Dòng sự kiện:
Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu
10/04/2023 14:24:09
Mặc dù quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hiện người dân chủ yếu mua sắm các mặt hàng thiết yếu hằng ngày và giảm tối đa chi tiêu.


Khó khăn kinh tế cũng bắt đầu tác động trực tiếp đến ngành bán lẻ.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8%. “Kết quả này có được nhờ hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch COVID-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua”,  đại diệnTổng cục Thống kê nhận định.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm, xu hướng tiêu dùng của người dân tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu, hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết…

Mặc dù, các doanh nghiệp, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân nhưng ngành thương mại, dịch vụ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công... thu nhập của người dân chưa được cải thiện…

Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Những khó khăn của doanh nghiệp đã xảy ra từ quý 4/2022, nhưng đến quý 1/2023 mới “đậm nét” do thiếu đơn hàng sản xuất, áp lực chi phí đầu vào khi giá nguyên vật liệu tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia. “Về tình hình tiêu thụ hàng hoá tại TP Hồ Chí Minh trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các mặt hàng tiêu thụ tập trung vào sản phẩm thiết yếu, như lương thực thực phẩm, đồ uống tăng 18,5% so với cùng kỳ, các mặt hàng khác bị cắt giảm mạnh”, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết. 

Để giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và hồi phục sau đại dịch, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) vừa đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%, dự kiến từ 1/7 đến hết năm 2023.

Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định nhưng sức mua chậm, nhất là những mặt hàng cao cấp.

Theo đại diện Vụ Chính sách thuế, tại dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trưởng xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT.

Trên cơ sở đó, Vụ Chính sách thuế đưa ra hai phương án giảm 2% thuế VAT năm 2023. Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất VAT đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%); phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội đánh giá rất cao tính hiệu quả của các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, đặc biệt là giải pháp giảm thuế suất thuế VAT năm 2022. Do đó, VTCA đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn kinh tế, tài chính trong năm 2023 mà dự kiến sẽ còn khó khăn hơn năm 2022, nhằm duy trì đà tăng trưởng và phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo khảo sát, điều tra hơn 12.000 doanh nghiệp trong 63 tỉnh, thành phố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tác động nhiều mặt tới doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường… và sự lạc quan của doanh nghiệp cũng giảm đi nhiều.

"Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn nên việc giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa và hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đáng chú ý, rủi ro lạm phát được dự báo ở mức cao trong thời gian tới, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá hàng hóa tiêu dùng, góp phần kích cầu tiêu dùng nhưng không làm tăng lạm phát", ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết. 

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh – HUBA) cho rằng: Nên giảm thuế VAT trên diện rộng và miễn thuế thu nhập cá nhân ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2023. "Năm 2022 đã giảm thuế VAT về 8% nhưng chỉ áp dụng cho một số nhóm ngành dẫn đến rất rắc rối khi áp dụng mà không có tác dụng lan tỏa rộng”, đại diện HUBA chia sẻ. 

Do vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn cần giảm thuế VAT về mức 8% áp dụng cho các lĩnh vực, ngành nghề để kích cầu. Việc giảm thuế VAT sẽ giúp hàng hóa rẻ hơn, qua đó tác động trực tiếp vào những người mua cuối cùng, từ đó kích thích sức mua. Nhờ chính sách này doanh nghiệp giải phóng được hàng tồn, giúp thu hồi vốn, tạo vòng quay sản xuất mới. Qua đó người lao động cũng có công ăn việc làm.

Theo Bộ Tài chính, tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50.200 tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế (64 nghìn tỷ đồng). Trong đó, giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 khoảng 38.900 tỷ đồng.

Tác giả: Minh Phương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến