đồng/lít...
Trong hơn nửa đầu năm 2022, giá xăng trong nước tăng tổng cộng 13 lần và chỉ trong 2 tháng, mặt hàng này có tới 5 lần lập đỉnh liên tiếp. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng hiện nay đã nâng thêm 37%.
Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giá xăng vẫn liên tục lập đỉnh
Theo Nghị quyết 18, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 700-2.000 đồng/lít từ ngày 1/4. Tuy nhiên, trải qua 9 kỳ điều chỉnh sau khi áp dụng mức giảm thuế, giá xăng dầu trong nước vẫn liên tục tăng cao trước áp lực đà tăng của giá dầu thế giới.
Hiện tại, trong công thức tính giá cơ sở, các loại thuế phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong việc cấu thành giá xăng. Cơ cấu giá xăng RON 95 phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% theo giá bán và thuế bảo vệ môi trường giảm 50% còn 2.000 đồng/lít.
Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lúc này, xăng RON 95 có giá bán lẻ trên thị trường tối đa 32.873 đồng/lít. Vậy tổng chi cho các khoản thuế, phí chiếm tới 35%, còn tính riêng tổng chi từ thuế thì chiếm hơn 30% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.
Để hạ nhiệt giá xăng không thể trông chờ vào quỹ bình ổn xăng dầu, mà phải tính toán các biện pháp cao hơn như giảm 10-30% các loại thuế phí cấu thành vào giá xăng. Thực tế, ở kỳ điều hành mới đây, cơ quan điều hành đã không chi quỹ đối với mặt hàng xăng.
Có thể thấy, hướng giải pháp sử dụng quỹ bình ổn không mấy khả quan trong trường hợp giá dầu thô tăng cao và dư địa quỹ bình ổn xăng dầu không còn nhiều, các doanh nghiệp lớn âm quỹ. Trong đó, Petrolimex âm 98 tỷ đồng (đến ngày 21/6), PVOil âm 1.032 tỷ đồng (tính đến 13/6)...
Mỗi lít xăng hiện nay "cõng" khoảng 35% thuế, phí. Ảnh: Quỳnh Danh.
Giảm thêm 1.000 đồng như "muối bỏ bể"
Mới đây, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong nước. Theo đó, cơ quan này tiếp tục đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - đánh giá việc giá xăng dầu tăng cao và liên tục trong thời gian qua đang gây nên áp lực lạm phát lớn từ nay đến cuối năm.
"Việc đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường hay giảm tới 2.000 đồng cũng chỉ là 'muối bỏ bể' tức không có nhiều tác dụng và chưa đủ làm giải tỏa cơn khát hạ nhiệt giá xăng dầu", ông nói.
Theo ông, việc giảm thuế xăng dầu là vấn đề cấp thiết, cần làm ngay để an lòng dân, trong đó, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Bởi các loại thuế này là thuế tương đối, có thể linh hoạt điều chỉnh theo giá xăng dầu thế giới. Đặc biệt sẽ có tác dụng giảm nhiều hơn thay vì giảm thuế tuyệt đối là thuế bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường hay giảm tới 2.000 đồng cũng chỉ là 'muối bỏ bể' chưa đủ làm giải tỏa cơn khát hạ nhiệt giá xăng dầu.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
"Bên cạnh đó, nếu bỏ hẳn thuế môi trường cũng không hợp lý vì các khoản chi cho môi trường sẽ làm thế nào và vô hình trung sẽ làm ảnh hưởng đến các dự án đầu tư dài hạn hoặc dự án đầu tư ngắn hạn cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường", ông nhìn nhận.
Về lâu dài, cơ chế điều hành giá xăng dầu phải linh hoạt hơn, cần có sự tham gia của nhiều bên như doanh nghiệp các ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng từ giá xăng dầu, nhà khoa học, viện nghiên cứu để tránh điều hành "giật cục, lúng túng".
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng nguồn xăng dầu tiêu dùng trong nước chủ yếu nhập khẩu nên khi thuế được tính trên tỷ lệ phần trăm giá xăng dầu, giá nhập khẩu càng tăng sẽ làm tăng thặng dư ngân sách.
Doanh nghiệp muốn giảm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - nhìn nhận các doanh nghiệp vận tải đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. "Giá xăng dầu tăng cao đã được cảnh báo trước, song các chính sách điều chỉnh giảm thuế phí xăng dầu đề xuất quá 'nhỏ giọt' trước sức tăng nóng giá xăng hiện nay", ông nói.
Theo ông, các chính sách phải có lộ trình, tầm nhìn dài hạn. Bởi các doanh nghiệp vận tải đã đình trệ hoạt động 2 năm qua vì dịch Covid-19 nay giá xăng tăng cao kỷ lục. Trong bối cảnh này, Chính phủ và các bộ ngành cần mạnh dạn miễn, ngừng thay vì giảm, hoãn.
"Đặc biệt, cơ quan chức năng cần xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay, chúng ta đang định danh các loại mặt hàng không khuyến khích sử dụng và mặt hàng thiết yếu. Song, xăng là mặt hàng rất thiết yếu tại sao lại đưa vào danh sách không khuyến khích sử dụng?", ông Hùng nói.
Trong văn bản góp ý với Bộ Tài Chính ngày 21/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7 do thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, cơ quan này đặt câu hỏi vì sao Bộ Tài chính không chọn phương án giảm thuế nhập khẩu bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.
"Tờ trình có đề cập đến các cam kết của Việt Nam trong các FTA, tuy nhiên, theo rà soát, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết", Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích.
Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy